Hướng dẫn 03/HD-VKSTC về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình năm 2019 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 03/HD-VKSTC |
Ngày ban hành | 07/01/2019 |
Ngày có hiệu lực | 07/01/2019 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Vương Văn Bép |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/HD-VKSTC |
Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2019 |
CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2019
Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2019 về Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 và Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 01/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; để thực hiện tốt Chỉ thị và Kế hoạch nêu trên, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) hướng dẫn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau đây:
1. Viện kiểm sát nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình: Chỉ đạo Kiểm sát viên, công chức phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để khắc phục hạn chế, thiếu sót, thực hiện đầy đủ các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong lĩnh vực này; đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến đất đai.
2. Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp, nhất là đối với các vụ án về tranh chấp đất đai
Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng Bài phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (sau đây viết tắt là vụ việc dân sự). Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, nhất là phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp về đất đai. Đối với những vụ án dân sự phức tạp, kéo dài, có nhiều quan điểm cần phải có ý kiến của tập thể Lãnh đạo Viện, Ủy ban Kiểm sát hoặc thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên trước khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Dự thảo Bài phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân phê duyệt. Tăng cường kiểm tra chất lượng nghiên cứu lập hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc và Bài phát biểu của Kiểm sát viên.
3. Nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự. Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải tích cực phát hiện vi phạm để tăng cường kháng nghị phúc thẩm ngang cấp, Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm bảo vệ kháng nghị; trường hợp kháng nghị của Viện kiểm sát có căn cứ nhưng không được Tòa án chấp nhận thì phải báo cáo để Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Kháng nghị không được Hội đồng xét xử chấp nhận cần tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời.
4. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thỉnh thị, thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm
Viện kiểm sát cấp dưới chủ động đề nghị Viện kiểm sát cấp trên giải đáp những khó khăn vướng mắc trong áp dụng các quy định của pháp luật; những vụ việc phức tạp có nhiều quan điểm hoặc các vụ việc mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết phải xin ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên trước khi tham gia phiên tòa. Viện kiểm sát cấp trên phải tích cực hướng dẫn và trả lời thỉnh thị theo đúng quy định của Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát các cấp tăng cường thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.
5. Tăng cường công tác kiểm tra
Thực hiện nghiêm chỉnh Kế hoạch kiểm tra của ngành Kiểm sát nhân dân số 02/KH-VKSTC ngày 01/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao với các hình thức phù hợp, như: Tự kiểm tra; trực tiếp kiểm tra; kiểm tra đột xuất; kiểm tra chéo… nhằm bảo đảm mục đích và yêu cầu của công tác kiểm tra.
Viện kiểm sát cấp trên tích cực, chủ động theo dõi hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát cấp dưới, trên cơ sở đó thực hiện việc kiểm tra để hướng dẫn các đơn vị làm chưa tốt đồng thời nhân rộng cách làm hay của những đơn vị làm tốt để các đơn vị trong toàn ngành nghiên cứu áp dụng.
II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
1.1. Viện trưởng Viện kiểm sát, trong phạm vi chức năng của mình tiếp tục triển khai các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
1.2. Phải phân công Kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa, phiên họp theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với những vụ, việc phức tạp phải phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm giải quyết và Kiểm sát viên dự khuyết.
1.3. Việc bố trí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức cho công tác này bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, có tính kế thừa và ổn định (ở VKSND cấp huyện cần phân công ít nhất 01 Kiểm sát viên chuyên trách thực hiện công tác này).
1.4. Chú trọng công tác tự đào tạo tại đơn vị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, chuyên sâu về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự hướng dẫn trực tiếp các công chức mới được tuyển dụng. Lãnh đạo Viện thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, học tập rút kinh nghiệm qua các vụ việc dân sự cụ thể.
2. Kiểm sát 100% bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án
Kiểm sát chặt chẽ 100% các bản án, quyết định của Tòa án. Sau khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển đến, Kiểm sát viên phải kiểm sát và lập phiếu kiểm sát bản án, quyết định giải quyết của Tòa án (theo mẫu hướng dẫn của Ngành ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKTSC ngày 01/6/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Viện kiểm sát cấp dưới phải sao gửi ngay bản án, quyết định kèm theo Phiếu kiểm sát bản án, quyết định, thông báo việc kháng cáo (nếu có) cho Viện kiểm sát cấp trên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát ở cấp sơ thẩm sao gửi bản án, quyết định kèm theo phiếu kiểm sát bản án, quyết định đó cho Viện kiểm sát cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ.
Tăng cường kháng nghị phúc thẩm, gắn trách nhiệm của Viện trưởng VKSND các cấp có thẩm quyền trong việc kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bản án, quyết định bị sửa, hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát nhưng không được phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị.
Kiểm sát viên phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình trước, trong và sau phiên tòa sơ thẩm, chủ động đề nghị Tòa án xác minh thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự; kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời phát hiện vi phạm, bảo đảm kháng nghị phúc thẩm tăng cao cả về số lượng và chất lượng.
Trường hợp không còn thời hạn để xem xét, kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm thì phải kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, kèm theo hồ sơ kiểm sát và hồ sơ chính (nếu có).