Hội nghị thế giới chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 31/08/2001
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI NGHỊ THẾ GIỚI CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ BẤT KHOAN DUNG LIÊN QUAN

(Tuyên bố và chương trình hành động Durban, 2001).

TUYÊN BỐ

Họp tại Durban, Nam Phi, từ ngày 31/8 đến ngày 8/9/2001,

Thể hiện sự đánh giá cao việc Chính phủ Nam Phi đã đăng cai tổ chức Hội nghị Thế giới này,

Lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Nam Phi chống lại chế độ thể chế hóa của nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, cũng như đòi lại sự công bằng và công lý theo chế độ dân chủ, phát triển, pháp trị và tôn trọng quyền con người, trong bối cảnh này,

Nhớ lại đóng góp quan trọng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh đó và đặc biệt là vai trò then chốt của nhân dân và Chính phủ các nước châu Phi, và

Ghi nhận vai trò quan trọng của các nhân vật khác nhau của xã hội dân sự, kể cả các tổ chức phi chính phủ, trong cuộc đấu tranh đó và trong các nỗ lực không ngừng nghỉ chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Xét rằng Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên, được Hội nghị Thế giới về Nhân quyền tháng 6/1993 thông qua, kêu gọi việc xóa bỏ nhanh chóng và toàn diện tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Nhắc tới Nghị quyết số 1997/74 ngày 18/4/1997 của Ủy ban Nhân quyền, Nghị quyết số 52/111 ngày 12/12/1997 của Đại Hội đồng và các nghị quyết tiếp sau của các cơ quan liên quan tới việc triệu họp Hội nghị Thế giới chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan; và cũng nhắc tới hai Hội nghị Thế giới chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Phân biệt đối xử về chủng tộc được tổ chức tại Geneva lần lượt trong các năm 1978 và 1983,

Lo ngại rằng bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các mục tiêu chủ yếu của ba Thập niên chống Chủ nghĩa Phân biệt chủng tộc và Phân biệt đối xử về chủng tộc đã không đạt được và rằng cho đến ngày nay vẫn còn vô số người tiếp tục là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Nhớ rằng năm 2001 là Năm Quốc tế Động viên chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Phân biệt đối xử về chủng tộc, Tư tưởng Bài ngoại và Bất khoan dung liên quan, hướng đến việc thu hút sự chú ý của thế giới vào các mục tiêu của Hội nghị Thế giới và đem lại đà mới cho cam kết chính trị loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Đón nhận quyết định của Đại Hội đồng về việc tuyên bố năm 2001 là Năm Đối thoại giữa các Nền văn minh của Liên Hợp Quốc,

Nhấn mạnh sự khoan dung và tôn trọng đối với sự đa dạng và nhu cầu tìm kiếm điểm chung giữa và trong các nền văn minh để giải quyết những thách thức chung đối với nhân loại đe dọa các giá trị chung, nhân quyền toàn thế giới và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan thông qua hợp tác, liên minh và cộng tác,

Đón nhận tuyên bố của Đại Hội đồng về giai đoạn 2001-2010 như là Thập kỷ của Văn hóa Hòa bình và Phi bạo lực cho Trẻ em Thế giới và việc Đại Hội đồng thông qua Tuyên bố và Kế hoạch Hành động về Văn hóa Hòa bình.

Ghi nhận rằng Hội nghị Thế giới về chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cùng với Thập niên Quốc tế của Cư dân bản địa Thế giới (The International Decade of the World’s Indigenous People) đã đề ra cơ hội có một không hai để xem xét những đóng góp vô giá của những tộc người bản địa trên khắp thế giới vào sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần của xã hội, cũng như những thách thức họ phải đối mặt, bao gồm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc,

Nhắc tới Tuyên bố Liên Hợp Quốc về Trao quyền Độc lập cho Các nước và Các dân tộc Thuộc địa năm 1960,

Tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với các mục đích và nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người,

Khẳng định rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là sự phủ nhận các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc,

Khẳng định lại các nguyên tắc về bình đẳng và không phân biệt đối xử trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và khuyến khích tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay nguồn gốc xã hội, tài sản, tình trạng lúc sinh hay tình trạng khác,

Tin vào tầm quan trọng cơ bản của sự tham gia toàn thế giới vào hoặc sự thông qua và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh theo Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử về chủng tộc với tư cách là văn kiện quốc tế chủ yếu để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của việc các Quốc gia, trong công cuộc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cân nhắc việc ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập tất cả các văn kiện nhân quyền quốc tế có liên quan, hướng tới sự đồng thuận trên toàn thế giới,

Lưu ý báo cáo của các hội nghị khu vực được tổ chức tại Strasbourg, Santiago, Dakar và Tehran và dữ liệu từ các Quốc gia, cũng như báo cáo của các hội nghị chuyên đề, các cuộc họp khu vực của các tổ chức phi chính phủ và các cuộc họp khác được tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị Thế giới,

Đánh giá cao Tuyên bố Tầm nhìn của Tổng thống Thabo Mbeki của Nam Phi dưới sự bảo trợ của Ngài Nelson Mandela đáng kính, Tổng thống đầu tiên của Nam Phi mới, và với sáng kiến của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền và Tổng Thư ký của Hội nghị Thế giới, và được ký bởi bảy mươi tư nguyên thủ Quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các chức sắc của nhà thờ,

Tái khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản đáng giá cho sự tiến bộ và thịnh vượng của nhân loại nói chung và cần được coi trọng, hưởng thụ, chấp nhận chân thật và nắm lấy như là một đặc trưng lâu dài làm phong phú xã hội của chúng ta,

Thừa nhận rằng không một vi phạm nào đối với việc cấm phân biệt đối xử về chủng tộc, tội diệt chủng, tội phân biệt chủng tộc và nô lệ là được phép, như xác định trong các nghĩa vụ theo các văn kiện về nhân quyền có liên quan,

Lắng nghe nhân dân thế giới và thừa nhận khát vọng của họ về công lý, về công bằng cơ hội cho tất cả mọi người, về việc thụ hưởng quyền con người, kể cả quyền được phát triển, được sống trong hòa bình và tự do và khát vọng được tham gia như nhau mà không có sự phân biệt đối xử trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị,

Thừa nhận rằng sự tham gia bình đẳng của tất cả các cá nhân và dân tộc trong việc hình thành các xã hội công bằng, dân chủ và tối đa hóa cơ hội cho mọi người có thể đóng góp cho một thế giới không có phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia công bằng của tất cả, mà không có bất cứ sự phân biệt nào, vào quá trình ra quyết định trong nước cũng như toàn cầu,

Khẳng định rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, khi chúng lên đến mức kỳ thị chủng tộc và phân biệt chủng tộc, sẽ gây ra những vi phạm nghiêm trọng và là trở ngại đối với việc thụ hưởng đầy đủ tất cả các quyền con người và phủ nhận sự thật hiển nhiên rằng tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền, là trở ngại đối với quan hệ thân thiện và hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia, là một trong những nguyên nhân cốt lõi của nhiều xung đột trong nước và quốc tế, bao gồm xung đột vũ trang, và sự di chuyển bắt buộc của dân cư như là hệ quả của các cuộc xung đột đó,

[...]