Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Hiệp định số 19/2004/LPQT về vận tải hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo I-ran

Số hiệu 19/2004/LPQT
Ngày ban hành 15/10/2001
Ngày có hiệu lực 27/01/2003
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Tiến Sâm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ NGOẠI GIAO

 

Số: 19/2004/LPQT

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2004

 

Hiệp định vận tải hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo I-ran có hiệu lực từ ngày 27 tháng 01 năm 2003./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

VẬN TẢI HÀNG KHÔNG GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA HỒI GIÁO I-RAN

Lời nói đầu

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo I-ran là các bên của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế được mở để ký tại Chicagô ngày bảy tháng mười hai năm 1944, (16/09/1323). Sau đây được gọi là “các Bên ký kết”; nhằn thiết lập và khai thác những chuyến bay thường lệ giữa và ngoài lãnh thổ tương ứng của các Bên ký kết;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1: Định nghĩa

Dùng cho Hiệp định này:

A. Thuật ngữ “Công ước” chỉ Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế được mở để ký tại Chicagô ngày bảy tháng Mười hai năm 1944 (16/09/1323) và bao gồm những sửa đổi đã được thông qua theo Điều 94 của Công ước đã có hiệu lực đối với cả hai Bên ký kết và các Phụ lục của Công ước và những sửa đổi của Phụ lục được thông qua theo Điều 90 của Công ước và đã có hiệu lực đối với cả hai Bên ký kết.

B. Thuật ngữ “nhà chức trách hàng không” trong trường hợp của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và bất kỳ người hoặc cơ quan nào được phép thực hiện bất kỳ chức năng nào mà Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đang thực hiện, và trong trường hợp của Cộng hòa Hồi giáo I-ran chỉ Cục trưởng Cục hàng không dân dụng và bất kỳ người hoặc cơ quan nào được phép thực hiện bất kỳ chức năng nào mà Cục Hàng không dân dụng đang thực hiện.

C. Thuật ngữ “hãng hàng không được chỉ định” chỉ một hãng hàng không được chỉ định và cấp phép phù hợp với các quy định tại Điều 3 của Hiệp định này.

D. Thuật ngữ “tải cung ứng” đối với một tầu bay chỉ trọng tải của tầu bay đó trên một đường bay hoặc một phần của đường bay và thuật ngữ “tải cung ứng” đối với “một chuyến bay thỏa thuận” chỉ tải cung ứng của tầu bay được sử dụng trong chuyến bay đó, nhân với tần suất khai thác của tầu bay đó trong một thời gian nhất định trên một đường bay hoặc một phần của đường bay.

E. Thuật ngữ “lãnh thổ” đối với một Quốc gia chỉ vùng đất (đất liền và hải đảo), nội thủy và lãnh hải tiếp giáp và vùng trời nằm trên vùng đất, nội thủy và lãnh hải đó thuộc chủ quyền của Quốc gia đó.

F. Những thuật ngữ “chuyến bay”, “chuyến bay quốc tế”, “hãng hàng không” và “dừng với mục đích phi thương mại” có nghĩa tương ứng được quy định tại Điều 96 của Công ước.

G. Thuật ngữ “giá cước” chỉ các giá tiền phải trả cho việc chuyên chở hành khách, hành lý, hàng hóa và các điều kiện theo đó các giá tiền này được áp dụng, bao gồm cả các giá tiền và các điều kiện đối với các dịch vụ đại lý và những dịch vụ phụ khác nhưng không bao gồm tiền công và các điều kiện đối với việc chuyên chở bưu điện.

Điều 2: Trao quyền

1. Mỗi Bên ký kết trao cho hãng hàng không được chỉ định của Bên ký kết kia các quyền sau đây đối với các chuyến bay quốc tế:

a) quyền bay không hạ cánh qua lãnh thổ của mình;

b) quyền dừng với mục đích phi thương mại tại lãnh thổ của mình.

2. Mỗi Bên ký kết trao cho hãng hàng không chỉ định của Bên ký kết kia các quyền sau đây được quy định trong Hiệp định nhằm khai thác các chuyến bay quốc tế trên các đường bay được quy định tại Phần tương ứng của Bảng đường bay đính kèm theo Hiệp định này. Những chuyến bay như vậy sau đây được lần lượt gọi là “các chuyến bay thỏa thuận” và “các đường bay quy định”. Ngoài các quyền quy định tại đoạn (1) của Điều này, khi khai thác một chuyến bay thỏa thuận trên đường bay quy định, hãng hàng không được mỗi Bên ký kết chỉ định sẽ được hưởng quyền dừng ở lãnh thổ của Bên ký kết kia tại các điểm quy định cho đường bay này trong Bảng đường bay của Hiệp định này để lấy lên và cho xuống hành khách và hàng hóa, bao gồm cả bưu kiện.

3. Không ý nào trong quy định của Hiệp định này sẽ được coi là dành cho hãng hàng không của một Bên ký kết quyền lấy lên máy bay, ở lãnh thổ của Bên ký kết kia, hành khách và hàng hóa, hoặc bưu kiện, chuyên chở lấy tiền công hoặc tiền thuê và cho xuống một điểm khác ở lãnh thổ của Bên ký kết đó.

4. Trong những vùng có chiến sự và/hoặc sự chiếm đóng quân sự, hoặc những vùng bị ảnh hưởng, việc khai thác các chuyến bay như vậy sẽ tùy thuộc vào sự phê chuẩn của những nhà chức trách có thẩm quyền.

Điều 3: Chỉ định và cấp phép

1. Mỗi Bên ký kết sẽ có quyền chỉ định bằng văn bản gửi cho Bên ký kết kia một hoặc nhiều hãng hàng không để khai thác các chuyến bay thỏa thuận trên các đường bay quy định và có quyền thu hồi hoặc thay đổi sự chỉ định đó đối với bất cứ hãng hàng không đã được chỉ định nào.

2. Khi nhận được thông báo như vậy được nêu tại đoạn (1), Bên ký kết kia, tùy thuộc vào các quy định của đoạn (3) và (4) của Điều này, sẽ không chậm trễ cấp cho hãng hàng không được chỉ định đó giấy phép khai thác thích hợp.

[...]