Công ước về thống nhất một số quy tắc liên quan đến vận tải hàng không quốc tế

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/05/1999
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Công ước
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CÔNG ƯỚC

VỀ THỐNG NHẤT MỘT SỐ QUY TẮC LIÊN QUAN ĐẾN VẬN TẢI HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ 1

(Montreal, 28 tháng 5 năm 1999)

CÁC BÊN CỦA CÔNG ƯỚC NÀY

THỪA NHẬN sự đóng góp quan trọng của Công ước về Thống nhất một số quy tắc liên quan đến vận tải hàng không quốc tế được kí tại Warsaw vào ngày 12 tháng 9 năm 1929, sau đây gọi là “Công ước Warsaw”, và các thể chế có liên quan đối với việc hài hoà hoá luật về vận tải hàng không dân dụng quốc tế;

THỪA NHẬN sự cần thiết hiện đại hoá và hợp nhất Công ước Warsaw và các thể chế liên quan;

THỪA NHẬN tầm quan trọng của việc bảo đảm các lợi ích của người tiêu dùng trong vận tải hàng không quốc tế và các yêu cầu cho việc bồi thường thỏa đáng trên cơ sở nguyên tắc bồi thường tổn thất;

KHẲNG ĐỊNH LẠI mong muốn đối với sự phát triển có trật tự của các hoạt động vận tải hàng không quốc tế và sự di chuyển thuận lợi của hành khách, hành lí và hàng hoá phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế, kí tại Chicago vào ngày 7 tháng 12 năm 1944;

ĐƯỢC THUYẾT PHỤC RẰNG hành động tập thể của các Quốc gia để hài hoà hoá và nhất thể hoá hơn nữa các quy định liên quan hoạt động vận tải hàng không quốc tế thông qua một Công ước mới là cách thức phù hợp nhất để đạt được sự cân bằng hợp lí của các lợi ích;

ĐÃ THOẢ THUẬN như sau:

CHƯƠNG I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Công ước này áp dụng đối với tất cả hoạt động vận tải quốc tế đối với người, hành lí hoặc hàng hoá được thực hiện bởi phương tiện bay vì mục đích lợi nhuận. Công ước này cũng áp dụng đối với các hoạt động vận tải phi lợi nhuận được thực hiện bởi các hãng vận tải hàng không.

2. Vì mục đích của Công ước này, khái niệm “vận tải quốc tế” nghĩa là bất kì hoạt động vận tải nào mà trong đó, theo thoả thuận giữa các bên, địa điểm khởi hành và điểm đến, dù có hoặc không có chặng nghỉ hoặc quá cảnh thuộc phạm vi lãnh thổ của Quốc gia thành viên, hoặc trong phạm vi lãnh thổ của một Quốc gia thành viên nếu có điểm dừng thỏa thuận thuộc lãnh thổ của một quốc gia khác, kể cả khi Quốc gia đó không phải là Quốc gia thành viên. Việc vận tải giữa hai điểm trong phạm vi lãnh thổ một Quốc gia thành viên mà không điểm dừng thoả thuận trong phạm vi lãnh thổ của một Quốc gia khác không phải là hoạt động vận tải quốc tế theo cách hiểu của Công ước này.

3. Vì mục đích của Công ước này, việc vận tải được thực hiện bởi một số người vận tải nối tiếp nhau được coi là một hoạt động vận tải liên tục nếu hoạt động vận tải đó được các bên coi là một hoạt động duy nhất, dù hoạt động đó đã được thoả thuận trong một hợp đồng duy nhất hay các hợp đồng khác nhau, và hoạt động đó không mất đi tính chất quốc tế chỉ vì lí do là một hợp đồng hoặc một số hợp đồng được thực hiện toàn bộ trong phạm vi lãnh thổ của một Quốc gia.

4. Công ước này áp dụng đối với các hoạt động vận tải được quy định tại Chương V, theo các điều kiện được quy định trong Chương đó.

Điều 2. Hoạt động vận tải được thực hiện bởi Chính phủ và hoạt động vận tải bưu chính

1. Công ước này áp dụng đối với hoạt động vận tải được thực hiện bởi Chính phủ hoặc bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với điều kiện là hoạt động đó đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 1.

2. Trong hoạt động vận tải bưu chính, người vận tải chỉ phải có trách nhiệm đối với công ti bưu chính có liên quan phù hợp với các quy định áp dụng cho mối quan hệ giữa những người vận tải và các công ti bưu chính.

3. Trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này, các quy định của Công ước này sẽ không áp dụng cho hoạt động vận tải bưu chính.

CHƯƠNG II

CHỨNG TỪ VÀ CÁC NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN ĐẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH, HÀNH LÍ VÀ HÀNG HOÁ

Điều 3. Hành khách và hành lí

1. Đối với việc vận tải hành khách, phải có chứng từ vận tải với các nội dung sau đây:

(a) điểm khởi hành và điểm đến;

(b) nếu địa điểm khởi hành và điểm đến nằm trong phạm vi lãnh thổ của một Quốc gia thành viên và có một hoặc nhiều hơn một điểm dừng trong phạm vi lãnh thổ của một Quốc gia khác, phải chỉ rõ ít nhất một điểm dừng đó.

2. Bất kì phương tiện nào khác bảo lưu các thông tin nêu tại khoản 1 có thể thay thế cho việc cung cấp các chứng từ được nêu trong khoản đó. Nếu sử dụng phương tiện khác đó, người vận tải phải đề nghị cung cấp cho khách hàng văn bản ghi các thông tin được bảo lưu đó.

3. Người vận tải phải cung cấp đến khách hàng một phiếu chứng nhận hành lí đối với mỗi kiện hành lí đã được kiểm tra.

4. Hành khách phải được thông báo bằng văn bản về thông tin trong trường hợp Công ước này được áp dụng, Công ước điều chỉnh và có thể giới hạn trách nhiệm của người vận tải đối với người chết, người bị thương và việc tiêu huỷ, mất mát, hoặc thiệt hại về hành lí và sự chậm trễ.

[...]