Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc (1994).

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 22/11/1994
Ngày có hiệu lực 22/11/1994
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Bùi Văn Sướng,Đường Gia Triều
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HIỆP ĐỊNH

VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA (1994).

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là hai Bên ký kết);

Nhằm củng cố và phát triển tình hình hữu nghị nhân dân giữa hai nước, chú ý đến sự phát triển thuận lợi mối quan hệ song phương về kinh tế, thương mại trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, phát triển vận tải hàng hóa và hành khách qua lại giữa hai nước theo đường bộ;

Thỏa thuận như sau:

ĐIỀU 1

Hai Bên ký kết đồng ý tiến hành vận chuyển hàng hóa và hành khách (kể cả khách du lịch) qua lại giữa hai nước theo đường bộ qua các cửa khẩu biên giới đã được mở và được hai Bên thỏa thuận.

Việc vận chuyển này do các doanh nghiệp vận tải của hai nước được phép thành lập theo pháp luật của nước mình và được phép thực hiện bằng phương tiện vận tải đường bộ đã được đăng ký tại Việt Nam hay Trung Quốc.

ĐIỀU 2

Trong Hiệp định này, thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan có thẩm quyền:

- Phía CHXHCN Việt Nam là Bộ Giao thông vận tải và cơ quan được Bộ ủy quyền.

- Phía CHND Trung Hoa là Bộ Giao thông và cơ quan được Bộ ủy quyền.

2. Phương tiện vận tải đường bộ:

Đối với vận tải hàng hóa là ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc kéo theo ô tô để chở hàng hóa.

Đối với vận tải hành khách là ô tô có từ 4 chỗ ngồi trở lên (không kể ghế của lái xe) để chở hành khách và ô tô, rơ moóc để chở hành lý đi theo cùng ô tô chở khách.

ĐIỀU 3

Việc vận chuyển hàng hóa, hành khách ở điều 1 trên đây được triển khai theo phương thức chuyển tải theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp vận tải của hai nước.

Nơi chuyển tải hành khách (kể cả khách du lịch) và hành lý đặt tại thị trấn hoặc thị xã, thành phố thuộc các tỉnh biên giới.

Những vấn đề khác liên quan đến vận tải đường bộ giữa hai nước như tổ chức vận tải, hình thức vận tải, tuyến đường, giao nhận, kho bãi, xếp dỡ, chuyển tải, phí giao thông sẽ do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết thỏa thuận.

ĐIỀU 4

1. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết cấp giấy phép vận chuyển cho phương tiện vận tải đường bộ của Bên ký kết kia được hoạt động trên đường bộ thuộc lãnh thổ của nước mình.

2. Trình tự trao đổi giấy phép vận chuyển và các quy định liên quan sẽ do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết thỏa thuận.

ĐIỀU 5

1. Phương tiện vận tải đường bộ khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, hành khách (kể cả khách du lịch) trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về vận tải đường bộ của nước đó.

2. Nếu kích thước hoặc trọng lượng của phương tiện vận tải đường bộ có tải hoặc không tải, vượt qúa mức quy định hạn chế của nước đó, và khi chở hàng nguy hiểm thì doanh nghiệp vận tải phải được cơ quan có thẩm quyền Bên ký kết đó cấp giấy phép đặc biệt.

3. Nếu giấy phép đặc biệt nói ở khoản 2 trên đây quy định tuyến chạy xe thì nhất thiết phải theo đúng tuyến đã ghi trong giấy phép đó.

ĐIỀU 6

Phương tiện vận tải đường bộ thực hiện vận chuyển giữa hai nước được mang biển số của nước mình, nhưng phải có phù hiệu đặc trưng do cơ quan có thẩm quyền của hai bên ký kết quy định.

ĐIỀU 7

[...]