Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản Việt Nam Bru-nây Đa-rút-xa-lam

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 16/08/2007
Ngày có hiệu lực 01/01/2009
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ Vương quốc hồi giáo Bru-nây Đa-rút-xa-lam
Người ký Trương Chí Dũng,Eusoff Agaki Bin Haji
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC HỒI GIÁO BRU-NÂY ĐA-RÚT-XA-LAM VỀ TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN VÀ NGĂN NGỪA VIỆC TRỐN LẬU THUẾ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI THUẾ ĐÁNH VÀO THU NHẬP VÀ TÀI SẢN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc hồi giáo Bru-nây Đa-rút-xa-lam,

Mong muốn ký kết một Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản,

Đã thỏa thuận dưới đây:

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Hiệp định ngày được áp dụng cho các đối tượng là những đối tượng cư trú và Chính phủ của một hoặc của cả hai Nước ký kết.

Điều 2. Các loại thuế bao gồm trong hiệp định

1. Hiệp định này áp dụng đối với các loại thuế do một Nước ký kết hoặc chính quyền địa phương của Nước đó đánh vào thu nhập và tài sản bất kể hình thức áp dụng của các loại thuế đó như thế nào.

2. Tất cả các loại thuế thu trên tổng thu nhập và tổng tài sản, hoặc những phần của thu nhập hoặc tài sản, bao gồm các khoản thuế đối với lợi tức từ việc chuyển nhượng động sản hoặc bất động sản, các loại thuế đánh trên tổng số tiền lương hoặc tiền công được chi trả, cũng như các loại thuế đánh vào giá trị tài sản tăng thêm đều được coi là thuế đánh vào thu nhập và tài sản.

3. Những loại thuế hiện hành được áp dụng trong Hiệp định này là:

a) trong trường hợp đối với Việt Nam: (i) thuế thu nhập cá nhân áp dụng theo Pháp lệnh số 35/2001/PL-UBTVQH10 về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; và (ii) thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

(dưới đây được gọi chung là "thuế Việt Nam");

b) trong trường hợp đối với Bru-nây Đa-rút-xa-lam: (i) thuế thu nhập áp dụng theo Luật thuế thu nhập (Chương 35); (ii) thuế lợi tức dầu khí áp dụng theo Luật thuế thu nhập (Dầu khí) (chương 119);

(dưới đây được gọi chung là "thuế Bru-nây Đa-rút-xa-lam").

4. Hiệp định này cũng sẽ được áp dụng cho các loại thuế có tính chất tương tự hoặc về căn bản giống như các loại thuế trên ban hành sau ngày ký Hiệp định này, để bổ sung, hoặc thay thế các loại thuế hiện hành được nêu tại khoản 3 ở trên. Các nhà chức trách có thẩm quyền của hai Nước ký kết sẽ thông báo cho nhau biết những thay đổi cơ bản trong các luật thuế của từng Nước trong một thời gian hợp lý sau khi có những sự thay đổi này.

5. Nếu do những thay đổi trong luật thuế của mỗi Nước ký kết, hai Nước ký kết mong muốn sửa đổi bất kỳ Điều nào trong Hiệp định này mà không làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc chung của Hiệp định, thì những sự thay đổi cần thiết đó có thể được thực hiện bằng thỏa thuận chung thông qua việc trao đổi công hàm ngoại giao hoặc bất kỳ hình thức nào khác phù hợp với các thủ tục hợp hiến của hai Nước.

Điều 3. Các định nghĩa chung

1. Trong Hiệp định này, trù trường hợp ngữ cảnh đòi hỏi có sự giải thích khác:

a) thuật ngữ "Việt Nam" có nghĩa là: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khi dùng theo nghĩa địa lý, từ đó bao gồm toàn bộ lãnh thổ quốc gia Việt Nam, kể cả lãnh hải Việt Nam và mọi vùng ở ngoài và đi liền với lãnh hải Việt Nam mà theo luật pháp Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển và khối nước ở trên;

b) thuật ngữ "Bru-nây Đa-rút-xa-lam" có nghĩa là: lãnh thổ Bru-nây Đa-rút-xa-lam như được định nghĩa trong các luật quốc gia của Bru-nây bao gồm vùng đất và lãnh hải thuộc Bru-nây, bao gồm vùng trời trên đó và đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, mà Bru-nây thực hiện chủ quyền và vùng biển đi liền với lãnh hải mà Bru-nây thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982;

c) thuật ngữ "Chính phủ" theo nội dung của Điều 1, khoản 3 của Điều 11, khoản 7 của Điều 13, khoản 1 của Điều 19 và khoản 1 của Điều 22 có nghĩa là:

(i) trong trường hợp đối với Việt Nam:

1. Ngân hàng nhà nước Việt Nam;

2. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam;

3. Bất kỳ cơ quan chính quyền địa phương hoặc cơ quan hợp pháp nào được miễn thuế ở Việt Nam; và

4. Tổ chức được hai Nước ký kết nhất trí trong từng thời kỳ.

(ii) trong trường hợp đối với Bru-nây Đa-rút-xa-lam:

1. Ủy ban Tiền tệ Bru-nây;

2. Cơ quan Đầu tư Bru-nây;

[...]