Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 16/03/2016
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Hiệp định
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Phạm Bình Minh,Thoong Lun Xi Xu Lit
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ BIÊN GIỚI VÀ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

Căn cứ Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977;

Căn cứ Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Với mong muốn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và đoàn kết giúp đỡ nhau vì một đường biên giới Hòa Bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững;

Nhằm bảo đảm sự bền vững, ổn định của biên giới quốc gia; an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đi lại và sản xuất của cư dân biên giới; thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới giữa hai nước;

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là "hai Bên") đã thỏa thuận như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích thuật ngữ

Trong Hiệp định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Biên giới” là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, lòng đất, vùng nước, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

2. “Mốc quốc giới” là dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu và thể hiện hướng đi của đường biên giới tại thực địa, bao gồm: Cột mốc và cọc dấu được xây dựng trên đường biên giới hoặc hai bên đường biên giới và được hai Bên xác nhận bằng văn bản trong đó có ghi rõ tọa độ của mốc quốc giới được đo tại thực địa.

3. “Đường thông tầm nhìn biên giới” là dải phát quang hai Bên cùng mở trên những đoạn biên giới cần thiết, có chiều rộng mỗi bên từ 2,5m (hai phẩy năm mét) đến 5m (năm mét) tính từ đường biên giới, để đường biên giới rõ ràng và dễ nhận biết.

4. “Vùng nước biên giới” là vùng nước trên các đoạn sông, suối biên giới hoặc các vùng nước khác mà đường biên giới trên đất liền đi qua.

5. “Vùng biên giới” là đơn vị hành chính cấp huyện của hai nước có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.

6. “Khu vực biên giới” là đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) đối với Việt Nam, cấp bản đối với Lào, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Khu vực biên giới có biển báo “Khu vực biên giới”.

7. “Vành đai biên giới” là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào lãnh thổ của mỗi nước, nơi hẹp nhất là 100m (một trăm mét), nơi rộng nhất không quá 1.000m (một nghìn mét). Vành đai biên giới có biển báo “Vành đai biên giới”.

8. “Vùng cấm” là phần lãnh thổ trong khu vực biên giới của mỗi nước được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước. Vùng cấm có biển báo “Vùng cấm”.

9 “Cư dân biên giới” là chỉ công dân Việt Nam hoặc công dân Lào có đăng ký cư trú tại “khu vực biên giới”.

10. “Công trình cắt qua đường biên giới” là các công trình được cơ quan có thẩm quyền của hai Bên nhất trí cho xây dựng cắt qua đường biên giới như đường sắt, đường bộ, đường ống dầu khí, đường dẫn điện, cáp quang, cầu, ngầm, đập nước...

11. “Phương tiện bay hoặc thiết bị bay” là chỉ tàu bay, trực thăng, khí cầu và các thiết bị bay khác.

12. “Sự kiện biên giới” là các sự việc hoặc vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới, vi phạm Hiệp định này, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 03 năm 2016 và các văn kiện kiểm tra liên hợp, hoặc tác động, gây thiệt hại cho một Bên hoặc cả hai Bên.

13. “Người xuất, nhập cảnh trái phép” là người vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh theo pháp luật mỗi nước hoặc Hiệp định này hoặc các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

14. “Cửa khẩu biên giới” hoặc “cửa khẩu” là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia Việt Nam - Lào của người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm, được chia làm ba loại: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ.

15. “Khu vực cửa khẩu biên giới” (sau đây gọi tắt là khu vực cửa khẩu) là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới của mỗi nước, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó bao gồm các khu chức năng bảo đảm cho các hoạt động tại cửa khẩu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và các hoạt động khác. Khu vực cửa khẩu biên giới có biển báo "Khu vực cửa khẩu”.

16. “Cơ quan biên giới trung ương” là Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Biên giới Lào - Việt Nam, Bộ Ngoại giao Lào.

17. “Ngành chủ quản” là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp trung ương được pháp luật của mỗi nước quy định có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giải quyết các vấn đề được quy định tại Hiệp định này.

18. “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu” là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu, bao gồm: Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào), Lãnh sự (đối với phía Lào), Hải quan, Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác.

19. “Lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới” là lực lượng Bộ đội biên phòng mỗi nước.

[...]