HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH
PHỦ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC VỀ HỢP TÁC KỸ THUẬT
Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức (dưới đây gọi là "Hai
Bên ký kết");
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị sẵn
có giữa hai nước và hai dân tộc;
Do mối quan tâm chung về thúc đẩy
tiến bộ kinh tế và xã hội của hai nước và hai dân tộc;
Với lòng mong muốn tăng cường
quan hệ thông qua sự hợp tác kỹ thuật giữa hai Bên;
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1.
1. Hai Bên
ký kết hợp tác với nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của nhân
dân hai nước.
2. Hiệp định này nêu ra những điều
kiện khung về hợp tác kỹ thuật giữa hai Bên ký kết. Hai Bên ký kết có thể ký
thoả thuận bổ sung cho từng dự án hợp tác kỹ thuật (dưới đây gọi là "thoả
thuận dự án"), trong đó mỗi Bên ký kết tự chịu trách nhiệm về dự án hợp
tác kỹ thuật ở nước mình. Trong thoả thuận dự án sẽ xác định phương hướng chung
về dự án, trong đó đặc biệt bao gồm mục tiêu, đóng góp của các bên ký kết, nhiệm
vụ và vị trí tổ chức của những người tham gia và tiến độ thời gian.
Điều 2.
1. Thoả
thuận dự án có thể dự kiến sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức trong
những lĩnh vực sau:
a. Các cơ sở đào tạo, tư vấn,
nghiên cứu và các cơ sở khác ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b. Xây dựng kế hoạch, làm các khảo
sát và thẩm định đánh giá;
c. Các lĩnh vực khác của sự hợp
tác do các Bên ký kết thoả thuận.
2. Việc hỗ trợ có thể được tiến
hành:
a. Thông qua cử cán bộ chuyên
môn như cán bộ đào tạo, cố vấn, thẩm định viên, cán bộ soạn thảo công việc,
nhân viên khoa học và kỹ thuật, trợ lý dự án và nhân viên giúp việc; toàn bộ
các nhân viên được cử sang theo sự uỷ nhiệm của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức
dưới đây được gọi là "cán bộ chuyên môn được cử đi";
b. Thông qua việc cung cấp vật
tư và thiết bị (dưới đây gọi là "vật tư");
c. Thông qua việc đào tạo và bồi
dưỡng nâng cao trình độ các cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo và các nhà khoa
học Việt Nam ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hoà Liên bang Đức hoặc ở
các nước khác;
d. Thông qua các hình thức thích
hợp khác.
3. Chính phủ Cộng hoà Liên bang
Đức đài thọ các chi phí sau đây cho các công việc thuộc các dự án được khuyến
khích, nếu như thoả thuận dự án không có dự kiến gì khác:
a. Trả lương cho cán bộ chuyên
môn được cử đi;
b. Chi phí về ở cho các cán bộ
chuyên môn được cử đi và các thành viên trong gia đình họ, nếu như họ không đảm
nhận những chi phí đó;
c. Các chuyến đi công tác của
các cán bộ chuyên môn đó ở trong và ngoài lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
d. Chi phí cho vật tư nói trong
khoản 2 tiết b;
e. Vận chuyển và bảo hiểm vật tư
nói trong khoản 2 tiết b đến địa điểm của dự án; ở đây không tính các loại
trích nộp và lệ phí lưu kho nói trong Điều 3 tiết b;
f. Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao
trình độ các cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo và khoa học Việt Nam phù hợp với
các quy định hiện hành của Đức.
4. Nếu như các thoả thuận dự án
không có dự kiến gì khác, vật tư do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức uỷ nhiệm
cung cấp cho các dự án sẽ được chuyển thành sở hữu của Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam khi đến Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đối với các dự án được
khuyến khích và các cán bộ chuyên môn được cử đi, vật tư đó được sử dụng không
hạn chế cho việc thi hành nhiệm vụ của mình.
5. Chính phủ Cộng hoà Liên bang
Đức thông báo cho Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc uỷ nhiệm
cho các tổ chức hoặc cơ quan nào thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho từng dự án.
Các tổ chức được uỷ nhiệm dưới đây gọi là "cơ quan thực hiện".
Điều 3.
Những đóng
góp của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam
a. Cung cấp bằng chi phí của
mình cho các công trình ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đất đai và nhà cửa
cần thiết, kể cả trang thiết bị cho nhà cửa, nếu Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức
không cung cấp các trang bị đó bằng chi phí của mình;
b. Miễn giấy phép, miễn lệ phí bến
cảng, xuất, nhập khẩu và các khoản trích nộp công cộng khác đối với vật tư được
cung cấp theo uỷ nhiệm của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức cho các dự án cũng
như miễn cước lưu kho và đảm bảo để vật tư được hoàn thành thủ tục hải quan
không chậm trễ. Theo đề nghị của cơ quan thực hiện, việc miễn trừ nói trên cũng
có giá trị đối với các vật tư được mua ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c. Đài thọ chi phí cho vận hành
và bảo dưỡng các công trình dự án;
d. Cung cấp bằng chi phí của
mình các cán bộ chuyên môn và nhân viên giúp việc Việt Nam cần thiết; trong các
thoả thuận dự án cần xác định một kế hoạch thời gian cho việc này;
e. Đảm bảo việc cán bộ chuyên
môn Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ chuyên môn được cử đi,
càng sớm càng tốt. Nếu các cán bộ chuyên môn Việt Nam đó cần được đào tạo hoặc
bồi dưỡng nâng cao trình độ ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ở Cộng hoà
Liên bang Đức hoặc ở các nước khác trong khuôn khổ của Hiệp định này thì Chính
phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kịp thời chỉ định đủ người cho việc đào
tạo và bồi dưỡng nâng cao với sự tham gia của Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức
tại Hà Nội hoặc của cán bộ chuyên môn do Đại sứ quán chỉ định. Chính phủ Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ chỉ định những người đã tự nguyện cam kết với
Chính phủ là sẽ làm việc ít nhất là 5 năm ở các dự án tương ứng sau khi được
đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao; Phía Việt Nam bảo đảm trả lương thoả đáng cho
các cán bộ chuyên môn Việt Nam này.
f. Công nhận các kỳ thi của các
công dân Việt Nam được đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trong khuôn khổ của Hiệp định
này phù hợp với trình độ chuyên môn của họ. Phía Việt Nam tạo điều kiện về chỗ
làm việc, khả năng thăng tiến và hành nghề phù hợp với trình độ đào tạo cho các
công dân đó;
g. Dành cho các cán bộ chuyên
môn được cử đi mọi sự giúp đỡ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và cung cấp
cho họ các tài liệu chuyên môn cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ đó;
h. Bảo đảm thực hiện tất cả các
công việc cần thiết cho thực hiện dự án, nếu như các công việc đó, theo thoả
thuận dự án, không do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức đảm nhiệm;
i. Bảo đảm thông tin kịp thời và
đầy đủ về nội dung các công việc đó cho tất cả các cơ quan Việt Nam có liên
quan đến việc thực hiện Hiệp định này và các thoả thuận dự án.
Điều 4.
1. Chính
phủ Cộng hoà Liên bang Đức đảm bảo để các cán bộ chuyên môn được cử đi có nghĩa
vụ:
a. Đóng góp hết sức mình nhằm đạt
được, trong khuôn khổ các thoả thuận đã ký về công việc của họ, các mục tiêu được
quy định tại Điều 55 của Hiến chương Liên hợp quốc;
b. Không can thiệp vào công việc
nội bộ của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c. Chấp hành luật pháp của Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tôn trọng các phong tục và tập quán của Việt
Nam;
d. Không tiến hành các hoạt động
sinh lợi nào khác ngoài công việc được uỷ nhiệm;
2. Chính phủ Cộng hoà Liên bang
Đức đảm bảo sẽ xin chấp thuận của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
trước khi cử cán bộ chuyên môn. Cơ quan thực hiện gửi lý lịch cá nhân đề nghị
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác nhận đồng ý với việc cử cán bộ
chuyên môn do họ lựa chọn. Nếu trong vòng hai tháng không có thông báo khước từ
của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được coi là chấp thuận.
3. Nếu Chính phủ Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam mong muốn Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức triệu hồi một cán
bộ chuyên môn được cử đi thì Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ
liên hệ kịp thời với Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức và nêu các lý do về việc
này. Cũng theo phương thức đó, Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức đảm bảo sẽ
thông báo thật sớm cho Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu phía Đức
muốn triệu hồi một cán bộ chuyên môn.
Điều 5.
1. Chính
phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm về nhân thân và
tài sản cho các cán bộ chuyên môn được cử đi và những thành viên trong gia đình
cùng sinh hoạt với họ. Đặc biệt là các điểm sau:
a. Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam chịu trách nhiệm thay cho các cán bộ chuyên môn được cử đi đối với
những thiệt hại do họ gây ra liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao
theo Hiệp định này. Phía Việt Nam chỉ có thể đòi bồi thường những thiệt hại do
các cán bộ chuyên môn được cử đi gây ra trong trường hợp cố ý hoặc vô ý nghiêm
trọng.
b. Trong khuôn khổ cho phép,
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ miễn việc bắt hoặc giam giữ những
người được nêu trong câu 1. Trong trường hợp một trong những người đã nêu trên
vi phạm luật pháp của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị bắt hoặc giam giữ,
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thông báo ngay và bằng cách
nhanh nhất cho Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức, cho biết mức độ nghiêm trọng
của hành vi phạm tội và cách giải quyết bề mặt pháp lý của vấn đề, đồng thời
cho phép đại diện của Đại sứ quán được tiếp xúc và nói chuyện với người đang bị
bắt hoặc giam giữ. Đại sứ quán cũng được quyền bảo đảm về sinh hoạt cá nhân cho
đương sự.
c. Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam sẽ nhanh chóng cấp thị thực và giấy tờ cần thiết cho những người
đã nêu trong câu 1 và cho phép những người có thị thực và giấy tờ này được xuất,
nhập cảnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách dễ dàng vào mọi thời điểm.
d. Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam cấp cho những người nêu ở câu 1 một giấy chứng minh, trong đó có
lưu ý đến sự bảo vệ và giúp đỡ mà Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
bảo đảm dành cho họ.
2. Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam
a. Không đánh thuế và không buộc
phải thực hiện các khoản trích nộp công cộng đối với tiền lương mà Chính phủ Cộng
hoà Liên bang Đức trích từ quỹ mà mình trả cho các cán bộ chuyên môn được cử đi
thực hiện các công việc trong khuôn khổ Hiệp định này; điều đó cũng có giá trị
đối với tiền trả cho các hãng không có trụ sở đặt tại Việt Nam, được Chính phủ
Cộng hoà Liên bang Đức uỷ nhiệm thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong khuôn khổ
Hiệp định này.
b. Cho phép những người nêu ở
khoản 1, câu 1 được mang vào và chuyển ra miễn thuế và miễn nộp bảo lãnh một số
đồ vật để sử dụng cho cá nhân trong thời gian lưu trú; các đồ vật đó bao gồm cả
một xe ô tô - nếu thời gian lưu trú dài hơn là 6 tháng - một tủ lạnh, một tủ
đá, một máy giặt, một bếp, một rađiô, một máy thu hình, một máy quay đĩa, một
máy ghi âm, một đầu video, các dụng cụ điện nhỏ đối với mỗi hộ cũng như một máy
điều hoà nhiệt độ, một máy sưởi, một quạt và một thiết bị làm phim ảnh đối với
mỗi cá nhân; đồng thời cũng cho phép mang vào và chuyển ra miễn thuế và miễn bảo
lãnh các đồ vật thay thế nếu như các đồ vật nói trên bị hỏng hoặc bị mất. Trong
trường hợp các đồ vật đó được bán lại ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các
quy định luật pháp hiện hành của Việt Nam sẽ được vận dụng;
c. Cho phép những người nêu
trong khoản 1, câu 1 được mang vào thuốc men, thực phẩm, nước giải khát và những
hàng tiêu dùng khác trong khuôn khổ nhu cầu cá nhân.
d. Cấp miễn phí và miễn bảo lãnh
cho những người nêu trong khoản 1, câu 1 các chứng chỉ, giấy phép làm việc và
cư trú cần thiết.
Điều 6.
Hiệp định
này cũng có giá trị đối với các dự án hợp tác kỹ thuật của các Bên ký kết đã được
triển khai trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Điều 7.
1. Hiệp định
này có hiệu lực vào ngày hai Chính phủ thông báo cho nhau rằng các điều kiện
trong nước để Hiệp định có hiệu lực đã được đảm bảo.
2. Hiệp định này có giá trị
trong thời gian 5 năm. Sau đó Hiệp định được gia hạn thêm mỗi lần 1 năm, nếu
như một trong hai Bên ký kết không huỷ bỏ Hiệp định bằng văn bản 3 tháng trước
khi hết thời hạn tương ứng.
3. Sau khi Hiệp định hết hạn,
các quy định của Hiệp định tiếp tục có giá trị đối với các dự án hợp tác kỹ thuật
đã được triển khai.
Làm tại Hà Nội, ngày 20 tháng 11
năm 1991 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Đức, cả hai văn bản
đều có giá trị ràng buộc như nhau.