Hiệp định số 33/2004/LPQT về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Số hiệu 33/2004/LPQT
Ngày ban hành 16/01/2004
Ngày có hiệu lực 16/01/2004
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tiền tệ - Ngân hàng,Công nghệ thông tin,Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 33/2004/LPQT

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2004

 

Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2004 có hiệu lực từ ngày 16 tháng 01 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HÓA, KHOA HỌC KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO NĂM 2004

Quán triệt tinh thần và nội dung cuộc Hội đàm giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày 15 tháng 01 năm 2004, tại thủ đô Viêng-chăn;

Căn cứ vào Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thời kỳ 2001 - 2005, ký ngày 06 tháng 02 năm 2001, tại Hà Nội;

Nhằm thúc đẩy, mở rộng và phát triển mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là hai Bên).

Hai Bên thỏa thuận nội dung, chương trình hợp tác giữa hai nước năm 2004 như sau:

Điều 1.

1.1. Căn cứ vào Điểm 1.1, Điều 1 Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2001 - 2005 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký ngày 06 tháng 02 năm 2001 tại Hà Nội, hạn mức viện trợ của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong năm 2004 là 125 tỷ đồng Việt Nam.

1.2. Khoản viện trợ nêu trên được sử dụng giúp Lào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và nông thôn, tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật trên một số lĩnh vực theo yêu cầu của phía Lào được ghi trong Phụ lục số 01 của Hiệp định.

1.3. Phía Việt Nam tiếp tục cung cấp khoản tín dụng dài hạn ưu đãi để hỗ trợ phía Lào thực hiện xây dựng đường 18B trên đất Lào.

Điều 2.

2.1. Hai Bên tiếp tục thực hiện Nghị định thư về hợp tác đào tạo ký ngày 15 tháng 01 năm 2002.

Năm 2004, Việt Nam cấp 650 học bổng đào tạo tại Việt Nam ở bậc đại học và sau đại học, hệ dài hạn chính quy tập trung, tại chức, thực tập sinh, bồi dưỡng ngắn hạn (kể cả quốc phòng và an ninh) và cấp 10 học bổng cho con em Việt kiều ở Lào học tập tại Việt Nam. Số lượng và cơ cấu cụ thể do phía Lào đề nghị theo Phụ lục số 02 của Hiệp định. Phía Lào cấp 25 học bổng hệ đại học dài hạn chính quy tập trung và thực tập bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, lưu học sinh Việt Nam sang học các ngành tại Lào.

2.2. Hai Bên thỏa thuận, riêng năm 2004 sẽ dành từ 50 đến 100 suất học bổng theo Điểm 2.1 đào tạo dự bị đại học một năm tại Việt Nam cho các cán bộ diện chính sách ưu tiên, các cán bộ vùng sâu, vùng xa của Lào do phía Lào lựa chọn trước khi tuyển chọn đầu vào. Số còn lại được thực hiện theo Nghị định thư về hợp tác đào tạo đã ký kết.

2.3. Phía Việt Nam tiếp tục giúp Lào hoàn thành Trung tâm bồi dưỡng cán bộ kinh tế, kế hoạch tại Viêng-chăn; Phối hợp xây dựng dự án nâng cấp Trường Chính trị - Hành chính quốc gia Lào; Hoàn thiện khâu chuẩn bị dự án xây dựng vỏ Trường phổ thông dân tộc nội trú các tỉnh Xiêng-khoảng, tỉnh Hủa-phăn và trường năng khiếu, dự bị đại học cho học sinh dân tộc tại Đại học quốc gia Viêng-chăn để phía Lào làm cơ sở lựa chọn thứ tự ưu tiên đưa vào kế hoạch hợp tác từng năm bằng vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào.

2.4. Theo khả năng của mình, phía Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia giúp Lào đào tạo tại chỗ ở Lào bằng những hình thức thích hợp trên cơ sở yêu cầu cụ thể của phía Lào.

2.5. Phía Việt Nam sẵn sàng nhận đào tạo cán bộ, học sinh Lào ở bậc đại học, sau đại học và nghiên cứu, thực tập chuyên môn… bằng nguồn vốn tự túc của các cá nhân, tổ chức của Lào hoặc bằng nguồn vốn do các tổ chức quốc tế, các nước thứ ba giúp Lào. Giao hai ngành giáo dục quản lý thống nhất theo Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa hai nước đã ký kết.

Điều 3.

3.1. Hai Bên thỏa thuận sớm ký Nghị định thư bổ sung và sửa đổi "Thỏa thuận về việc cử và tiếp nhận chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại Lào" ký ngày 07 tháng 4 năm 1994.

Phía Việt Nam sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyên gia theo yêu cầu của phía Lào, tiếp tục cử chuyên gia phối hợp với phía Lào để tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô của Lào.

3.2. Hai Bên thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác lao động trên cơ sở Hiệp định và Nghị định thư sửa đổi hợp tác lao động đã ký kết. Bảo đảm quyền lợi và có biện pháp hợp lý quản lý người lao động theo hợp đồng làm việc tại mỗi nước. Phối hợp thực hiện tốt các nội dung của "Thỏa thuận Viêng-chăn năm 2002" để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, cư trú cho người lao động.

Điều 4.

4.1. Hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản:

Hai Bên nhất trí tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống thủy lợi Đông-phu-xi năm 2004 và tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi Thà-phạ-noọng-phông. Đồng thời, phát huy năng lực các hệ thống thủy lợi này để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững ở các bản huyện Hat-xai-phong thành phố Viêng-chăn. Tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi Nậm-loong, huyện Xốp-bầu, tỉnh Hủa-phăn. Hoàn thành dự án hỗ trợ sản xuất lương thực huyện Nậm-bạc, huyện Nam tỉnh Luông-Prabăng; huyện Xay, huyện Beng, huyện Hun tỉnh U-đôm-xay; huyện Xinh tỉnh Luông Nậm-thà.

[...]