Biên bản số 28/2005/LPQT về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Số hiệu 28/2005/LPQT
Ngày ban hành 21/02/2005
Ngày có hiệu lực 07/01/2005
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao
Người ký Nguyễn Hoàng Anh
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 28/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2005

 

Biên bản ký họp lần thứ 27 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có hiệu lực từ ngày 07 tháng 01 năm 2005./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

BIÊN BẢN

KỲ HỌP LẦN THỨ 27 ỦY BAN LIÊN CHÍNH PHỦ VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HÓA, KHOA HỌC KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO.

I. CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP

Từ ngày 03 đến ngày 7 tháng 01 năm 2005, tại Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành kỳ họp lần thứ 27 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Đoàn Việt Nam do đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ Tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào, Trưởng đoàn.

Đoàn Lào do đồng chí Thoong-lun Xi-xu-lít, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Thủ Tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam, Trưởng đoàn.

Danh sách thành viên của đoàn Việt Nam và đoàn Lào (sau đây gọi tắt là hai Bên) ghi trong Phụ lục kèm theo.

Hai Bên thông qua ch­ương trình làm việc của kỳ họp, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật 2004, trao đổi phương hướng nhiệm vụ hợp tác năm 2005; ký Biên bản Kỳ họp và Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào năm 2005.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC NĂM 2004

Trong năm qua, hợp tác Việt Nam - Lào đã nhận được sự quan tâm thường xuyên của các Ban, ngành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ hai Bên. Trên cơ sở Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật năm 2004; Hiệp định khung 2001 - 2005 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 06 tháng 02 năm 2001 tại Hà Nội, hai Bên thống nhất ghi nhận:

Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật năm 2004 đã có bước chuyển biến tích cực; Hợp tác đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu về số lượng, năm 2004 đã tăng 69,69% so với thỏa thuận Hiệp định 2001 - 2005. Chất lượng đào tạo đã được quan tâm hơn. Số học sinh khá, giỏi năm 2004 tăng 53,63% so với 2003, chiếm 16,11% học sinh Lào học tại Việt Nam; Các thỏa thuận hợp tác về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông qua lại giữa hai nước, giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu và các quy định tính thuế, xuất xứ hàng hóa (C/O) từ mỗi nước, giảm phí sử dụng cảng Vũng Áng, giảm phí dịch vụ lao động và cấp thẻ theo thời hạn hợp đồng của người lao động Việt Nam tại Lào và cung cấp tín dụng bổ sung đường 18B . . . được hai Bên tích cực chủ động triển khai.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 30,9% so với năm 2003. Hoạt động xúc tiến đầu tư được sự quan tâm chỉ đạo của cả hai Bên đang được cải thiện. Hai Bên đã phối hợp tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại vào Lào tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư các dự án lớn như trồng cây cao su, cà phê, chế biến gỗ xuất khẩu và khai khoáng nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi nước, có tác động trực tiếp tới phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các cơ chế, chính sách được xem xét, điều chỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất. Hoạt động thanh toán được duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giữa hai nước.

Việc quản lý và sử dụng vốn viện trợ được quan tâm phối hợp kiểm tra thường xuyên của hai Bên đã từng bước đi vào nề nếp và tập trung hơn. Các dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng đã đánh dấu sự chuyển biến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước được mở rộng không chỉ hỗ trợ giúp đỡ nhau một cách thiết thực bằng kinh nghiệm, khả năng sẵn có theo truyền thống trước đây, mà đã có sự chuyển hướng tích cực trong việc hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Hoạt động đầu tư, thương mại của các doanh nghiệp được sự quan tâm của các địa phương hai Bên, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được nhu cầu phát triển, khai thác được tiềm năng và thế mạnh sẵn có về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của các địa phương mỗi Bên.

Tuy nhiên, hai Bên còn những khó khăn, tồn tại:

Kết quả đào tạo chưa được như mong muốn; phối hợp quản lý hai Bên trong việc thực hiện các Quy chế và Nghị định thư hợp tác đào tạo đã ký kết chưa chặt chẽ, cha tạo được môi trường thúc đẩy học tập trong học sinh.

Hoạt động đầu tư còn chậm, chưa tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất và thương mại giữa hai Bên. Các hàng hóa nông sản sản xuất tại mỗi nước chưa có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để thúc đẩy giao lưu giữa các địa phương hai Bên. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư chưa đúng tầm để thực sự trở thành mối liên kết hấp dẫn trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và khu vực. Việc tổ chức thực hiện Thỏa thuận Viêng Chăn 2002 còn chưa đồng đều và có sự phối hợp thống nhất giữa hai Bên.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh nhằm duy trì và phát huy sớm hiệu quả các dự án hợp tác, song một số dự án (Trạm bơm đầu nguồn hệ thống thủy lợi Đông-phu- xi, Nâng cao năng lực Trung tâm đo lường Quốc gia Lào...) triển khai còn chậm và chưa dứt điểm. Quản lý các chương trình dự án đầu tư sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào còn có những bất cập.

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HÓA, KHOA HỌC KỸ THUẬT NĂM 2005

Thực hiện tinh thần và nội dung cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày 06 tháng 01 năm 2005; trên cơ sở Chiến lược hợp tác 10 năm, Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2001 - 2005;

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực, xuất phát từ tình hình thực tế của mỗi nước việc khẳng định tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác đặc biệt, đoàn kết hữu nghị gắn bó lâu đời Việt Nam - Lào là nhân tố quan trọng đảm bảo sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước.

Năm 2005 là năm hoàn thành các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước giai đoạn 2001 - 2005, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật năm 2005 như sau:

1. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư làm cơ sở phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, nâng cao tính thần độc lập tự chủ nhằm khai thác thế mạnh của mỗi nước.

[...]