Đề án 04/ĐA-BNV về một số giải pháp góp phần củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2002 – 2010) do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 04/ĐA-BNV
Ngày ban hành 02/01/2003
Ngày có hiệu lực 02/01/2003
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/ĐA-BNV

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2003

 

ĐỀ ÁN

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN (GIAI ĐOẠN 2002 – 2010)

Bốn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên (gọi chung là vùng Tây Nguyên) có tổng diện tích tự nhiên 54.474 km2, có gần 600 km đường biên giới với Lào và Campuchia, có khoảng 4,7 triệu dân của 44 dân tộc sinh sống trong đó 1,57 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 33,5% dân số toàn vùng. Toàn vùng có 51 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó: 3 thành phố và 2 thị xã), có 605 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó: 510 xã, 47 phường và 48 thị trấn).

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai, khoáng sản để phát triển nông – lâm nghiệp, thủy điện và một số ngành công nghiệp. Trong những năm vừa qua, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tình hình trong vùng cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp, bức xúc, qua đó bộc lộ nhiều điểm yếu kém trong tổ chức và hoạt động của chính quyền xã, phường, thị trấn. Trình độ kiến thức về các mặt và năng lực điều hành, quản lý, thuyết phục, tập hợp quần chúng của đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung còn yếu, khi có vụ việc phức tạp xảy ra thì không nắm và tập hợp được dân, không chủ động tìm giải pháp hợp lý để giải quyết tình hình, mất phương hướng, trông chờ cấp trên.

Sau sự kiện tháng 2/2001, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã quyết định tăng cường cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện về cơ sở nhằm cùng chính quyền cơ sở bám sát dân, nắm chắc tình hình, giải quyết sự việc tại chỗ, tuyên truyền vận động nhân dân giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an tâm lao động sản xuất. Giải pháp này tuy đạt được một số kết quả nhưng mới chỉ bước đầu, chưa vững chắc, chủ trương và chính sách của các tỉnh đối với cán bộ tăng cường cũng khác nhau và chưa thống nhất. Vì vậy cần kết hợp thêm với một số giải pháp khác.

Căn cứ nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 – 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án này.

I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, CÁN BỘ CƠ SỞ VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN

1. Về tổ chức và chất lượng cán bộ cơ sở

a. Tổ chức, cán bộ xã:

Thực hiện Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên có đa số các xã dân số dưới 10.000 người, nên hầu hết mỗi xã được bố trí 19 cán bộ. Toàn vùng có 12.846 cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP; trong đó có: 3.170 cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền (không tính chức vụ kiêm nhiệm); 3.001 Chủ tịch Mặt trận và các đoàn thể; 2.261 cán bộ 4 chức danh chuyên môn và 1.346 cán bộ các chức danh khác. Số cán bộ là người dân tộc ít người có 3.992 (chiếm 31,07%), cán bộ là nữ có 1.086 (chiếm 8,45%).

Ngoài định mức của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì mỗi xã còn được bố trí 5 cán bộ phó các đoàn thể, với tổng số toàn vùng là 3.025 cán bộ. Do đặc điểm địa hình miền núi phức tạp, nhiều xã thuộc địa bàn xung yếu, vùng biên giới có yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh – trật tự nên đã bố trí Trưởng Công an chuyên trách và thêm chức danh Phó Trưởng Công an và Phó Xã đội trưởng (trước khi có Nghị định số 40/1999/NĐ-CP về Công an xã và Nghị định số 46/2000/NĐ-CP về thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ).

Về cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân, các tỉnh thực hiện đúng với quy định theo Nghị định số 174/CP của Chính phủ và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nhưng khi Nghị định số 40/1999/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, phát sinh thêm chức danh Trưởng Công an chuyên trách, không thực hiện theo quy định Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm như Nghị định số 174/CP; đồng thời, Trưởng Công an được cơ cấu ủy viên Ủy ban nhân dân.

b. Trưởng thôn.

Thôn, buôn ở Tây Nguyên có vị trí rất quan trọng, là cộng đồng dân cư tự quản trong việc bảo đảm an ninh, trật tự nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa tiên tiến của các dân tộc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời giúp chính quyền các cấp một số nội dung về quản lý. Nếu thôn, buôn ổn định, đoàn kết giúp đỡ nhau sẽ tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó vai trò, vị trí của trưởng thôn, buôn rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Theo số liệu thống kê của các tỉnh, vùng Tây Nguyên có 6.387 Trưởng thôn, buôn, làng, tổ dân phố (gọi chung là Trưởng thôn). Trưởng thôn là người đại diện cho thôn do nhân dân thôn bầu ra với nhiệm kỳ thường từ 2 đến 2,5 năm và được chỉ định ở những nơi tình hình an ninh chính trị có vấn đề nổi cộm.

Trưởng thôn có hai chức năng chủ yếu:

- Thực hiện một số nhiệm vụ do UBND xã giao như: quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, theo dõi biến động đất đai, thu thuế nhà đất, lệ phí, …

- Tổ chức, vận động và hướng dẫn các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức có trên địa bàn, thực hiện các công việc mang tính tự quản tại cộng đồng như: trật tự trị an xã hội, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng trong thôn (đường, trường, hệ thống thủy lợi nội đồng, điện …), vận động nhân dân thực hiện các phong trào do chính quyền và đoàn thể phát động, …

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế của Trưởng thôn như một số nơi Trưởng thôn lạm quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, có những quyết định gây thiệt hại tới tài sản của nhân dân, gây bất bình trong nhân dân, nhất là ở những nơi chính quyền quan liêu, không sát dân hoặc quản lý điều hành yếu.

Về chế độ đối với trưởng thôn, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã quyết định mức phụ cấp Trưởng thôn, trung bình từ 70.000 đ/tháng đến 90.000 đ/tháng. Tỉnh Đắk Lắk phụ cấp cho Trưởng thôn ở các xã vùng biên giới 100.000đ/tháng. Ngoài chế độ phụ cấp hoạt động, Trưởng thôn còn được hưởng chế độ khi đi lập huấn, bồi dưỡng.

c. Già làng

Khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên trước đây chỉ tồn tại duy nhất có làng (tiếng địa phương gọi là Plêi). Trong đó người có vai trò lãnh đạo cao nhất được suy tôn là Chủ làng (hay còn gọi là Già làng) có độ tuổi từ 50 trở lên (cá biệt có nơi dưới 50 tuổi), có nhiều hiểu biết phong tục, tập quán, lễ nghi, luật tục của dòng họ và của các dân tộc cùng sinh sống trong làng, gương mẫu trong sinh hoạt và sản xuất, có uy tín được nhân dân trong làng kính trọng, tôn sùng một cách tự nhiên và là người điều khiển chung công việc của dòng tộc hoặc dân làng.

Hoạt động của già làng được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, không đòi hỏi thù lao. Các nội dung hoạt động của già làng tập trung chủ yếu vào việc hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc, nội bộ các dân tộc cùng sinh sống trong một làng; nhắc nhở dân làng giữ gìn tập tục, lễ nghi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; già làng trực tiếp xét xử đối với người dân trong làng khi vi phạm theo luật tục, tranh chấp nương rẫy, vợ chồng không hòa thuận, hàng xóm, láng giềng đánh, cãi nhau, con cháu hư hỏng; chủ trì các lễ hội, đám cưới, đám ma, cúng bái cầu mưa; đại diện cho dòng tộc, cho dân làng trong quan hệ giao dịch, ứng xử với bên ngoài; vận động dân làng đoàn kết thực hiện các phong trào do chính quyền và đoàn thể phát động …

Tuy nhiên vai trò của già làng ở vùng ven đô thị lớn và ven các trục giao thông không được rõ nét như đối với những buôn, làng ở vùng sâu, vùng xa. Qua sự kiện tháng 2/2001 ở một số thôn, buôn vai trò của già làng bị mất hẳn, không nắm được dân, hoặc sợ, không điều khiển được con cháu trong buôn, làng; bị khống chế và bị lôi kéo …

d. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

Trong những năm gần đây các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có sự quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thì còn nhiều cán bộ chưa đáp ứng được. Đội ngũ cán bộ hiện nay ở cơ sở chủ yếu là cán bộ về hưu và bộ đội phục viên, trình độ, năng lực không đồng đều. Chính sách đãi ngộ, sử dụng chưa phù hợp, chưa tạo được động lực để thu hút cán bộ, hướng phát triển cán bộ chưa rõ, … dẫn đến thiếu nguồn cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng.

Hiện nay, trình độ văn hóa của cán bộ cơ sở ở các tỉnh trong vùng: Cấp I: 15,79 %, Cấp II: 36,91%, Cấp III: 47,30%. Trình độ quản lý Nhà nước từ sơ cấp trở lên 14,26%. Trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp 17,20%, Trung cấp 22,31%. Trình độ chuyên môn của 4 chức danh chuyên môn: Sơ cấp 6,50%, Trung cấp 43,56%, Đại học 1,86%, Chưa đào tạo 48,08%. So với các tỉnh trong khu vực, tỉnh Đắk Lắk có đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ ở các mặt cao hơn các tỉnh khác.

2. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở

[...]