Công văn 3001/BTTTT-CATTT năm 2019 về hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 3001/BTTTT-CATTT
Ngày ban hành 06/09/2019
Ngày có hiệu lực 06/09/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Thành Hưng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3001/BTTTT-CATTT
V/v hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2019

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của cơ quan, tổ chức nhà nước. Nội dung hướng dẫn bao gồm: Các thành phần cơ bản, các yêu cầu an toàn cơ bản và phương án thực thi để bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.

Bản mềm tài liệu hướng dẫn có thể được tải về từ cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ: http://www.mic.gov.vn hoặc từ cổng thông tin điện tử của Cục An toàn thông tin tại địa chỉ https://www.ais.gov.vn/huong-dan-bao-dam-an-toan-thong-tin-cho-he-thong- quan-ly-van-ban-dieu-hanh.

Chi tiết liên hệ ông Nguyễn Tiến Đức, Phòng Thẩm định và Quản lý giám sát, Cục An toàn thông tin, Điện thoại: 0934578162; Thư điện tử: ntduc@mic.gov.vn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) đề được hướng dẫn giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thủ trưởng;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Đơn vị chuyên trách về CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Đơn vị chuyên trách về CNTT của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước;
- Đơn vị chuyên trách về CNTT của Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT;
- Lưu: VT, CATTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thành Hưng

 

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN

BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN CHO HỆ THỐNG QUẢN LÝ VĂN BẢN VÀ ĐIỀU HÀNH CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Công văn số 3001/BTTTT-CATTT ngày 06 tháng 9 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Chương I

PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1.1. Phạm vi áp dụng

a) Tài liệu này hướng dẫn các thành phần cơ bản, các yêu cầu an toàn cơ bản và phương án thực thi bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (sau đây gọi là hệ thống QLVBĐH) chạy trên nền tảng ứng dụng Web, sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

b) Tài liệu này đưa ra các yêu cầu an toàn thông tin cơ bản, hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống QLVBĐH.

1.2. Đối tượng áp dụng

a) Tài liệu này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng, quản lý và vận hành hệ thống QLVBĐH trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

b) Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khác áp dụng hướng dẫn này để bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống QLVBĐH thuộc phạm vi quản lý.

1.3. Thuật ngữ, định nghĩa

a) An toàn dữ liệu (data security): Tập hợp các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm tính bảo mật, tính nguyên vẹn và tính khả dụng của thông tin, dữ liệu khi lưu trữ, xử lý, truy nhập, cung cấp, thu thập và truyền đưa dữ liệu qua môi trường mạng.

b) An toàn mạng (network security): Tập hợp các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm việc thiết lập, xây dựng, quản lý, vận hành hạ tầng mạng (bao gồm: kênh kết nối, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, thiết bị phụ trợ và các thành phần khác nếu có) bảo đảm an toàn.

c) An toàn máy chủ (server security): Tập hợp các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho máy chủ trong quá trình thiết lập, quản lý, vận hành và hủy bỏ.

d) An toàn ứng dụng (application security): Tập hợp các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm các ứng dụng, dịch vụ cung cấp bởi hệ thống bảo đảm an toàn trong quá trình thiết lập, quản lý, vận hành và gỡ bỏ.

đ) Chống thất thoát dữ liệu (data leak prevention): Giải pháp giúp cơ quan, tổ chức bảo vệ dữ liệu quan trọng của mình tránh việc bị đánh cắp, rò rỉ hoặc khi dữ liệu bị vô ý mất mát, thất lạc thì bên thứ ba không thể khai thác dữ liệu đó trái phép.

e) Dự phòng nóng (hot standby): Khả năng thay thế chức năng của thiết bị khi xảy ra sự cố mà không làm gián đoạn hoạt động của hệ thống.

g) Giám sát an toàn hệ thống thông tin (information system security monitoring): Hoạt động lựa chọn đối tượng, công cụ giám sát, thu thập, phân tích thông tin trạng thái của đối tượng giám sát, báo cáo, cảnh báo hành vi xâm phạm an toàn thông tin hoặc có khả năng gây ra sự cố an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin.

[...]