Công văn 9330/BTC-NSNN báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2014 và xây dựng dự toán ngân sách năm 2015 do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 9330/BTC-NSNN |
Ngày ban hành | 09/07/2014 |
Ngày có hiệu lực | 09/07/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Huỳnh Quang Hải |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9330/BTC-NSNN |
Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2014 |
Kính gửi: Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2014/TT-BTC ngày 27/6/2014 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Để có cơ sở và chuẩn bị các tài liệu liên quan thảo luận dự toán ngân sách năm 2015 giữa lãnh đạo Bộ Tài chính với lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo cụ thể tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2014 và xây dựng dự toán ngân sách 2015, gồm các nội dung sau:
1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2014 và xây dựng dự toán thu NSNN năm 2015:
Căn cứ kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm 2014; phân tích những yếu tố tác động đến tăng, giảm thu NSNN; dự báo kết quả thực hiện thu NSNN năm 2014, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2015 theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2014/TT-BTC ngày 27/6/2014 của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
- Đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2014. Số giảm thu ngân sách nhà nước do thực hiện Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.
- Đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện các biện pháp về thu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị định số 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện NSNN 2013-2014; tác động đến thu NSNN do việc thực hiện các Luật thuế mới sửa đổi, bổ sung; việc miễn, giảm, gia hạn, điều chỉnh thuế suất năm 2014 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; việc gia hạn thời gian nộp thuế, miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Đánh giá tình hình xử lý và thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế năm 2014: Xác định số nợ thuế đến ngày 31/12/2013, dự kiến số nợ phát sinh trong năm 2014, số nợ thuế thu hồi được trong năm 2014 và số nợ thuế đến ngày 31/12/2014. Tổng hợp, phân loại đầy đủ, chính xác số thuế nợ đọng theo quy định (nợ đọng theo từng loại doanh nghiệp, từng sắc thuế và ở từng ngành).
- Đánh giá tình hình kê khai, hoàn thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2014; số hoàn thuế phát sinh theo kê khai của doanh nghiệp trong năm 2014; số dự kiến hoàn cho doanh nghiệp.
- Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu; rà soát các chính sách thuế mới ban hành, sửa đổi, bổ sung năm 2013, năm 2014.
- Báo cáo các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2014.
2. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB năm 2014 bao gồm giá trị khối lượng thực hiện, vốn thanh toán đến hết Quý II/2014 (gồm thanh toán khối lượng hoàn thành và thanh toán tạm ứng vốn đầu tư), dự kiến khối lượng thực hiện và vốn thanh toán đến 31/12/2014; tình hình và kết quả xử lý nợ đọng khối lượng đầu tư XDCB từ nguồn NSNN theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013); đề xuất, kiến nghị các giải pháp để xử lý các khoản nợ đọng.
3. Đánh giá và xác định nhu cầu hỗ trợ thực hiện các chính sách, chế độ năm 2014, dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2014 gồm:
3.1. Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chế độ năm 2014 (chi tiết đầy đủ theo từng chính sách, chế độ, như: Chính sách hỗ trợ mua BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc; trẻ em dưới 6 tuổi; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật; chính sách miễn thu thủy lợi phí theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 268/QĐ-TTg và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đối với trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ phòng trừ dịch bệnh và phòng chống, khắc phục thiên tai, bão lũ, cứu đói cho người dân; chính sách hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro khi bám biển, đánh bắt xa bờ; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;…….); trong đó cần xác định rõ:
- Nhu cầu kinh phí (có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính).
- Số kinh phí đã bố trí, gồm: Số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ (gồm: số kinh phí đã bố trí trong cân đối NSĐP (nếu có), số kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu), số kinh phí ngân sách địa phương bố trí.
- Số kinh phí còn phải bố trí, gồm: Số kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, số kinh phí ngân sách địa phương phải bố trí.
Đánh giá những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các chính sách, chế độ năm 2014; trong đó tập trung: Đánh giá tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện; xác định những nội dung chồng chéo, trùng lắp để kiến nghị lồng ghép hoặc bãi bỏ các chính sách, chế độ không phù hợp thực tế.
3.2. Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách chế độ năm 2015 (chi tiết đầy đủ theo từng chính sách, chế độ như trên); trong đó cần xác định rõ:
- Nhu cầu kinh phí (có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính).
- Nguồn kinh phí thực hiện: Số kinh phí đã bố trí trong cân đối NSĐP (nếu có), nguồn kinh phí năm trước còn dư chuyển sang (nếu có), số kinh phí đề nghị ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, số kinh phí ngân sách địa phương bố trí.
4. Đánh giá khả năng cân đối NSĐP so với dự toán, các biện pháp đã và sẽ thực hiện để đảm bảo cân đối NSĐP bao gồm: phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, cắt giảm chi, sử dụng các nguồn lực tài chính còn dư của địa phương (nguồn cải cách tiền lương, nguồn kết dư 2013, quỹ dự trữ tài chính,...). Đề nghị làm rõ từng nguồn, số đã sử dụng, số còn dư (nếu có).
5. Đánh giá việc bố trí ngân sách (bao gồm cả số NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho NSĐP - nếu có) và sử dụng dự phòng thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh ở người và trên gia súc, gia cầm, cây trồng; tình hình sử dụng dự phòng ngân sách đến 30/6/2014.
6. Báo cáo chi chuyển nguồn ngân sách địa phương năm 2013 sang năm 2014: Đề nghị báo cáo chi tiết và giải trình cụ thể từng khoản chi chuyển nguồn, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp để giảm thiểu chi chuyển nguồn hàng năm.
7. Báo cáo tình hình vay nợ của ngân sách địa phương và tình hình sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính (chi tiết theo biểu đính kèm).
8. Đối với các địa phương, đặc biệt là những địa phương có hợp tác kinh tế, ngoại thương, có biên giới với Trung Quốc, đề nghị báo cáo đánh giá tác động của tình hình biển Đông đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
9. Đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành ngân sách năm 2014 và dự kiến năm 2015.
Nội dung báo cáo trên, đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước) trước ngày 01/8/2014 để tổng hợp./.