Công văn 9163/BNN-TCCB năm 2018 về đổi mới, sắp xếp cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 9163/BNN-TCCB |
Ngày ban hành | 27/11/2018 |
Ngày có hiệu lực | 27/11/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Hà Công Tuấn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9163/BNN-TCCB |
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2018 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, các địa phương đang thực hiện tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Kế hoạch của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW.
Để đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước theo quy định pháp luật gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện một số vấn đề như sau:
1. Căn cứ Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW và điều kiện cụ thể của địa phương để có phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với nhiệm vụ được giao và yêu cầu phát triển Ngành trong khi quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp điều chỉnh.
2. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ, làm yếu hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định pháp luật:
- Làm rõ, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan hành chính, đặc biệt đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Chi cục, Phòng chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi tổ chức, sắp xếp lại các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y ở cấp huyện và sắp xếp một số Chi cục quản lý chuyên ngành mà một số tỉnh, thành phố đã thực hiện.
- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước với chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công gắn với yêu cầu tự chủ của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Ban hành quy chế quản lý đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp; quy chế phối hợp công tác giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế vợi Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp; quy chế quản lý và phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế và các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đảm bảo thông suốt trong chỉ đạo sản xuất, quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt đối với các lĩnh vực: phòng, chống dịch bệnh (nhất là công tác thông tin, điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh); quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; an toàn toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống thiên tai; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
3. Bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ công chức, viên chức có chuyên môn phù hợp, đã có thời gian công tác lâu năm, có kinh nghiệm thực tiễn; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng đã được đầu tư để phục vụ tốt hơn cho việc thực thi nhiệm vụ.
4. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế cần được nghiên cứu, có đề án cụ thể được phê duyệt. Việc chỉ đạo thực hiện phải sát sao, minh bạch; phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để có điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |