Công văn 91492/CT-TTHT năm 2020 về hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 91492/CT-TTHT
Ngày ban hành 16/10/2020
Ngày có hiệu lực 16/10/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục thuế thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Tiến Trường
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91492/CT-TTHT
V/v hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng
(Đ/c: Số 89 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
- MST: 010023358
3)

Trả lời công văn số 1240/2020/CV-VPBank nhận ngày 14/08/2020 và hồ sơ bổ sung nhận ngày 01/09/2020 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (sau đây gọi tắt là "VPBank") hỏi về hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

+ Tại Điều 1 quy định đối tượng áp dụng:

“Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):

1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu...”

- Căn cứ Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

+ Tại Điều 2 hướng dẫn các loại thuế áp dụng như sau:

“Điều 2. Các loại thuế áp dụng

Các loại thuế áp dụng trong các Hiệp định là các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản được quy định cụ thể tại từng Hiệp định.

1. Trong trường hợp của Việt Nam, các loại thuế thuộc phạm vi áp dụng Hiệp định là:

a) Thuế thu nhập doanh nghiệp; và

b) Thuế thu nhập cá nhân.

2. Trong trường hợp của các Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, các loại thuế áp dụng Hiệp định được quy định cụ thể tại Điều 2 của Hiệp định (thường là Khoản 3 của Điều 2).

...”

+ Tại Điều 6 hướng dẫn một số trường hợp từ chối áp dụng Hiệp định trên cơ sở nguyên tắc hưởng lợi Hiệp định:

“Trừ khi được quy định khác tại Hiệp định về giới hạn hưởng lợi Hiệp định, Cơ quan thuế Việt Nam sẽ từ chối đề nghị áp dụng Hiệp định trong các trường hợp sau:

1. Người đề nghị đề nghị áp dụng Hiệp định đối với số thuế đã phát sinh quá ba năm trước thời điểm đề nghị áp dụng Hiệp định.

...”

+ Tại Điều 4 quy định:

“Điều 4. Nguyên tắc áp dụng Hiệp định

Khi áp dụng, xử lý thuế đối với từng trường hợp phải căn cứ theo quy định tại từng Hiệp định (bao gồm cả Nghị định thư và/hoặc Thư trao đổi nếu có).”

+ Tại Điều 19 hướng dẫn xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay

Điều 19. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay

1. Theo quy định tại Hiệp định, Việt Nam có quyền thu thuế đối với lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam theo một thuế suất giới hạn (thường không quá 10%) tùy theo từng Hiệp định, với điều kiện đối tượng nhận là đối tượng thực hưởng.

Lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam là các khoản lãi từ tiền cho vay do bất cứ một đối tượng cư trú nào của Việt Nạm chịu và phải trả, kể cả các khoản lãi được chịu và phải trả bởi Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chính quyền địa phương Việt Nam hoặc các cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định của một đối tượng cư trú nước ngoài có tại Việt Nam.

Ví dụ 27: Chi nhánh ngân hàng QT là chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của ngân hàng Q của Thái Lan chi trả cho ngân hàng Q một khoản lãi tiền cho vay. Do chi nhánh QT là một cơ sở thường trú của ngân hàng Q tại Việt Nam, nên theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan, khoản tiền lãi này coi như phát sinh tại Việt Nam và phải chịu thuế tại Việt Nam với mức thuế suất 10% (Khoản 2.a, Điều 11: Lãi từ tiền cho vay). Tuy nhiên, do mức thuế suất đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay hiện nay của Việt Nam trong trường hợp này là 5% nên khoản tiền lãi này chỉ chịu thuế tại Việt Nam với mức thuế suất 5%.

2. Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thì Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có quyền đánh thuế tại nguồn thu nhập đó theo quy định tại Khoản 1 nêu trên và Việt Nam cũng có quyền thu thuế đối với thu nhập này theo quy định tại pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam, nhưng đồng thời Việt Nam phải thực hiện các biện pháp tránh đánh thuế hai lần đối với khoản thu nhập này (quy định tại Chương III. Biện pháp tránh đánh thuế hai lần tại Việt Nam của Thông tư này).

[...]