Công văn 8951/BCT-KHCN về báo cáo công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023 do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 8951/BCT-KHCN
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Sinh Nhật Tân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8951/BCT-KHCN
V/v báo cáo công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Y tế

Trả lời công văn số 7335/CV-BCĐTƯATTP ngày 13 tháng 11 năm 2023 của Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương xin gửi Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 triển khai công tác hậu kiểm năm 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và đề xuất công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024 tại Phụ lục kèm theo.

Đề nghị Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, KHCN, hangntd

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

PHỤ LỤC

BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 1766/KH-BCĐTƯATTP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2022 TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HẬU KIỂM NĂM 2023 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Kèm theo công văn số 8951/BCT-KHCN ngày 15 tháng 12 năm 2023)

Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 triển khai công tác hậu kiểm năm 2023 và đề xuất công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 như sau:

I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2023

1. Công tác quản lý, chỉ đạo

Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm(1) thông qua lồng ghép vào các chỉ đạo về bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán, trong đó đã chỉ đạo các địa phương chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản có tính mùa vụ cao bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Kết quả đạt được cho thấy, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch phục vụ Tết và chuẩn bị nguồn hàng, các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Điều đó đã khẳng định vai trò của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của ngành Công Thương trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Thực hiện các Kế hoạch: số 1637/KH-BCĐTƯATTP ngày 5 tháng 12 năm 2022; số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 và số 332/KH-BCĐTƯATTP ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023 và triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản(2) chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý an toàn thực phẩm. Kết quả thực hiện các Kế hoạch của Ban chỉ đạo cho thấy việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ(3) được chính quyền các cấp của 08 tỉnh được kiểm tra (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An) tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; việc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp được kiện toàn theo đúng yêu cầu của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương trên vẫn tích cực vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn; việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn địa bàn được phân công quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong thời gian triển khai các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm năm 2023, trên địa bàn 08 tỉnh nêu trên không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Qua đó đã góp phần đề cao vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị chức năng trong Bộ, các cơ quản lý nhà nước ngành Công Thương tại các cấp hành chính địa phương (Sở Công Thương, Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng) trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; việc triển khai các hoạt động được thống nhất từ Trung ương đến địa phương và có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt trong các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm như Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023; Kiểm tra hậu kiểm an toàn thực phẩm(4). Do đó, công tác chỉ đạo điều hành đã góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Kết quả thực hiện

2.1. Các đoàn kiểm tra do đơn vị thuộc Bộ chủ trì

Trong năm 2023, Bộ Công Thương giao Tổng Cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước làm trưởng đoàn thực hiện công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm theo các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Cụ thể:

Triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 (Kế hoạch số 1637/KH-BCĐTƯATTP ngày 5 tháng 12 năm 2022) và trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (Kế hoạch số 332/Kh-BCĐTƯATTP ngày 10 tháng 3 năm 2023), từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công Phương đã chủ trì 04/12 đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại 08 Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An. Thông qua hoạt động kiểm tra thực tế công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương đã góp phần tăng cường công tác bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo cơ quan quản lý địa phương đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức và coi công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm là một trong các giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Thực hiện Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023, để đánh giá một cách đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm của ngành Công Thương tại địa phương, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch, thông báo tới 15 tỉnh, thành phố đại diện các vùng miền trong cả nước, gồm: Phú Thọ, Nam Định, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Phú Yên.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố duy trì các chương trình hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc trách nhiệm được phân giao quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo và chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành theo Chỉ thị số 17/CT-TTg tại các địa phương.

2.2. Kiểm tra trên thị trường do lực Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố thực hiện

Tổng hợp từ báo cáo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 10 tháng năm 2023, tổng số vụ kiểm tra về ATTP: 6172 vụ, tổng số vụ xử lý: 4967 vụ, số tiền xử phạt: 25.226.517.000 đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy: 24.335.908 đồng. Vi phạm chủ yếu liên quan đến kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa và các quy định chung về ATTP (điều kiện ATTP, tập huấn, sức khỏe...).

2.3. Một số đánh giá về công tác kiểm tra trên thị trường

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, kết hợp tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như thực hiện các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, khám sức khỏe cho người lao động, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm, sắp xếp, bảo quản hàng hóa...

Ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên do đó trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm việc sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục các chất phụ gia được phép trong bảo quản, chế biến thực phẩm đã giảm; nguyên liệu đưa vào trong quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm ngày càng được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.4. Kết quả làm việc giữa Bộ Công Thương và 15 Sở Công Thương theo Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP

[...]