Công văn 89/VPHĐBCQG-PL năm 2021 về giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo do Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành
Số hiệu | 89/VPHĐBCQG-PL |
Ngày ban hành | 13/03/2021 |
Ngày có hiệu lực | 13/03/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Hội đồng bầu cử quốc gia |
Người ký | Nguyễn Hạnh Phúc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI
ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/VPHĐBCQG-PL |
Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Ủy ban bầu cử tỉnh Khánh Hòa; |
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhận được văn bản của Ủy ban bầu cử các tỉnh Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Nam, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình và ý kiến phản ánh của một số địa phương khác đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn cách ghi thông tin trong hồ sơ ứng cử, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đối với trường hợp đang thi hành quyết định kỷ luật, đã thi hành xong quyết định kỷ luật và việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo. Văn phòng đã báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia và xin được thông báo ý kiến của Hội đồng bầu cử quốc gia về các vấn đề nêu trên như sau:
1. Về việc kê khai hồ sơ đối với người ứng cử đã bị kỷ luật, Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18/01/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia đã hướng dẫn rất cụ thể việc kê khai các hình thức kỷ luật, xử lý vi phạm đã bị áp dụng (về Đảng, chính quyền, đoàn thể) trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, trường hợp đã bị kỷ luật về Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định, thời gian ra quyết định, lý do bị kỷ luật, xử lý và hình thức, thời hạn xử lý; trường hợp bị kết án về hình sự mà chưa được xóa án tích thì ghi rõ số bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, thời gian ra bản án, quyết định, tội danh, hình phạt bị áp dụng. Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích”. Như vậy:
- Trường hợp người ứng cử bị kỷ luật về Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày nộp hồ sơ ứng cử thì trong hồ sơ ghi rõ tên cơ quan ra quyết định, thời gian ra quyết định, lý do bị kỷ luật, xử lý và hình thức, thời hạn xử lý; trường hợp bị kết án về hình sự mà chưa được xóa án tích thì ghi rõ số bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, thời gian ra bản án, quyết định, tội danh, hình phạt bị áp dụng.
- Trường hợp đã bị kỷ luật về Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hành chính quá thời gian 01 năm tính đến ngày nộp hồ sơ ứng cử; trường hợp bị kết án về hình sự mà đã được xóa án tích thì trong hồ sơ ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích”.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu HĐND và các trường hợp không được ứng cử đại biểu HĐND. Đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thì ngoài các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND còn phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức[1], Luật Viên chức và các hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Đảng như Quy định số 102/QĐ-TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm[2], Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026... Vì vậy, khi được phân bổ chỉ tiêu giới thiệu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu HĐND, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử tiêu biểu, phù hợp, đủ tiêu chuẩn, năng lực, kinh nghiệm công tác, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về nhân sự mà mình giới thiệu.
Trên cơ sở vướng mắc, đề nghị của các địa phương, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản gửi Ban Tổ chức Trung ương đề nghị có hướng dẫn, trả lời theo thẩm quyền. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương để chủ động hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tại địa phương mình bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện và chất lượng.
3. Đối với đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình về việc xác định các đơn vị hành chính miền núi, vùng cao và hải đảo, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát các quy định pháp luật liên quan còn hiệu lực và ngày 12/3/2021, nội dung này đã được đăng trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn).
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia trân trọng thông báo đến các cơ quan được biết.
|
CHÁNH VĂN PHÒNG |
[1] Khoản 3 Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức quy định “3. Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc”.
[2] Khoản 11, Điều 2 Quy định số 102/QĐ-TW “Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật”.