Công văn 879/BGDĐT-GDĐH phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 879/BGDĐT-GDĐH
Ngày ban hành 27/02/2010
Ngày có hiệu lực 27/02/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Vũ Luận
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 879/BGDĐT-GDĐH
V/v Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2010

 

Kính gửi:

- Các đại học, học viện
- Các trường đại học, cao đẳng
- Các sở giáo dục và đào tạo

 

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui năm 2010 là năm thứ 9 thực hiện Đề án cải tiến công tác tuyển sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2002. Về cơ bản công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính qui năm 2010 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như các năm trước.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội khoá XI về "tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực", đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực theo vùng miền, ngành nghề, chính sách xã hội và chất lượng tuyển chọn đầu vào, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2010 có một số điểm mới so với kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 như sau:

1. Đối tượng dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng

Đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.      

Người tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Quy định về số thí sinh và số cán bộ coi thi cho mỗi phòng thi

Mỗi phòng thi theo danh sách chỉ xếp tối đa không quá 40 thí sinh và phải có hai cán bộ coi thi. Những phòng thi lớn cần sắp xếp cho phù hợp với số lượng qui định trên. Không xếp thí sinh thi môn tự luận cùng với thí sinh thi môn trắc nghiệm trong một phòng thi.

3. Nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển

Thí sinh có thể nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường.

Các trường tổ chức thu nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh nộp trực tiếp tại trường, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: Mở sổ theo dõi, vào số như nhận công văn đến; tổ chức thu nhận hồ sơ và lệ phí ĐKXT; cấp biên lai cho thí sinh khi đến nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT.

Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của lịch công tác tuyển sinh, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

4. Về việc xác định điểm trúng tuyển

Các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng được xác định theo qui định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỉ lệ trúng tuyển hợp lí giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển NV1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng Sông Cửu long; một số ngành nghề khó tuyển sinh) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

5. Học phí đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập công bố công khai mức thu học phí theo tháng, học kì hoặc năm học (nếu tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thì học phí cũng qui đổi theo tháng, học kì hoặc năm học) đối với khóa tuyển sinh năm 2010 trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui năm 2010". Học phí chỉ tính theo tiền đồng Việt Nam (VNĐ).

I. ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

1. Qui trình và thời hạn thu nhận hồ sơ đăng kí dự thi (ĐKDT), lệ phí đăng kí dự thi

a) Hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT)

Hồ sơ ĐKDT bao gồm:

- Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2.

(Phiếu số 1 do Sở GD&ĐT lưu giữ. Phiếu số 2 do thí sinh giữ và được sử dụng trong các trường hợp cần thiết).

- Túi đựng hồ sơ (thực chất là một phiếu ĐKDT).

- 3 ảnh chân dung cỡ 4´6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ, tên và địa chỉ của thí sinh.

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

Riêng thí sinh có nguyện vọng 1 (NV1) học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các ĐH thì cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.

b) Khai hồ sơ đăng kí dự thi

[...]