Kính
gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian qua, cùng với các
hình thức truyền thông, vận động trực tiếp, theo nhóm, tổ chức lễ ra quân,... Bảo
hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là
BHXH tỉnh) đã triển khai các hội nghị khách hàng phát triển người tham gia BHXH
tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) tự đóng đạt được kết quả quan trọng, góp phần
tăng nhanh độ bao phủ BHXH, BHYT. Để sử dụng hiệu quả kinh phí phục vụ cho tổ
chức hội nghị khách hàng và truyền thông, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc
thù của các địa phương, BHXH Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức hội nghị truyền
thông khách hàng phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng như
sau:
I. Mục đích,
yêu cầu
1. Mục đích: Hướng
dẫn BHXH tỉnh/huyện tổ chức truyền thông, vận động phát triển người tham gia
theo hình thức hội nghị truyền thông khách hàng (sau đây gọi tắt là hội nghị)
nhằm phát triển và duy trì bền vững người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng
theo kế hoạch và nhiệm vụ đã được xác định hàng năm.
2. Yêu cầu: Việc
tổ chức hội nghị phải tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được cấp,
đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, địa bàn, địa hình,
phong tục, tập quán… gắn với trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân, đơn vị và
người đứng đầu cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện trong việc mở rộng diện bao phủ
BHXH, BHYT tại địa phương.
II. Nội
dung, quy trình thực hiện
1. Lập kế
hoạch tổ chức hội nghị
1.1. Tổ chức dịch vụ
Căn cứ dữ liệu tiềm năng người
chưa tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn (Họ và tên, năm sinh, địa chỉ, số điện
thoại liên hệ, nghề nghiệp, thu nhập hàng tháng (nếu có)). Hàng tháng, các Tổ
chức dịch vụ phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã đề
xuất kế hoạch tổ chức hội nghị gửi cơ quan BHXH chậm nhất vào ngày cuối cùng của
tháng để điều phối, chủ trì tổ chức thực hiện, trong đó xác định rõ:
- Số lượng, thành phần tham dự
hội nghị (đảm bảo có đại diện cơ quan BHXH, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện
chính sách BHXH, BHYT cấp xã, đại diện Tổ chức dịch vụ, khách hàng tiềm năng là
những người chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, người tham gia đã được
thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đại biểu khách mời khác phù hợp điều kiện từng
địa bàn, tính chất, quy mô từng hội nghị).
- Phân công trách nhiệm thực hiện
(đảm bảo rõ từng nội dung công việc như: đón tiếp đại biểu, khách hàng, thuyết
trình, tư vấn, giải đáp ý kiến,… đối với lãnh đạo, viên chức cơ quan BHXH, nhân
viên thu, cộng tác viên thu của Tổ chức dịch vụ, Ban Chỉ đạo thực hiện chính
sách BHXH, BHYT…).
- Địa điểm, thời gian, hình thức
tổ chức hội nghị (trực tiếp và trực tuyến).
- Công tác thông tin, truyền
thông trước, trong, sau hội nghị.
- Nội dung truyền thông, vận động
phát triển người tham gia.
- Dự kiến các tình huống phát
sinh và phương án phối hợp giải quyết.
1.2. BHXH tỉnh/huyện
Căn cứ kế hoạch tổ chức hội nghị
do các Tổ chức dịch vụ gửi tới, trên cơ sở đề xuất của Phòng/Tổ quản lý Thu – Sổ,
Thẻ và các phòng/tổ nghiệp vụ liên quan, Giám đốc BHXH tỉnh/huyện phê duyệt kế
hoạch tổ chức hội nghị (đảm bảo tránh chồng chéo, phù hợp, hiệu quả,…) và thông
báo cho Tổ chức dịch vụ, các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện kế
hoạch.
2. Quy
trình thực hiện
2.1. Đối với hội nghị tổ
chức trực tiếp
a) Lập danh sách mời
Nhân viên thu, cộng tác viên
thu của Tổ chức dịch vụ rà soát, xác định, lập danh sách khách hàng tiềm năng
tham dự hội nghị (là những khách hàng tiềm năng mà nhân viên thu, cộng tác viên
đã tiếp cận, tư vấn, có khả năng sẽ đăng ký tham gia BHXH, BHYT).
b) Gửi giấy mời và xác nhận
tham dự hội nghị
- Giấy mời do Trưởng Ban Chỉ đạo
thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã ký, đóng dấu được nhân viên thu, công
tác viên thu phối hợp với Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn/bản gửi tới khách mời,
khách hàng tiềm năng.
- Nhân viên thu, cộng tác viên
thu gọi điện, nhắn tin hoặc trực tiếp gặp gỡ khách hàng xác nhận việc tham dự hội
nghị và cung cấp thông tin, phát các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp,…)
tư vấn trước về chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho khách hàng.
c) Công tác truyền thông
Cơ quan BHXH phối hợp với Tổ chức
dịch vụ, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Trưởng thôn/bản/tổ dân phố
nơi tổ chức hội nghị thực hiện:
- Treo băng rôn, standee tại
nơi tổ chức, treo logo, biểu tượng, maket hội nghị trong hội trường đảm bảo thu
hút tầm nhìn, nội dung trọng tâm, dễ hiểu.
- Thông tin nội dung truyền
thông trọng tâm trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, truyền thông lưu động, Cổng
Thông tin điện tử và kênh truyền thông mạng xã hội của đơn vị.
d) Triển khai kịch bản hội nghị
Bước 1: Tiếp đón đại biểu,
khách hàng
- Chào hỏi đại biểu, khách hàng
tới tham dự hội nghị.
- Lập danh sách đại biểu, khách
hàng đến dự hội nghị.
- Bố trí, sắp xếp chỗ ngồi.
- Phát tài liệu tuyên truyền, ấn
phẩm tờ gấp về “Những điều cần biết về BHXH tự nguyện”, “Những điều cần biết về
BHYT hộ gia đình”, các tài liệu, văn bản chỉ đạo, mức hỗ trợ kinh phí đóng
BHXH, BHYT của địa phương.
Bước 2: Tuyên truyền, phổ
biến chính sách
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu
- Mời đại biểu là đại diện Uỷ
ban nhân dân xã, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã phát biểu.
- Trực tiếp phổ biến, thuyết
trình hoặc trình chiếu các slide nội dung chủ yếu về quan điểm, mục tiêu, chính
sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT, kết quả thực hiện chính sách BHXH tự
nguyện, BHYT trên địa bàn, quy định về mức đóng, mức hỗ trợ của ngân sách nhà
nước, ngân sách địa phương, quyền lợi hưởng BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, thủ tục,
quy trình tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
- Giới thiệu người đã tham gia
hoặc đang thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT tại địa bàn phát biểu nêu cảm nhận hoặc
trình chiếu các video về những lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT do những người
đang thụ hưởng các chế độ BHXH, người khám chữa bệnh BHYT được hưởng chi phí
cao chia sẻ.
Bước 3: Tư vấn, giải đáp
ý kiến
- Người thuyết trình nêu và nhấn
mạnh lại một số nội dung trọng tâm, gợi mở, định hướng tuyên truyền chính sách,
lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT.
- Trực tiếp giải đáp ý kiến của
khách hàng, tư vấn người tham dự hội nghị đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT
tự đóng.
- Thông tin cho khách hàng tham
dự hội nghị biết về các hình thức tiếp cận, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ khách hàng
trên các kênh thông tin như Tổng đài chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam, Cổng
Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, các Tổ chức dịch vụ,…
Bước 4: Hướng dẫn thủ tục
đăng ký tham gia
- Hướng dẫn người tham gia kê
khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS); trường hợp người
tham gia đã có mã số BHXH thì đề nghị cung cấp mã số hoặc tra cứu trên phần mềm
quản lý.
- Hướng dẫn các hình thức đóng
tiền tham gia: nộp trực tiếp cho nhân viên thu của tổ chức dịch vụ, nộp tiền
thông qua tài khoản ngân hàng hoặc hệ thống tiện ích thông minh theo phương thức
giao dịch đã lựa chọn (Trường hợp lựa chọn giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc
gia thì nộp tiền thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia).
- Trường hợp người tham gia nộp
tiền trực tiếp cho nhân viên thu, nhân viên thu thực hiện thu tiền đóng, cấp
biên lai và mã xác nhận cho người tham gia theo quy định.
(Lưu ý: Cộng tác viên thu
không được trực tiếp thu tiền, cấp biên lai cho người tham gia.)
Bước 5: Tổng kết hội nghị
- Tổ chức phát sổ BHXH, thẻ
BHYT, tặng quà (nếu có) cho đại diện người tham gia đóng tiền trực tiếp tại hội
nghị.
- Phát biểu cảm ơn đại biểu,
khách hàng.
- Thông báo số điện thoại hoặc
địa chỉ email của cơ quan BHXH, cán bộ chuyên quản, nhân viên thu, cộng tác
viên thu của Tổ chức dịch vụ để những người tham dự hội nghị chưa đăng ký tham
gia tiếp tục trao đổi hoặc cần tư vấn thêm.
- Tổng hợp danh sách khách hàng
tham dự hội nghị; danh sách người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng
tại hội nghị; danh sách người cần tiếp tục tư vấn, vận động tham gia BHXH,
BHYT.
2.2. Đối với hội nghị trực
tuyến (livestream)
a) Thông báo với khách hàng về
lịch livestream
- Cơ quan BHXH phối hợp với Tổ
chức dịch vụ thông báo rộng rãi trên facebook, fanpage của BHXH tỉnh/huyện;
facebook, fanpage của Tổ chức dịch vụ về thời gian, chủ đề thực hiện buổi
livestream trước buổi livestream ít nhất 05 ngày để thông báo về thời gian, chủ
đề thực hiện buổi livestream.
- Thiết lập đồng hồ đếm ngược
thời gian tổ chức livestream trên Fanpage của BHXH tỉnh/huyện.
- Khuyến khích viên chức cơ
quan BHXH, nhân viên thu, công tác viên thu của Tổ chức dịch vụ đăng tải thông
tin về buổi livestream trên mạng xã hội, facebook, zalo cá nhân, chia sẻ trên
các hội, nhóm để thông tin lan tỏa đến nhiều người hơn nữa.
b) Triển khai kịch bản hội nghị
Bước 1: Tương tác với
khách hàng: Người thuyết trình thực hiện
- Chào hỏi tạo thiện cảm: hỏi
thăm sức khỏe, tương tác với khách hàng.
- Thông báo chủ đề nội dung
livestream, thông báo việc tặng các ấn phẩm tuyên truyền (nếu có) để thu hút và
giữ chân khách hàng tham gia đến cuối chương trình.
- Kêu gọi tương tác: Để tăng số
lượng người xem buổi livestream, kêu gọi người xem like, (thích) share (chia sẻ)
trên trang cá nhân và các hội nhóm và tag (gắn) tên những người bạn vào xem
cùng.
Bước 2: Giới thiệu về chủ
đề livestream:
- Trình chiếu video, clip phỏng
vấn các chuyên gia có uy tín trong và ngoài ngành về lĩnh vực BHXH, BHYT; những
người đã tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, trọng tâm về lợi ích khi
tham gia BHXH, BHYT.
- Trong quá trình livestream,
giữ tương tác 2 chiều với người xem bằng cách đặt câu hỏi liên tục và tự trả lời
hoặc đề nghị người xem bình luận (comment).
Bước 3: Kiểm tra bình luận:
Viên chức cơ quan BHXH và nhân viên thu thực hiện kiểm tra tin nhắn và bình luận
của khách hàng để kịp thời trả lời (xử lý) các vấn đề phát sinh trong quá trình
livestream.
Bước 4: Giải đáp ý kiến
của khách hàng
Người thuyết trình trả lời những
câu hỏi đã chắc chắn, có sẵn chuẩn bị trong kịch bản. Những câu hỏi khó, phức tạp
thì tổ tư vấn phối hợp chuẩn bị để chuyển cho người thuyết trình giải đáp.
Bước 5: Chốt danh sách
khách hàng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
- Người thuyết trình thường
xuyên thông báo tên khách hàng đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự
đóng,
- Nhân viên thu, cộng tác viên
của Tổ chức dịch vụ ghi lại thông tin của khách hàng đã đăng ký tham gia qua phần
bình luận (comment) hoặc kiểm tra hộp tin nhắn (inbox).
Bước 6: Tổng kết hội nghị
Người thuyết trình tổng kết lại
nội dung chính của buổi livestream để mọi người tham gia đều nắm bắt được thông
tin về nội dung cần truyền tải. Cảm ơn và kêu gọi tương tác, giới thiệu buổi
livestream tiếp theo: Kêu gọi người xem nhắn tin hoặc để lại bình luận để tìm
hiểu kỹ hơn về chính sách BHXH, BHYT và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự
đóng…
- Nhân viên thu, cộng tác viên
thu kiểm tra tin nhắn và bình luận của khách hàng để lập danh sách khách hàng
đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
- Đối với khách hàng đồng ý
tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng: Người thuyết trình thông báo người tham
gia nộp trực tiếp cho nhân viên thu của tổ chức dịch vụ, nộp tiền thông qua tài
khoản ngân hàng hoặc hệ thống tiện ích thông minh theo phương thức giao dịch đã
lựa chọn (Trường hợp lựa chọn giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì nộp
tiền thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia).
(Lưu ý: Cộng tác viên không
được trực tiếp thu tiền, cấp biên lai cho người tham gia.)
- Tổng hợp danh sách số lượng
người tham gia, số lượt khách hàng nhắn tin (inbox) và số lượt bình luận
(comment) tương tác, số lượng người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự
đóng.
3. Quản
lý, đôn đốc thời hạn đóng tiền của người tham gia
- BHXH tỉnh/huyện gửi Danh sách
người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT (mẫu D08-TS) cho Ban Chỉ đạo thực hiện
chính sách BHXH, BHYT, Tổ chức dịch vụ để phân công người đảm nhiệm theo dõi,
thông báo, đôn đốc, vận động người tham gia tiếp tục đóng tiền thông qua các
hình thức phù hợp để duy trì số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bền vững
theo quy định, trong đó lưu ý:
- Đối với người tham gia BHXH tự
nguyện theo phương thức đóng hàng tháng, BHYT tự đóng: trong thời hạn từ 05
ngày trước đến 05 ngày sau ngày đến hạn đóng tiền.
- Đối với người tham gia BHXH tự
nguyện theo các phương thức đóng còn lại: trước ngày 20 của tháng cuối trước
khi đến hạn đóng tiền.
III. Kinh
phí hội nghị
1. Nguồn kinh phí thực hiện
Từ nguồn chi phí quản lý BHXH,
BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được giao hàng năm, gồm: chi tuyên truyền, phổ
biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN (sau đây gọi chung là chi tuyên
truyền) và chi phí thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của người tham gia theo hộ gia
đình, của học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là chi phí thu).
2. Nội dung chi và mức
chi
2.1. Nội dung chi từ chi
phí thu
a) Các nội dung chi có quy định
về mức chi
- Chi giải khát giữa giờ: Mức
chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
- Chi thù lao cho giảng viên,
báo cáo viên trình bày tại hội nghị: Mức chi theo quy định tại điểm
a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính
hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Chi hỗ trợ tiền ăn cho người
tham dự hội nghị là khách mời không trong danh sách trả lương của cơ quan nhà
nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp: Mức chi theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
b) Các nội dung chi thanh toán
theo hóa đơn thực tế và tình hình giá cả tại địa phương
- Chi thuê hội trường trong những
ngày tổ chức hội nghị (trong trường hợp đơn vị không có địa điểm phải thuê hoặc
có nhưng không đáp ứng được số lượng đại biểu tham dự); thuê máy chiếu, trang
thiết bị, phòng họp trực tiếp phục vụ hội nghị.
- Các khoản chi khác (mua thuốc
chữa bệnh thông thường, trang trí hội trường, văn phòng phẩm và các khoản chi
liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức hội nghị).
2.2. Nội dung chi từ chi
tuyên truyền
Chi in ấn tờ rơi, tờ gấp và các
ấn phẩm tuyên truyền phát cho người dân tham dự hội nghị: Thanh toán theo hóa
đơn thực tế và tình hình giá cả tại địa phương; quy trình, thủ tục theo quy định
của pháp luật về đấu thầu.
3. Hồ sơ, chứng từ thanh
quyết toán
a) Kế hoạch tổ chức hội nghị và
dự toán được Giám đốc cơ quan BHXH phê duyệt.
b) Danh sách khách hàng tham dự
hội nghị (kèm theo giấy mời).
c) Danh sách khách hàng tham
gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tự đóng tại hội nghị.
d) Danh sách nhận tài liệu
tuyên truyền, danh sách nhận tiền chi hỗ trợ có ký nhận của người tham dự
(không ký thay).
đ) Báo cáo kết quả tổ chức hội
nghị.
e) Đối với các nội dung mua sắm,
in ấn, thuê tài sản, hàng hóa, dịch vụ: Hồ sơ, hóa đơn, chứng từ thanh toán đảm
bảo tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ
theo quy định của Luật Kế toán, Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn của Nhà nước
và của BHXH Việt Nam.
g) Hóa đơn, chứng từ thanh toán
chi hội nghị đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư
số 40/2017/TT-BTC: Hóa đơn, chứng từ hợp pháp và bảng kê thanh toán đối với
các khoản chi bằng tiền cho người tham dự hội nghị theo quy định của pháp luật
hiện hành về hóa đơn, chứng từ thanh toán.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Ban Quản lý Thu - Sổ,
Thẻ
- Tham mưu đảm bảo kinh phí tổ
chức hội nghị khách hàng cho BHXH tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với Trung
tâm Truyền thông hướng dẫn BHXH tỉnh tổ chức triển khai hội nghị truyền thông
khách hàng phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra;
hàng tháng tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện.
- Giải quyết các vướng mắc phát
sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Trung tâm truyền thông
- Sản xuất các sản phẩm truyền
thông cung cấp cho BHXH các tỉnh truyền thông tại Hội nghị (tờ rơi, tờ gấp,
infographic, motiongraphic, video clip về BHXH tự nguyện, BHYT, tờ gấp về mức
đóng hưởng BHXH tự nguyện, BHYT…) đảm bảo phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, cập nhật
những thay đổi trong chính sách BHXH, BHYT có ảnh hưởng, tác động tới người
tham gia.
- Xây dựng, thiết kế Maket hội
nghị khách hàng để BHXH tỉnh áp dụng.
- Hướng dẫn BHXH tỉnh xây dựng
nội dung, tài liệu truyền thông phù hợp với từng nhóm khách hàng tiềm năng của
các Hội nghị.
- Tổng hợp, bố trí kinh phí đối
với các nội dung chi của hội nghị sử dụng nguồn từ kinh phí truyền thông.
- Phối hợp với Ban Quản lý Thu
– Sổ, Thẻ theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện của BHXH tỉnh,
thành phố, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện.
3. Trung tâm Dịch vụ hỗ
trợ, chăm sóc khách hàng
- Tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc
của khách hàng, thực hiện hỗ trợ tư vấn, giải đáp các yêu cầu, vướng mắc của
khách hàng về chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
- Hỗ trợ khách hàng thực hiện dịch
vụ công trực tuyến lĩnh vực BHXH, BHYT trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng
Dịch vụ công Quốc gia và các tổ chức I-VAN.
- Thường xuyên cập nhật thông
tin, bổ sung dữ liệu về chế độ, chính sách BHXH, BHYT để hỗ trợ, tư vấn, giải
đáp thắc mắc cho khách hàng.
4. Vụ Tài chính kế toán
- Tổng hợp dự toán kinh phí
công tác truyền thông do Trung tâm Truyền thông phân bổ và dự toán kinh phí tổ
chức hội nghị khách hàng do Ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ đề xuất, trình Lãnh đạo
Ngành phân bổ vào dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của
BHXH tỉnh theo quy định.
- Cấp kinh phí kịp thời để BHXH
tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện.
5. BHXH tỉnh/huyện
a) Căn cứ chỉ tiêu phát triển
người tham gia BHXH, BHYT, kinh phí phục vụ cho công tác hội nghị khách hàng,
kinh phí truyền thông được phân bổ và kịch bản phát triển người tham gia BHXH,
BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh/huyện quyết định số cuộc hội nghị truyền thông khách
hàng theo địa bàn từng xã theo từng tuần, tháng, quý đảm bảo phù hợp, tiết kiệm,
hiệu quả.
b) Kịp thời đánh giá hiệu quả tổ
chức hội nghị truyền thông khách hàng để điều chỉnh, áp dụng các hình thức vận
động khác phù hợp nhằm sử dụng có hiệu quả kinh phí được cấp và đảm bảo hoàn
thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT được giao.
c) Hàng tháng báo cáo kết quả tổ
chức thực hiện theo quy định:
- BHXH huyện báo cáo kết quả gửi
BHXH tỉnh vào ngày cuối cùng của tháng (theo mẫu số 01 đính kèm).
- BHXH tỉnh báo cáo kết quả gửi
BHXH Việt Nam, trước ngày 03 tháng sau liền kề (theo mẫu số 02 đính kèm).
d) Trên cơ sở sự cần thiết và
tiêu chuẩn định mức, xây dựng dự toán kinh phí tổ chức hội nghị truyền thông
khách hàng theo các nội dung chi tương ứng với từng nguồn kinh phí, gồm: Chi
phí thu (nội dung chi tổ chức hội nghị khách hàng); chi tuyên truyền và tổng hợp
chung vào dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN hàng năm gửi BHXH Việt Nam.
đ) Phối hợp với Tổ chức dịch vụ
tổng hợp đầy đủ hồ sơ, chứng từ làm căn cứ thanh quyết toán theo quy định. Giám
đốc BHXH tỉnh/huyện chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của hồ
sơ, hóa đơn, chứng từ quyết toán; chất lượng, khối lượng công việc đã nghiệm
thu; kiểm soát thủ tục thanh quyết toán theo quy định.
e) Quyết toán kinh phí chi tổ
chức hội nghị được tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của
đơn vị theo quy định; hạch toán vào các mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục
ngân sách chi quản lý BHXH, BHYT, BHTN của Ngành BHXH Việt Nam quy định tại
Công văn số 709/BHXH-TCKT ngày 05/3/2018 của BHXH Việt Nam về điều chỉnh mục lục
ngân sách chi hoạt động của Ngành BHXH.
Công văn này thay thế Công văn
số 1108/BHXH-TST ngày 28/4/2022 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn tổ chức hội
nghị khách hàng giai đoạn 2022- 2024 và Công văn số 2405/BHXH-TST ngày
31/8/2022 của BHXH Việt Nam về việc sửa đổi một số nội dung tại Công văn số
1108/BHXH-TST ngày 28/4/2022.
BHXH tỉnh căn cứ nội dung trên
tổ chức thực hiện, quá trình triển khai nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo BHXH
Việt Nam để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị: TCKT, TT, CSKH, PC, VP;
- Lưu: VT, TST.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Trần Đình Liệu
|