Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 852/UBDT-DTTS năm 2024 thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg và 28/2023/QĐ-TTg do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 852/UBDT-DTTS
Ngày ban hành 24/05/2024
Ngày có hiệu lực 24/05/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Nông Quốc Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 852/UBDT-DTTS
V/v thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2024

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây gọi là Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Ủy ban Dân tộc[1] và Bộ Tài chính[2] đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Để thống nhất thực hiện chính sách đối với người có uy tín, Ủy ban Dân tộc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) tiếp tục chỉ đạo Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện:

1. Công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín

a) Điều kiện, số lượng lựa chọn người có uy tín

- Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với các trường hợp:

+ Thôn, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố và tương đương (sau đây gọi chung là thôn) thuộc xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi chung là xã) có tối thiểu 03 hộ gia đình dân tộc thiểu số[3], căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) quyết định việc lựa chọn, công nhận 01 (một) người có uy tín/thôn theo quy định.

+ Thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[4]: Thực hiện lựa chọn, công nhận người có uy tín theo quy định sau khi có danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín

- Thực hiện phân cấp từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín của huyện sau khi có ý kiến thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh và các ngành chức năng liên quan.

- Trình tự, thủ tục công nhận, đưa ra khỏi danh sách và bổ sung, thay thế người có uy tín thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 6 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 988/QĐ-UBDT ngày 21/12/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ủy ban Dân tộc.

c) Định kỳ hằng năm các huyện thực hiện rà soát, tổng hợp số lượng, danh sách người có uy tín báo cáo gửi Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh. Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh tổng hợp chung người có uy tín của toàn tỉnh (theo Biểu 01 kèm theo Công văn này), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc (file mềm gửi qua Email: vudantocthieuso@cema.gov.vn) trước ngày 20 tháng 12 của năm để theo dõi.

2. Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín

a) Các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, phân công quản lý, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho người có uy tín

- Phổ biến, cung cấp thông tin: Nội dung, hình thức phổ biến, cung cấp thông tin do các địa phương lựa chọn đảm bảo phù hợp đối với người có uy tín trên địa bàn, trong đó chú trọng thực hiện lồng ghép với hội nghị sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, các hội nghị chuyên đề hoặc các hoạt động khác có liên quan của địa phương.

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức: Các địa phương lựa chọn các chuyên đề phù hợp, thiết thực[5] đối với người có uy tín để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Thời gian tổ chức, số lượng lớp, số người có uy tín tham dự, cấp tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, nguồn kinh phí được giao và quy định của pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

c) Thực hiện cấp báo cho người có uy tín

Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện:

- Cấp 01 tờ/người/kỳ cho người có uy tín của tỉnh một ấn phẩm báo của địa phương hoặc hình thức cung cấp thông tin khác (như: Chuyên đề, bản tin, thông tin nội bộ, v.v...) do địa phương lựa chọn, phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của người có uy tín và nguồn kinh phí được giao.

- Cấp 01 tờ/người/kỳ/tháng cho người có uy tín của tỉnh một ấn phẩm báo của Cơ quan ngôn luận thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc[6], có Giấy phép hoạt động báo chí được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, bảo đảm điều kiện về tôn chỉ, mục đích hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, có năng lực và kinh nghiệm xuất bản, phát hành báo cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Thẩm quyền quyết định phương thức thực hiện và đơn giá ấn phẩm báo cấp cho người có uy tín do tỉnh lựa chọn thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (quy định tại Mục IV.16 của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP).

d) Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện và các cơ quan liên quan lựa chọn, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định, phân công cụ thể các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nhằm thăm hỏi, chúc mừng, động viên người có uy tín và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

đ) Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các tỉnh quy định cụ thể và phân công các cơ quan trực thuộc tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín khi ốm đau, đi điều trị bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh và bệnh viện tuyến trung ương, thực hiện theo nguyên tắc: Điều trị ở tuyến nào thì mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại tuyến đó.

Trường hợp người có uy tín phải chuyển cơ sở khám, chữa bệnh lên tuyến trên điều trị (huyện, tỉnh, trung ương): Mức hỗ trợ = (Mức hỗ trợ quy định của tuyến trên) - (Tổng số tiền đã hỗ trợ ở các tuyến dưới).

[...]