Công văn 811/BVHTTDL-VP năm 2022 về sửa đổi Luật Quảng cáo 2012 và Luật di sản văn hóa 2001 do Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch ban hành
Số hiệu | 811/BVHTTDL-VP |
Ngày ban hành | 12/03/2022 |
Ngày có hiệu lực | 12/03/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Người ký | Nguyễn Văn Hùng |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 811/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo năm 2012 để đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Khoản 3, Điều 7 Luật Quảng cáo mâu thuẫn với Khoản 4, Điều 109 Luật Thương mại).
2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa năm 2001, theo hướng phân cấp thẩm quyền cho cấp tỉnh thẩm định, quyết định dự án tu bổ di tích cấp quốc gia tại địa phương, phân cấp thẩm quyền về hỗ trợ kinh phí để bảo tồn các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia, bảo vật quốc gia…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo năm 2012
Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và các chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia đều quy định nghiêm cấm hành vi Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Quy định này góp phần đảm bảo triển khai có hiệu quả biện pháp giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia.
Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 109 Luật Thương mại được ban hành năm 2005 quy định cấm quảng cáo đối với rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên. Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thông pháp luật khi cùng quy định về một nội dung, tại khoản 3 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã quy định: “3. Thay thế một số cụm từ tại một số điều của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 05/2017/QH14 như sau: a) Thay thế cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” bằng cụm từ “rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại khoản 4 Điều 100; b) Thay thế cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” bằng cụm từ “rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại khoản 4 Điều 109”. Như vậy, quy định về hành vi cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên tại Luật Quảng cáo năm 2012 là phù hợp với Luật Thương mại, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống các quy định của pháp luật.
2. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa
* Về việc phân cấp thẩm quyền cho cấp tỉnh thẩm định, quyết định dự án tu bổ di tích cấp quốc gia tại địa phương
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định:
- Khoản 10 Điều 1: “2. Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:
a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;
b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;
c) Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ;
d) Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù.”.
- Khoản 11 Điều 1: “b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia, cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia".
- Khoản 15 Điều 1: “1. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích;
b) Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
...
3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.”
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa thể hiện quan điểm thống nhất trong phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa, bảo đảm vai trò chỉ đạo, theo dõi, cũng như giám sát, xử lý vi phạm... ở các cấp, đồng thời phù hợp với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có tính chuyên sâu, mang tính chuyên ngành cao. Căn cứ quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, ngày 25/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (thay thế Nghị định số 70/2012/NĐ-CP năm 2012). Nội dung Nghị định đã quy định cụ thể thời gian thẩm định dự án tu bổ di tích, phù hợp và tương thích với các quy định pháp luật có liên quan (trong đó có pháp luật về xây dựng).
Như vậy, quy định của Luật, Nghị định tương đối chặt chẽ, cụ thể về tiêu chí, trách nhiệm và quyền hạn, quy trình và thời gian giải quyết... Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai lập và trình thẩm định dự án tu bổ di tích, thẩm định dự án tu bổ di tích đảm bảo thời gian theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật để hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đạt được những kết quả tích cực, việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn tồn tại, hạn chế như: Không thực hiện đúng nội dung đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định, còn xảy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm biến dạng, sai lệch, mất đi yếu tố gốc, giá trị độc đáo của di tích; vi phạm, xâm hại khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, giải tỏa trong khu vực di tích và tác động xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên của di tích; một số di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục dẫn đến việc vi phạm trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ, đã tiến hành Hội nghị - Hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa làm cơ sở cho việc lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa của 63 tỉnh, thành phố và 16 bộ, ngành liên quan gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có 5/63 tỉnh, thành phố đề xuất hướng phân cấp thẩm quyền thẩm định hồ sơ dự án trùng tu, tôn tạo đối với di tích cấp quốc gia có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu, sửa đổi một số quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục thẩm định dự án tu bổ di tích quốc gia để rút ngắn thời gian, quy trình tu bổ di tích. Đồng thời, tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến việc thẩm định, triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia trên phạm vi cả nước.
* Về việc phân cấp thẩm quyền về hỗ trợ kinh phí để bảo tồn các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia, bảo vật quốc gia…
Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định thẩm quyền về hỗ trợ kinh phí để bảo tồn các di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia, bảo vật quốc gia…