Kính gửi: Bộ
Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản
số 8490/BKHĐT-QLKTTW ngày 12 tháng 10 năm 2023 về báo cáo kết quả thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội theo Nghị
quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương báo cáo tình
hình triển khai các nhiệm vụ của Bộ Công Thương gồm các nội dung sau:
1. Về phát triển mạng lưới trung tâm logistics các
vùng, các vùng kinh tế trọng điểm.
2. Về mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu các
sản phẩm chủ lực của các địa phương.
3. Về triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến
thương mại nhằm phát huy tính liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội các
vùng.
4. Về các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, kết
nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của các địa phương; hỗ trợ liên kết
doanh nghiệp phân phối với nhà sản xuất nông nghiệp và liên kết giữa các doanh
nghiệp phân phối.
5. Về thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ,
năng lượng tái tạo, công nghiệp ít phát thải.
(báo cáo chi tiết
tại Phụ lục kèm theo)
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- CN, ĐL, XNK, XTTM, TTTN,;
- Lưu: VT, KHTCHienMT
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phan Thị Thắng
|
PHỤ LỤC
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 57/NQ-CP CỦA
CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THỂ CHẾ LIÊN KẾT VÙNG KINH TẾ - XÃ
HỘI
(Kèm theo Công văn số 8101/BCT-KHTC ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Bộ Công
Thương)
1. Về phát triển mạng lưới
trung tâm logistics các vùng, các vùng kinh tế trọng điểm
Ngày 16 tháng 12 năm 2022, Chính phủ đã ban hành
Nghị quyết số 163/NQ-CP về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics
Việt Nam.
Trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao tại
Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động
nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm
2025, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ
các khó khăn, vướng mắc của ngành dịch vụ logistics, kịp thời nắm bắt và tham
mưu cho Lãnh đạo Chính phủ để hoạch định chiến lược thu hút đầu tư, phát triển
cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics phù hợp với thực tiễn theo chỉ đạo của Chính
phủ tại Nghị quyết số 163/NQ-CP, theo đó phát triển logistics gắn với chuỗi
cung ứng bền vững, hướng tới phát triển logistics xanh.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng Chiến lược phát
triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 theo lộ
trình được giao tại Quyết định số 221/QĐ-TTg. Bộ Công Thương đã rà soát, nghiên
cứu thực trạng, đặc trưng, đặc thù logistics các địa phương, vùng miền để xây dựng
chiến lược phát triển dịch vụ logistics sát thực tiễn, đặc biệt là tính liên kết
vùng miền ở mỗi khu vực.
Về phát triển hệ thống logistics, Trên cơ sở Quy hoạch
phát triển quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015, các địa phương đã thu hút
các doanh nghiệp đầu tư xây dựng để phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn,
giúp kết nối cung cầu, kích cầu hàng hóa, phát triển thương mại, thúc đẩy hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp và kích thích sản xuất tại các địa phương,
phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền. Các thành phố lớn trong vùng
phát triển dịch vụ logistics khá đa dạng cùng với sự phát triển các hạ tầng
logistics tương đối hiệu quả trong từng vùng kinh tế.
2. Về mở rộng thị trường tiêu
thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các địa phương
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối
hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mở rộng thị
trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chủ lực của các địa phương, cụ thể:
- Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa
phương, tập trung các nguồn lực để đàm phán các Hiệp định thương mại tự do
(FTA) vào các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Tính
đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi nhiều Hiệp định FTA với độ phủ rộng
hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới,
Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu
(EFTA, bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-len, Liechtenstein), UAE và Canada,
tiếp tục đàm phán nâng cấp các Hiệp định FTA trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+.
- Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc
tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm
sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực
thi các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, ...); chú trọng thúc đẩy các
quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối
tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại
trong nước.
- Phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương
vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời
những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các
nước sở tại, giúp các Bộ, ngành, địa phương có những phản ứng chính sách kịp thời,
hiệu quả, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng,
điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều
kiện của các thị trường ngoài nước để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi
cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa
thương mại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ logistic,
thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại
giao trong công tác đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu đặc biệt cho các mặt
hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để
doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới còn tiềm năng; đồng thời, tập trung
thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến
thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt ở
các thị trường ngoài nước.
- Chú trọng việc nâng cao năng lực công tác phòng vệ
thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi
ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông
tin thị trường, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản
phẩm của Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, xây
dựng thương hiệu.
3. Về thực hiện Chương trình
xúc tiến thương mại nhằm phát huy tính liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội
các vùng
Xúc tiến thương mại (XTTM) là một trong những nhiệm
vụ trọng tâm của ngành công thương để góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết
ngành. Thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Lãnh đạo
Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các địa phương, các hiệp hội, sự tham gia của
các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã triển khai thông suốt các hoạt động XTTM có
tính liên kết vùng, tác động lan tỏa rộng và hiệu quả cao, hỗ trợ cộng đồng
doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước phát triển sản xuất, khai thác tốt thị
trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều địa phương đã tích cực chủ động nắm
bắt công nghệ, đồng hành cùng Bộ Công Thương trong việc đổi mới XTTM, tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin vào XTTM, triển khai linh hoạt các hình thức XTTM
trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, lựa chọn các nội dung XTTM
phù hợp, khả thi để triển khai hiệu quả XTTM.
Đối với Chương trình cấp quốc gia về XTTM, tiêu chí
xây dựng, thực hiện đề án thuộc Chương trình phải là những hoạt động XTTM cho sản
phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, của quốc gia, hoặc từ
02 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên; hoặc sản phẩm đã được bảo hộ
chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; XTTM xuất khẩu, nhập
khẩu liên kết giữa các bộ, ngành; liên kết giữa các ngành hàng hoặc giữa các địa
phương. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Đơn vị XTTM địa
phương xây dựng và thống nhất ban hành kế hoạch luân phiên tổ chức hoạt động
XTTM cấp Vùng giai đoạn 2022 - 2025, bao gồm các hoạt động XTTM mang tính liên
kết vùng, miền ổn định lâu dài như:
- Hội chợ triển lãm thương mại công thương cấp
vùng;
- Hội chợ đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP;
- Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa nhà cung cấp
trong vùng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM;
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về
hàng hóa và dịch vụ có thế mạnh của vùng đến người tiêu dùng trong nước;
- Đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp
trong vùng;
- Tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài
cho các doanh nghiệp trong vùng;
- Tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào VN giao
dịch mua hàng của các địa phương trong vùng.
Trên cơ sở đó, các địa phương có kế hoạch ưu tiên
XTTM sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu,
tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các cơ
quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế...
Năm 2022-2023, kế hoạch luân phiên tổ chức hoạt động
XTTM cấp Vùng đã được Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Trung tâm XTTM các địa
phương triển khai hết sức chủ động, sáng tạo và bước đầu thu được những kết quả
tích cực. Trong đó, một số chương trình tiêu biểu, thu hút sự tham gia của nhiều
nhà sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hệ thống phân phối, tổ chức hỗ trợ
thương mại trong nước và quốc tế, cụ thể như sau:
- Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Chương trình kết
nối nhà cung ứng địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM với
quy mô lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam thu hút sự tham gia của gần 10.000 doanh
nghiệp trên cả nước.
- Một số địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa, Điện
Biên, Đắk Lắk, ... đã triển khai kế hoạch luân phiên cấp vùng và tổ chức thành
công các chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp của vùng với các
doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM trong và ngoài nước. Hoạt động này đã kết
nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến thương mại nước
ngoài tại Việt Nam, từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp
chế biến tìm kiếm nguồn hàng đầu vào ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đồng
thời tạo điều kiện kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục
vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu.
- Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đã tổ
chức thành công 06 hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, hội chợ sản phẩm
OCOP, hội chợ các sản phẩm của khu vực kinh tế hợp tác xã và hội chợ quốc tế Việt
Trung, thu hút sự tham gia của gần 1.700 doanh nghiệp trên cả nước với doanh số
bán hàng trực tiếp tại hội chợ đạt hơn 52 tỷ đồng, chưa kể các thỏa thuận, hợp
đồng thực hiện sau hội chợ. Đã tổ chức 40 đoàn doanh nghiệp, hỗ trợ hơn 262 lượt
doanh nghiệp tham gia HCTL tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác.
4. Về các hoạt động hỗ trợ phát
triển sản phẩm, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của các địa
phương; các hoạt động liên kết sản xuất, phân phối
a) Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm
giai đoạn 2021-2025, ngày 18 tháng 4 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định
số 950/QĐ-BCT về tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi
xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025 làm căn cứ để lựa chọn, xây dựng các
điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy
sản xuất, phát triển làng nghề, sản phẩm là đặc sản vùng miền,sản phẩm OCOP, sản
phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa
phương.
Ngày 21 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban
hành Quyết định số 1881/QĐ-BCT phê duyệt các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm
OCOP và kinh phí năm 2023 thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn
2023-2023 cho 10 địa phương là Bình Thuận, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hậu
Giang, Ninh Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Tiền Giang, Tuyên Quang.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, tham dự nhiều
hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sự kiện và triển khai nhiều công tác kết nối cho
các sản phẩm OCOP, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc
trưng, đặc sản của các địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ
trợ các địa phương trong việc xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu và bán
sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng
bá, tổ chức các hoạt động kết nối cho các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp
nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản vùng miền của các địa phương.
b) Chương trình phát triển thương mại miền
núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng
sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021. Đây là Chương trình đặc
thù, cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng
hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với
các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu
nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Chương trình đã định hướng phát triển thương mại với
từng mô hình theo cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn; phát triển mạng
lưới kinh doanh theo ngành hàng nông sản, vật tư nông nghiệp phù hợp với điều
kiện kinh tế - xã hội miền núi; phát triển chợ đầu mối nông sản tại vùng sản xuất
tập trung; khuyến khích phát triển các loại hình thương mại tư nhân, hộ kinh
doanh...
Chương trình được xác định thực hiện trên phạm vi
287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trong
cả nước và tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: Xây dựng và hoàn thiện hệ
thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và
hải đảo; xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế. Các hoạt động
khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa
phương; phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động
du lịch biển đảo.
Bộ Công Thương và các địa phương đã thực hiện lồng
ghép cùng với các chương trình khác tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp
để thực hiện Chương trình, như:
- Tuyên truyền về thương mại miền núi, vùng sâu, vùng
xa và hải đảo; Tuyên truyền, quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm
hàng hóa đặc trưng của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên cả
nước.
- Xây dựng mô hình thí điểm bán các mặt hàng đặc sản,
đặc trưng của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa;
- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát
triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
- Đào tạo phát triển nâng cao năng lực chuyên môn
cho cán bộ công chức, doanh nghiệp, thương nhân làm công tác quản lý phát triển
thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
- Tổ chức các hoạt động truyền thông, kết nối, hỗ
trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
- Nghiên cứu phát triển thương mại hàng hóa và dịch
vụ của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với hoạt động du lịch
biển đảo.
c) Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn
với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc
vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm
2021. Triển khai thực hiện Đề án, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, quảng bá, giới thiệu
các hàng hóa có thế mạnh của các vùng miền trong chuyên mục “Tự hào hàng Việt
Nam” “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; Tổ
chức các Hội nghị kết nối cung cầu, trong đó có mặt hàng có thế mạnh của các địa
phương; Hội nghị kết nối cung cầu là một trong những hoạt động thiết thực để
các nhà sản xuất và phân phối ở các địa phương đến tìm hiểu, trao đổi thông tin
và hợp tác; Thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”
“Tinh hoa hàng Việt Nam” trên các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong quá
trình triển khai, các Sở Công Thương khi thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam ưu
tiên tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp, khu vực mà hệ thống phân phối
hàng hóa thiết yếu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.
d) Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu
thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương
thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 tại
Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021. Thông qua Đề án, Bộ Công
Thương đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thông tin phân tích và dự
báo thị trường nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiêu thụ nông sản trong nước;
Thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản trên các phương tiện truyền thông; Bồi
dưỡng kiến thức kinh doanh và các quy định pháp luật liên quan đến thương nhân
trong kinh doanh nông sản cho các chủ trang trại, hộ gia đình sản xuất, kinh
doanh các mặt hàng nông sản chủ yếu ở khu vực nông thôn; Bồi dưỡng kiến thức
thương mại cho Giám đốc các Hợp tác xã tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ yếu ở
khu vực nông thôn. Bộ Công Thương luôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi phối hợp
với Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tích cực kêu gọi
các Doanh nghiệp phân phối lớn, các HTX, các Chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt
động và nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ thu
mua, chế biến để tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương có sản lượng
nông sản lớn đang và sắp vào vụ thu hoạch, sản xuất tập trung.
Các hoạt động cụ thể gồm:
- Hỗ trợ kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình (23/2/2023);
- Hội nghị Phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái
Bình năm 2023 (2/3/2023);
- Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch
VACOD - Lạng Sơn 2023 tại tỉnh Lạng Sơn (24/4/2023);
- Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp
khu vực miền Trung và Tây nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc
tiến thương mại” tại Đà Nẵng (11/5/2023);
- Hoạt động xúc tiến thương mại “Phiên chợ vải lai
chín sớm” tại tỉnh Hưng Yên (27/5/2023);
- Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng,
miền núi tại Nghệ An (27/5/2023);
- Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm tại
huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (30/5/2023);
- Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục
Ngạn, tỉnh Bắc Giang (7/6/2023);
- Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp
khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc
tiến thương mại tại Hà Nội (16/6/2023);
- Tuần lễ nhãn lồng - nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng
Yên tại Quảng Ninh (31/8/2023).
5. Tình hình thúc đẩy các lĩnh
vực công nghiệp như công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp ít phát
thải.
a) Đối với công nghiệp hỗ trợ
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong
nước, hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban
hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT),
nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời thời gian qua đã thực hiện việc thúc đẩy
mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các
doanh nghiệp và các hãng toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda, Kia, Mazda...
Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công
nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025 (phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày
18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và các chương trình hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp nhỏ và vừa khác theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để
nâng cao năng lực, chất lượng, trình độ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong
các lĩnh vực công nghiệp - đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao khả
năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tự chủ sản xuất trong nước.
Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào
cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc vào
nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu
nội địa.
Qua đó, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào
đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên
thế giới. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực
sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc
tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.
b) Đối với năng lượng tái tạo
Hiện nay, tỷ lệ điện năng lượng tái tạo trong hệ thống
điện quốc gia chiếm khoảng 26% với tổng công suất đặt khoảng 21.000 MW (chủ yếu
là điện mặt trời, chiếm khoảng 75% tổng công suất điện năng lượng tái tạo).
Thực hiện Luật Quy hoạch, thực hiện nhiệm vụ được
giao, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Theo đó, cơ cấu nguồn điện năng lượng
tái tạo như sau:
- Điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5% tổng công suất
các nhà máy điện);
- Điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), trường hợp
công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển
quy mô cao hơn;
- Điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện
mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW,
nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.
- Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW
(1,5%), trường hợp đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, có yêu cầu xử
lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp
lý thì phát triển quy mô lớn hơn;
- Thủy điện 29.346 MW (19,5%), có thể phát triển
cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép;
- Thủy điện tích năng 2.400 MW (1,6%);
- Pin lưu trữ 300 MW (0,2%); (viii) Điện đồng phát,
sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong
các cơ sở công nghiệp 2.700 MW (1,8%), quy mô có thể tăng thêm phù hợp với khả
năng của các cơ sở công nghiệp;
Cùng với chuyển dịch năng lượng, sẽ thúc đẩy sử dụng
điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy nhanh việc phát triển hệ thống điện
thông minh, có khả năng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ thâm nhập
cao; nâng cấp và xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối ngày càng tiên tiến,
hiện đại.
Với chương trình phát triển nguồn điện đề ra trong
Quy hoạch điện VIII, mức phát thải CO2 của ngành điện năm 2030 đạt
204-254 triệu tấn, 2035 đạt 226-254 triệu tấn và đến năm 2050 sẽ ở mức 27-31
triệu tấn, góp phần tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.