Công văn 806/BHXH-CĐCS thực hiện chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, phường, thị trấn do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 806/BHXH-CĐCS
Ngày ban hành 14/07/1998
Ngày có hiệu lực 14/07/1998
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Huy Ban
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 806/BHXH-CĐCS
Về việc thực hiện chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, phường, thị trấn

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 1998

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/05/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành Nghị định số 09/1998/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/07/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ xã); Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã như sau:

I. VIỆC XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Đối tượng thực hiện chế độ trợ cấp Bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 3 - Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và được cụ thể hóa tại điểm 1 mục I Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT, bao gồm:

1. Bí thư Đảng ủy xã (nếu nơi chưa có Đảng ủy xã thì Bí thư chi bộ xã);

2. Phó Bí thư Đảng ủy xã (nếu nơi chưa có Đảng ủy xã thì phó Bí thư chi bộ xã); Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã;

3. Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó chủ tịch UBND xã, Thường trực Đảng ủy xã (nơi Bí thư hoặc Phó Bí thư kiêm chức danh Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch HĐND và UBND), Chủ tịch Mặt trận tổ quốc, Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ, Hội trưởng Hội nông dân, Hội trưởng Hội cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, xã đội trưởng, trưởng công an xã;

4. Ủy viên UBND xã;

5. Các chức danh khác thuộc UBND xã;

6. Bốn chức danh chuyên môn gồm: Địa chính, Tư pháp - Hộ tịch, Tài chính - Kế toán, Văn phòng UBND - Thống kê tổng hợp.

Những cán bộ xã nói trên tính đến 01/01/1998 còn đang làm việc và được hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP.

Số lượng cán bộ ở mỗi xã do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định, tối đa không quá 25 người (kể từ cán bộ trong biên chế Nhà nước đang tăng cường cho xã).

Trường hợp những người thuộc biên chế Nhà nước tăng cường cho xã mà giữ các chức danh nêu trên thì hưởng mọi chế độ, chính sách như đối với công chức Nhà nước mà không thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội như cán bộ xã.

Đối với những người là công nhân viên chức Nhà nước, quân nhân trong các lực lượng vũ trang đã nghỉ việc, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng nếu tham gia công tác ở xã thuộc các chức danh nêu trên và hưởng sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP cũng không thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã.

II. VIỆC ĐĂNG KÝ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Tiếp nhận danh sách đối tượng

Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã (gọi chung là huyện) tiếp nhận danh sách cán bộ xã do Chủ tịch UBND xã lập, được Phòng Tổ chức - Lao động thương binh - xã hội huyện duyệt, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh quyết định, để làm căn cứ xác định đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội (theo mẫu số 1 đính kèm). Từ nay về sau nếu có điều chỉnh danh sách đối tượng thì cũng thực hiện theo trình tự này.

2. Cấp, ghi sổ bảo hiểm xã hội và quản lý bảo hiểm xã hội

Sổ bảo hiểm xã hội cấp cho cán bộ xã theo mẫu sổ bảo hiểm xã hội được Bộ LĐTB&XH ban hành kèm theo Quyết định số 1443/LĐTB&XH ngày 09/10/1995. Việc cấp, quản lý sổ và ghi sổ bảo hiểm xã hội thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/LĐTBXH-TT ngày 26/04/1996 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Quy định kèm theo Quyết định số 113/BHXH/QĐ ngày 22/06/1996 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Căn cứ vào danh sách đối tượng cán bộ xã do Chủ tịch UBND xã lập theo mẫu số 1 nói trên và tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội huyện soát xét và đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xét duyệt, cấp sổ bảo hiểm xã hội cho từng cán bộ xã. Để phù hợp với đặc điểm của cán bộ xã, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thêm cách ghi một số tiêu thức ở tờ khai cấp sổ Bảo hiểm xã hội và ở sổ bảo hiểm xã hội như sau:

2.1. Tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội: Do cán bộ xã kê khai 3 bản:

- Cột 6: Ghi mức sinh hoạt phí của cán bộ xã.

- Phần xét duyệt duyệt của thủ trưởng đơn vị trong mẫu tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội: Đối với Bí thư Đảng và Phó Bí thư hoặc Thường trực Đảng ủy xã do Bí thư huyện ủy xét duyệt, ký, đóng dấu, các chức danh còn lại của cán bộ xã do Chủ tịch UBND huyện xét duyệt, ký, đóng dấu xác nhận quá trình tham gia công tác tại xã, phường, thị trấn.

2.2. Sổ bảo hiểm xã hội: Trang 4 và 5 ghi quá trình làm việc tại xã trước ngày 01/01/1998, do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xét duyệt và ký đóng dấu.

Từ trang 6 và 7 trở đi ghi quá trình nộp bảo hiểm xã hội từ 01/01/1998 trở đi:

- Cột 4: Ghi mức sinh hoạt phí.

- Cột 5: Ghi mức phụ cấp tái cử (nếu có).

- Cột 6: Ghi đóng 10%

- Cột 7: Ghi đóng 5% của cán bộ xã.

[...]