Công văn 7497/BCT-ĐB năm 2023 về chuẩn bị nội dung Chủ tịch nước tham dự Đối thoại giữa các Lãnh đạo APEC và ABAC do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 7497/BCT-ĐB
Ngày ban hành 27/10/2023
Ngày có hiệu lực 27/10/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Phạm Quỳnh Mai
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7497/BCT-ĐB
V/v chuẩn bị nội dung Chủ tịch nước tham dự Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo APEC và ABAC.

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2023

 

Kính gửi: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Trả lời công văn số 2170/LĐTM-QHQT ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc chuẩn bị nội dung Chủ tịch nước tham dự Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC), Bộ Công Thương - trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phụ trách - cung cấp thông tin như sau:

1. Hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)

Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 (tháng 11 năm 2016) tại Peru, APEC đã thông qua Nghiên cứu chiến lược chung về Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và Tuyên bố Lima về FTAAP, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu đóng góp của các FTAs trong khu vực đối với việc hình thành FTAAP, nhấn mạnh APEC cần tiếp tục vai trò “ươm mầm” và củng cố các sáng kiến hỗ trợ việc hình thành FTAAP trong tương lai, trong đó chú trọng quá trình xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển. Năm 2022, Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC cũng thông qua chương trình làm việc (work plan) về FTAAP. Năm nay, với mục tiêu xây dựng mô hình mới và tiêu chuẩn cao về hợp tác kinh tế khu vực, Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác FTAAP trong các nội dung ưu tiên của năm APEC 2023. Hoa Kỳ đề nghị tiếp tục thực hiện các hoạt động sẻ kinh nghiệm đàm phán và thực thi các FTA đã có trong khu vực.

Là nền kinh tế APEC đã tham gia 2 trong 3 pathways[1] hướng tới hiện thực hóa FTAAP, Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của các thành viên APEC trong việc thảo luận, thực thi các chương trình làm việc về FTAAP trong thời gian qua. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin trong APEC để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển thúc đẩy hợp tác và thu hẹp khoảng cách hướng tới hiện thực hóa FTAAP trong tương lai.

2. Về hệ thống thương mại đa phương

ABAC kêu gọi APEC dẫn dắt các tiến triển tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông qua các sáng kiến đa phương mở, bao gồm các kết quả tham vọng về thương mại điện tử và đạt được tính bền vững; thỏa thuận tạm dừng vĩnh viễn thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử; khôi phục Cơ quan phúc thẩm và những cải cách cần thiết trong giải quyết tranh chấp, trợ cấp nông nghiệp và thủy sản.

Liên quan đến hệ thống thương mại đa phương (MTS), Bộ Công Thương cho rằng trong bối cảnh nhiều cơ chế hợp tác song phương và khu vực mới ra đời cùng với sự biến động địa chính trị trên thế giới hiện nay, WTO vẫn là diễn đàn đa phương hiệu quả nhất để duy trì sự ổn định và bình đẳng trong thương mại quốc tế, tạo nền tảng và động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững trên toàn cầu. Việt Nam luôn ủng hộ các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ. Trên cơ sở đó, ta luôn sẵn sàng phối hợp với các thành viên WTO trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong cơ chế hợp tác và kêu gọi các thành viên WTO tiếp tục đẩy nhanh việc thảo luận để đạt được đồng thuận chung.

3. Về chuyển đổi số nền kinh tế

ABAC cho rằng APEC cần tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế số thông qua việc xây dựng Lộ trình và Kế hoạch triển khai thương mại phi giấy tờ xuyên biên giới, thúc đẩy khả năng tương tác của các quy định và chính sách số, cải thiện và mở rộng việc áp dụng hệ thống Quy tắc bảo mật xuyên biên giới tự nguyện, thống nhất các nguyên tắc chung cho nhận dạng số, áp dụng các cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới và tạo dựng niềm tin thông qua môi trường thuận lợi cho các công nghệ và nền tảng thúc đẩy và bảo vệ thương mại.

Chuyển đổi số có vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong việc hỗ trợ chính phủ, doanh nghiệp và người dân ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và phục hồi kinh tế. Hiện nay Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ Chương trình của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia toàn diện đến 2025, định hướng đến 2030 với sự tham gia tích cực, phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực, việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các công nghệ mới, tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong hệ sinh thái số hóa cần là một trong những nội dung trọng tâm của các thành viên APEC hiện nay.

Kính gửi quý Liên đoàn tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, ĐB.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
THƯƠNG MẠI ĐA BIÊN
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Phạm Quỳnh Mai

 



[1] 3 pathways này là Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP và Pacific Alliance