Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn số 7290/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2009-2010 đối với giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 7290/BGDĐT-GDTX
Ngày ban hành 20/08/2009
Ngày có hiệu lực 20/08/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7290/BGDĐT-GDTX
V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2009-2010 đối với GDTX

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo
- Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng

 

Căn cứ Chỉ thị số 4899/CT-BGDĐT ngày 04/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (GDTX) và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2009-2010 đối với GDTX, cụ thể như sau:

I. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

2. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới trung tâm GDTX theo mô hình lồng ghép nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá, hướng nghiệp và dạy nghề; tiếp tục phát triển số lượng đi đôi với việc tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

3. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông; tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cho các cơ sở GDTX.

4. Đa dạng hoá nội dung, chương trình và hình thức học tập GDTX, nhất là các chương trình phổ biến kiến thức hành dụng, chuyển giao công nghệ, ... đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống cộng đồng.

5. Tăng cường nền nếp, kỉ cương trong quản lý và dạy học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng GDTX.

6. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" theo Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai xây dựng Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020.

7. Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ ngắn hạn, đào tạo tại chức, từ xa; nghiên cứu và triển khai mô hình đào tạo trực tuyến đối với chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ ... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của Ngành

1.1. Chỉ đạo các cơ sở GDTX triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học viên tích cực theo hướng dẫn tại Chỉ thị số 4899/CT-BGDĐT ngày 04/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng những nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp với đặc thù của GDTX.

1.2. Tăng cường các sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các cuộc vận động và phong trào thi đua nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, các môn học.

1.3. Gắn việc thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua với việc nâng cao nhận thức, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học viên tại mỗi cơ sở GDTX; thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; tạo ra sự chuyển biến thực chất, tích cực và rõ nét về chất lượng GDTX.

2. Củng cố, phát triển mạng lưới, mở rộng qui mô GDTX

2.1. Củng cố, phát triển mạng lưới GDTX:

a) Tham mưu với UBND tỉnh, thành phố để tập trung đầu tư củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới trung tâm GDTX cấp huyện theo mô hình lồng ghép nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá, hướng nghiệp và dạy nghề nhằm tận dụng các nguồn lực, phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm; phấn đấu 100% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện đều có trung tâm GDTX;

b) Tiếp tục phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; phấn đấu có 88% số xã, phường, thị trấn xây dựng được trung tâm học tập cộng đồng vào cuối năm học 2009-2010;

c) Chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, đào tạo tại chức, từ xa trên địa bàn; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo tin học, ngoại ngữ ngắn hạn giai đoạn 2011-2015. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, rà soát công tác này tại các địa phương;

d) Tổ chức nghiên cứu và triển khai thí điểm các mô hình đào tạo trực tuyến đối với chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

2.2. Tiếp tục mở rộng qui mô đào tạo các chương trình GDTX:

a) Phối hợp với Chi cục thống kê của địa phương để thống kê chính xác số liệu người mù chữ trong các độ tuổi: 15-25, 26-35 và 36 tuổi trở lên; tích cực vận động đối tượng này ra học lớp xoá mù chữ, nhằm nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35, từng bước mở rộng số người biết chữ ở độ tuổi từ 36 trở lên. Tăng cường phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể tại địa phương để vận động các đối tượng đã được công nhận biết chữ ra học các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nhằm chống tái mù, củng cố vững chắc kết quả chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học;

b) Tích cực tuyên truyền trong cộng đồng để người dân thấy được lợi ích thiết thực từ việc học các chuyên đề của chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống. Tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng của người dân trong cộng đồng, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức các hình thức học tập nhằm đáp ứng yêu cầu đó;

c) Huy động tối đa các đối tượng trong độ tuổi phổ cập ra học các lớp bổ túc THCS, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS ở những nơi chưa được công nhận đạt chuẩn; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục THCS ở những địa phương đã đạt chuẩn;

d) Tiếp tục phát triển quy mô các lớp bổ túc THPT nhằm tạo cơ hội học tập cho mọi tầng lớp nhân dân; hướng dẫn và khuyến khích các trung tâm GDTX phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tổ chức dạy BTVH kết hợp với dạy nghề, nhằm tạo điều kiện cho người học có khả năng tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp bổ túc THPT;

đ) Chủ động phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác có liên quan để mở các lớp bổ túc THPT cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn;

[...]