Công văn 717/VPCP-TH năm 2021 về gửi báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 717/VPCP-TH
Ngày ban hành 28/01/2021
Ngày có hiệu lực 28/01/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 717/VPCP-TH
V/v gửi BC kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của CP năm 2020

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin gửi Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 (Báo cáo được gửi kèm theo).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai các nhiệm vụ phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký của TTg, các PTTg; các Vụ: KTTH, CN, NN, KGVX, ĐMDN, PL, QHQT, NC, TKBT, TCCV, TCCB, V.I, QHĐP; cục, đơn vị: KSTT, TTĐT;
- Lưu: Văn thư, TH (2b) VH.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BC-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2021

 

BÁO CÁO

KIỂM ĐIỂM CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NĂM 2020; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2021

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và đề ra phương hướng chỉ đạo, điều hành năm 2021. Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025 (Báo cáo số 555/BC-CP ngày 19/10/2020). Báo cáo này tập trung kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020 với các nội dung chính sau đây:

I. BỐI CẢNH VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ

Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020 và là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV. Tiếp tục quán triệt phương châm xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”; ngay từ đầu năm Chính phủ đã đề ra phương châm của năm 2020 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 138 nhiệm vụ cụ thể phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020; 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020. Chính phủ đã xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, của Quốc hội và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, có đối sách, giải pháp phù hợp, kịp thời.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện, sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dần và rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng nên cũng đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở đất... xảy ra phức tạp, bất thường đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân tại nhiều địa phương. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành thống nhất tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm ổn định, an toàn xã hội; đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới”.

II. VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ

1. Về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Phát huy vai trò, trí tuệ tập thể gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, duy trì sự thống nhất, đoàn kết, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ động, trách nhiệm trong giải quyết công việc theo đúng phạm vi thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nắm chắc tình hình, chủ động, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo trong điều hành, vừa kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Tích cực đổi mới, hiện đại hóa phương thức làm việc; thực hiện nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng vượt qua khó khăn, thách thức, ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh và phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Về thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ:

Chính phủ và từng thành viên Chính phủ giải quyết công việc theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể. Từng thành viên Chính phủ tham gia có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, đề xuất, thảo luận, cho ý kiến và cùng tập thể quyết định các cơ chế, chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định gắn với tăng cường trách nhiệm tham gia công việc chung của Chính phủ với tư cách thành viên Chính phủ. Đề cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động quản lý, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; chủ động nắm bắt thông tin dư luận xã hội quan tâm, kịp thời chỉ đạo xác minh, xử lý nhiều sự việc nổi cộm1; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thể hiện rõ tinh thần cầu thị, phục vụ người dân, doanh nghiệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 đã đề ra.

Việc xây dựng và thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chương trình công tác được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và yêu cầu quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các đề án trong Chương trình công tác tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ trên cơ sở báo cáo của Tổ công tác, bảo đảm tiến độ và chất lượng của đề án. Năm 2020, các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua 519/543 đề án, đạt tỷ lệ 95,6%; 24 đề án chưa trình (chiếm 4,4%, giảm 3,8% so với năm 2019).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định việc nắm chắc tình hình thực tiễn, sâu sát cơ sở là một trong những phương thức chỉ đạo, điều hành quan trọng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện hơn 132 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở; trực tiếp thị sát tình hình để chỉ đạo, xử lý hơn 400 kiến nghị của địa phương. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 10 hội nghị trực tuyến toàn quốc và 21 hội nghị trực tuyến chuyên đề với bộ, ngành, địa phương; hơn 800 cuộc họp khác để trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo xử lý; xem xét, xử lý hơn 13.346 phiếu trình giải quyết công việc; ban hành 159 Nghị định, 239 Nghị quyết, 42 Quyết định quy phạm pháp luật, 2.400 quyết định cá biệt, 47 chỉ thị và hơn 3.107 văn bản điều hành khác để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cụ thể theo thẩm quyền.

III. MỘT SỐ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TRỌNG TÂM, NỔI BẬT CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm điều hành từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là sự chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đất nước ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai toàn diện trên các lĩnh vực công tác, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, thể hiện qua những chỉ đạo, điều hành nổi bật sau đây:

1. Chủ động, quyết liệt, kịp thời ứng phó, xử lý và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong mọi tình huống.

Ngay từ khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo theo dõi, đánh giá đúng tình hình, ứng phó kịp thời, coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi-rút SARS-CoV-2. Chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch, nhất là lúc cao điểm, Ban Chỉ đạo Quốc gia thường xuyên họp, Thường trực Chính phủ họp hai đến ba lần/tuần, Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ, kịp thời đề ra các giải pháp kiên quyết, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ ban hành 07 chỉ thị, 05 công điện và 34 kết luận chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình và thực lực đất nước; áp dụng các biện pháp ở mức cao và sớm hơn so với khuyến cáo của WHO ngay từ giai đoạn đầu của dịch; xây dựng các kịch bản ứng phó; thực hiện cách ly tập trung, kiểm soát dịch xâm nhập từ các tuyến biên giới; thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, kịp thời với chiến thuật truy vết nhanh các trường hợp có nguy cơ2; giãn cách xã hội quyết liệt ở phạm vi, quy mô phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, tự chủ trong sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế, sớm phân lập vi-rút, chế tạo KIT thử, xây dựng, hoàn thiện phác đồ điều trị, kết nối lực lượng chuyên môn, kỹ thuật cao để hỗ trợ điều trị thành công các bệnh nhân nhiễm Covid-19, nghiên cứu độc lập và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19.

Các bộ, ngành và các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và phối hợp khá chặt chẽ, hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của địa phương, cơ sở, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát trong cộng đồng. Công tác phòng, chống dịch đã huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, tạo sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, quyết tâm phòng, chống đại dịch Covid-19 với sự tham gia tích cực, chủ động của các lực lượng từ Trung ương đến cơ sở, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân. Các phóng viên, nhà báo đã tích cực thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, công khai và minh bạch về các biện pháp ứng phó trước tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt, sự cống hiến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an ngày đêm trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, nước ta đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Thắng lợi đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là một minh chứng khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, lòng yêu nước và ý chí kiên cường của nhân dân ta, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, dân tộc ta, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Hỗ trợ, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, với tinh thần nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều giải pháp, chính sách tài khóa, tín dụng vượt trội, chưa từng có tiền lệ như: giãn, hoãn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm các mức lãi suất điều hành; miễn, giảm phí thanh toán; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất3... Để triển khai ngay Kết luận số 77-KL/TW ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ ban hành 04 nghị quyết, nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định và 01 chỉ thị, trong đó có các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tập trung vào các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, hỗ trợ thêm cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo4. Chủ động theo dõi, đánh giá việc thực hiện chính sách và kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận chính sách5. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cụ thể hóa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cấp bách theo thẩm quyền và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách. Huy động sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ giảm giá điện, giá nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp.

[...]