Công văn 708/TCHQ-PC vướng mắc khi thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 138/2004/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 708/TCHQ-PC
Ngày ban hành 23/02/2006
Ngày có hiệu lực 23/02/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Đặng Thị Bình An
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 708/TCHQ-PC
V/v Vướng mắc khi thực hiện PLXLVPHC và NĐ 138/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2006

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Vừa qua, Tổng cục Hải quan nhận được báo cáo của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004. Để thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề này, trên cơ sở trao đổi ý kiến với Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:

1/ Đối với những trường hợp một người thực hiện một hành vi vi phạm trên các tờ khai mở cùng một ngày, bị phát hiện lập biên bản cùng một lúc; qua kiểm tra sau thông quan phát hiện người khai hải quan có cùng hành vi vi phạm tại một số tờ khai đăng ký tại các thời điểm khác nhau; trong quá trình thanh khoản hàng gia công, người có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản cùng một lúc đối với cùng hành vi vi phạm trong nhiều hợp đồng gia công hoặc nhiều tờ khai hải quan:

Những trường hợp này chỉ ra quyết định xử phạt một lần đối với một hành vi vi phạm; đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực” đối với vi phạm đó theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2/ Trường hợp một người thực hiện cùng một lỗi vi phạm trên nhiều tờ khai, lô hàng (hợp đồng), bị phát hiện và lập biên bản ở những thời điểm khác nhau thì thực hiện việc ra quyết định xử phạt đối với từng hành vi vi phạm đã được ghi nhận trong từng biên bản. Tuỳ tính chất, mức độ vi phạm có thể áp dụng tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần (trong cùng lĩnh vực) đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Việc ra quyết định xử phạt phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chínhĐiều 21 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003.

3/ Trường hợp một người đã bị xử phạt về một lỗi vi phạm, nhưng sau đó tiếp tục thực hiện cùng lỗi vi phạm (cùng một hành vi vi phạm) ở lô hàng khác: đối với trường hợp này thì tiếp tục thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm mới xảy ra và áp dung tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003.

4/ Trường hợp nhập khẩu hàng theo loại hình kinh doanh, có hành vi không khai (hoặc khai sai tên hàng) mà tang vật vi phạm thuộc loại cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện, nhưng không đủ điều kiện để nhập khẩu thì chỉ ra quyết định xử phạt đối với hành vi nhập khẩu hàng cấm hoặc nhập khẩu hàng có điều kiện nhưng không đủ điều kiện để nhập khẩu.

5/ Trong trường hợp doanh nghiệp đã bị xử phạt về hành vi vi phạm thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công, nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm thời hạn làm thủ tục giải quyết số nguyên vật liệu dư của hợp đồng này thì tiếp tục thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm thời hạn làm thủ tục giải quyết số nguyên vật liệu dư với tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003.

6/ Trường hợp một hành vi vi phạm được quy định chế tài xử phạt ở hai Nghị định về xử phạt vi phạm trong hai lĩnh vực khác nhau thì căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng văn bản xử phạt.

8/ Về phí lưu kho, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu: chỉ phí lưu kho, phí bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc quyết định tịch thu tang vật, phương tiện mới được trừ vào tiền bán tang vật, phuơng tiện vi phạm./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT(1), PC(1)

KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Thị Bình An