Công văn 6548/BNN-QLCL năm 2018 về xây dựng, phê duyệt Đề án khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 6548/BNN-QLCL |
Ngày ban hành | 23/08/2018 |
Ngày có hiệu lực | 23/08/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Vũ Văn Tám |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6548/BNN-QLCL |
Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2018 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.
Ngày 06/3/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2082/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về cơ chế quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cá nóc để xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu cá nóc, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Đề án và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án. Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về việc lập, thẩm định, phê duyệt và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án khai thác, thu mua chế biến xuất khẩu cá nóc theo các nội dung tại phụ lục kèm theo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương biết, thực hiện khi có nhu cầu và thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi phê duyệt Đề án./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
KHAI THÁC, THU MUA CHẾ BIẾN XUẤT KHẨU CÁ NÓC
(Ban hành kèm theo Công văn số: 6548/BNN-QLCL ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. VỀ LẬP ĐỀ ÁN:
Doanh nghiệp có nhu cầu thu mua chế biến, xuất khẩu cá nóc cần chủ động đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Đề án trình UBND tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt.
Do cá nóc là sản phẩm đặc thù cần kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn thực phẩm nên Đề án ngoài các nội dung theo các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng, phê duyệt Đề án cần thể hiện rõ một số nội dung đặc thù cụ thể như sau:
1. Thuyết minh sự cần thiết của Đề án: nêu rõ tính cần thiết về việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu Đề án: nêu rõ mục tiêu cụ thể của Đề án và chỉ tiêu về sản lượng khai thác, sản xuất, xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu; xác định thị trường mục tiêu và đánh giá cụ thể nhu cầu của thị trường.
3. Phạm vi Đề án: tổ chức khai thác, thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến cá nóc chỉ sử dụng mục đích xuất khẩu, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa.
4. Nhiệm vụ và các giải pháp: cần đảm bảo các nội dung:
a) Về tổ chức quản lý:
- Thành lập Ban chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện Đề án của địa phương, trong đó một Lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh - Phó Ban thường trực. Trường hợp lập tổ công tác liên ngành thì do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm tổ trưởng;
- UBND tỉnh ban hành quy chế triển khai Đề án thực hiện phân công rõ các đơn vị liên quan;
- Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá nóc trên địa bàn tỉnh cần có các phương án cụ thể, cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý, có phương án xử lý, tiêu hủy các phụ phẩm cá nóc nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
b) Về tuyên truyền, đào tạo tập huấn:
- Đối với người dân: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi người dân trên địa bàn về cách nhận biết cá nóc độc và không độc; tuyệt đối không được phơi khô cá nóc lẫn cá thường, không dùng cá nóc làm nguyên liệu ruốc, nước mắm, chả cá để bán và sử dụng, không chế biến, ăn cá nóc; tuân thủ các quy định hiện hành về ngăn chặn ngộ độc cá nóc.
- Đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá nóc: Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức đào tạo đội ngũ người lao động trực tiếp đánh bắt, dịch vụ hậu cần thu gom và chế biến cá nóc xuất khẩu về các kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là cách phân loại, nhận biết cá nóc độc và không độc, cá nóc không bảo đảm an toàn thực phẩm để chế biến, xuất khẩu.
c) Về quản lý khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá nóc
- Tổ chức khai thác cá nóc: Điều kiện bắt buộc với các tàu cá như sau:
+ Tàu cá phải được cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp mã số tham gia chuỗi cá nóc xuất khẩu.
+ Tàu cá (chủ tàu và người lao động) phải là những đối tượng đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc trên tàu.
+ Tàu cá khai thác cá nóc chỉ được cập cảng để bốc dỡ cá nóc tại các cảng cá, bến cá đã được Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh chỉ định và thông báo trước về thời gian dự kiến cập cảng để cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, cấp giấy xác nhận cho từng lô cá nóc (bao gồm các thông tin về tên chủ tàu, mã số tàu, ngày giờ cập cảng/bến đậu, chủng loại và khối lượng cá nóc khai thác, tình trạng bảo quản).
- Tổ chức hoạt động thu mua cá nóc: