Công văn 645/TCT-CS về khấu trừ tiền lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội để thực hiện trả nợ thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 645/TCT-CS |
Ngày ban hành | 25/02/2011 |
Ngày có hiệu lực | 25/02/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Vũ Thị Mai |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 645/TCT-CS |
Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2011 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trả lời công văn số 5269/BHXH-BC ngày 1/12/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khấu trừ lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội để thực hiện trả nợ thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về thành phần hồ sơ:
Cơ quan thuế gửi đến BHXH quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần thu nhập và tiền lương - mẫu số 02/QĐ-CCNT Ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-TCT ngày 11/5/2009 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế để làm căn cứ thực hiện khấu trừ.
2. Về việc gửi hồ sơ của cơ quan thuế đến cơ quan BHXH:
Để thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện khấu trừ, cơ quan thuế thống nhất gửi hồ sơ về BHXH cấp huyện (quận) nơi đối tượng đang trực tiếp nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
3. Về chi phí liên quan đến việc khấu trừ lương hưu và trợ cấp BHXH để thực hiện trả nợ thuế:
- Tại điều 98, Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 10 quy định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập:
“1. Biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập được áp dụng đối với người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đang làm việc theo biên chế hoặc hợp đồng từ sáu tháng trở lên hoặc đang được hưởng trợ cấp hưu trí, mất sức.
2. Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, trợ cấp hằng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.
3. Cơ quan, tổ chức sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có các trách nhiệm sau đây:
a) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và chuyển số tiền đã khấu trừ vào tài khoản ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, kể từ kỳ trả tiền lương hoặc thu nhập gần nhất cho đến khi khấu trừ đủ số tiền thuế, tiền phạt theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đồng thời thông báo cho người ra quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết;
b) Trong trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền thuế, số tiền phạt theo quyết định cưỡng chế mà hợp đồng lao động của đối tượng bị cưỡng chế chấm dứt, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động phải thông báo cho người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế biết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Cơ quan, tổ chức sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Chương XII của Luật này”.
- Tại điểm 3, Mục VI, Phần B, Thông tư số 157/2007/TT-BTC ngày 24/12/2007 về chi phí liên quan đến việc khấu trừ tiền lương hưu và trợ cấp BHXH để thực hiện trả nợ thuế quy định:
“Chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế chịu và được lập dự toán đồng thời với việc ban hành quyết định cưỡng chế và được quyết toán khi kết thúc vụ việc cưỡng chế. Trường hợp chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế phải chịu nhưng cơ quan thuế chưa thu được, cơ quan thuế được phép tạm ứng từ nguồn kinh phí hoạt động của ngành thuế và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hành chính. Mức tạm ứng không quá ba mươi (30) triệu đồng. Đối với những vụ việc có mức chi phí cưỡng chế lớn, số tiền được phép tạm ứng sử dụng không đủ thì cơ quan thuế báo cáo cơ quan cấp trên để xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì việc khấu trừ tiền lương hưu và trợ cấp BHXH để thực hiện trả nợ thuế là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; các khoản chi phí liên quan đến việc khấu trừ tiền lương hưu và trợ cấp BHXH để thực hiện trả nợ thuế do đối tượng nợ thuế chi trả. Trường hợp đối tượng nợ thuế chưa chi trả được thì cơ quan thuế được phép tạm ứng từ nguồn kinh phí hoạt động của ngành và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của đối tượng nợ thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Bảo hiểm xã hội Việt Nam được biết./.
Nơi nhận: |
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |