Công văn 6248/VPCP-KGVX về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 6248/VPCP-KGVX |
Ngày ban hành | 31/07/2020 |
Ngày có hiệu lực | 31/07/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Thành |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6248/VPCP-KGVX |
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ; |
Những tháng đầu năm 2020, cùng với những diễn biến nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19, tình hình HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã đạt được những kết quả quan trọng: các lực lượng chức năng đã phối hợp, khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển ma túy lớn, từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số “điểm nóng” về ma túy; công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; đã triển khai có hiệu quả Tháng hành động phòng, chống ma túy với chủ đề “Phát huy tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy”, Tháng hành động quốc gia phòng lây truyền HTV từ mẹ sang con...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm còn một số tồn tại, hạn chế: chưa ngăn chặn thực sự hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm về ma túy giữa các lực lượng chức năng còn chưa thống nhất, đồng bộ; công tác tuyên truyền tuy đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức song vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu; một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về tác hại của ma túy tổng hợp, coi đó là loại ma túy không gây nghiện và thiếu kỹ năng phòng tránh dẫn đến gia tăng số người sử dụng loại ma túy này; số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy tăng, không đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; mức độ giảm của dịch HIV/AIDS chưa nhiều, không ổn định và các yếu tố nguy cơ lây nhiễm diễn biến phức tạp; kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm còn hạn chế; nhân lực cho công tác này còn thiếu hụt, biến động1...
Năm 2020 là năm cuối thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án trong lĩnh vực phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung triển khai Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia (ban hành kèm theo công văn số 2420/VPCP-KGVX ngày 28 tháng 3 năm 2020) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 625/TTg-KGVX ngày 27 tháng 5 năm 2020. Bên cạnh đó, cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ sau:
1. Về công tác tuyên truyền:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm.
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tập trung tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống HTV/AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, các biện pháp, hình thức cai nghiện và phòng, chống tái nghiện; tuyên truyền kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án2.
2. Về phòng, chống HIV/AIDS:
- Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, trình Chính phủ, Quốc hội; hoàn thiện Dự thảo Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; xem xét triển khai thí điểm điều trị nghiện bằng Buprenorphine.
- Tiếp tục mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên.
- Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và kỷ niệm ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS.
3. Về phòng, chống ma túy:
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy; ban hành quy định xác định rõ trách nhiệm của chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn quản lý.
- Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xác định tình trạng nghiện theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa tái nghiện sau cai; kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai; đa dạng hóa, từng bước xã hội hóa các hình thức cai nghiện ma túy, cung cấp các dịch vụ điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp; tăng cường tập huấn, cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia công tác cai nghiện ma túy từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; hướng dẫn cụ thể về địa điểm quản lý và người quản lý trong thời gian theo dõi xác định tình trạng nghiện.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, bổ sung nội dung giáo trình, bài giảng về tác hại của ma túy, giáo dục phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy vào chương trình giảng dạy ở các cấp học.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan báo cáo các cấp có thẩm quyền tăng cường kinh phí cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và cộng tác cai nghiện ma túy; đầu tư trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác giám định ma túy tổng hợp cho Công an các địa phương để phục vụ kịp thời công tác điều tra xử lý tội phạm về ma túy.
4. Về phòng, chống mại dâm:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2020 - 2025 (số 274/CTr-PHCT ngày 14 tháng 7 năm 2020); phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn việc tạm hoãn chấp hành Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đưa học viên ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc để chữa bệnh.
6. Ủy ban Quốc gia tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra các địa phương theo chương trình công tác để đôn đốc, trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị đánh giá, tổng kết 20 năm thành lập Ủy ban Quốc gia./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
1 Toàn quốc hiện có 234.620 người nghiện có hồ sơ quản lý, phần lớn sinh sống tại cộng đồng. Tỷ lệ sử dụng MTTH chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện, về tội phạm ma túy, so với 6 tháng đầu năm 2019 giảm 1.934 vụ = 15%, 4.674 đối tượng = 24%; tang vật thu giữ: tăng 2.906 kg heroin = 430%, giảm 2.758 kg MTTH = 60% và giảm 204 kg cần sa = 64%.
Tính đến 31/3/2020, cả nước có 212.981 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.848 người nhiễm HIV đã tử vong. 3 tháng đầu năm 2020, phát hiện mới 2.671 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 440 trường hợp. Đường lây chủ yếu là QHTD không an toàn (74,3%) và qua đường máu (10,8%), mẹ sang con 1,5%.