Kính gửi: Các
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban
hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ
khách hàng gặp khó khăn. Thông tư 02/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 24/04/2023.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước có nhận được một số ý kiến
của TCTD đề nghị được giải đáp, hướng dẫn rõ hơn về cách hiểu tại Thông tư
02/2023/TT-NHNN.
Để đảm bảo việc thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN
thống nhất trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến giải đáp về các vấn đề TCTD được kiến nghị.
Văn bản được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban lãnh đạo NHNN (để b/c);
- NHNN CN tỉnh, TP (để t/hiện);
- Vụ Truyền thông (để t/hiện);
- Vụ CSTT, PC, CQTTGSNH (để p/hợp);
- Lưu: VP, TDCNKT, TD6 (02b).ĐTNga.
|
TL. THỐNG ĐỐC
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ TÍN DỤNG CNKT
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Phạm Thị Thanh Tùng
|
BẢN GIẢI ĐÁP, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 02/2023/TT-NHNN NGÀY
23/4/2023 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH
NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI CƠ CẤU LẠI THỜI HẠN TRẢ NỢ VÀ GIỮ NGUYÊN NHÓM NỢ NHẰM HỖ
TRỢ KHÁCH HÀNG GẶP KHÓ KHĂN
(Đính
kèm Công văn số: 6248 /NHNN-TD ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam)
I. Về điều kiện
cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Câu 1.Theo quy định tại Điều 4 Thông tư
02/2023/TT-NHNN, số dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên
nhóm nợ được hiểu là phải đáp ứng điều kiện phát sinh từ “dư nợ gốc phát
sinh trước ngày 24/4/2023 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính”? Đề
nghị NHNN hướng dẫn điều kiện dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trả lời:
Điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN
(sau đây là Thông tư 02) quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây
là TCTD) được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc
và/hoặc lãi của khoản nợ đáp ứng các quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 4
Thông tư 02. Theo đó, số dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ
lãi phát sinh từ “dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và
từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính” và phát sinh nghĩa vụ trả nợ
trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/06/2024.
Câu 2.Đề nghị NHNN giải
thích “hợp đồng, thỏa thuận”, “ngày đến hạn” quy định tại Điều 4
Thông tư là hợp đồng, thỏa thuận và lịch trả nợ ban đầu khi cấp tín dụng hay hợp
đồng, thỏa thuận và lịch trả nợ đang có hiệu lực tại thời điểm xem xét cơ cấu nợ?
Trả lời:
“Hợp đồng”, “thỏa thuận”,
“ngày đến hạn”quy định tại Điều 4 Thông tư 02là hợp đồng, thỏa thuận,ngày
đến hạn của lịch trả nợ đang có hiệu lực theo hợp đồng, thỏa thuận của TCTD với
khách hàng tại thời điểm xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Câu 3.Tiêu chí “thu nhập”
có áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp không? Tiêu chí “doanh thu, thu
nhập” được hiểu là khoản mục nào trên BCTC? Đề nghị hướng dẫn rõ tiêu chí “doanh
thu, thu nhập”? TCTD khi xem xét cơ cấu nợ theo Thông tư 02 phải căn cứ vào
cả tiêu chí “doanh thu, thu nhập” hay chỉ 01 trong 02 tiêu chí?
Trả lời:
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
có quy định về doanh thu, thu nhập của doanh nghiệp (thu nhập chịu thuế, thu
nhập được miễn thuế, thu nhập tính thuế,…). Do vậy, tiêu chí “thu nhập”
có áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp.
- Tiêu chí “doanh thu, thu nhập”
tại Thông tư 02 là doanh thu, thu nhập của khách hàng đã được TCTD thẩm định
làm cơ sở để xác định kế hoạch trả nợ (lịch trả nợ) gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng,
thỏa thuận của TCTD với khách hàng đang có hiệu lực tại thời điểm xem xét cơ cấu
lại thời hạn trả nợ.
- Khi xem xét cơ cấu lại thời hạn
trả nợ theo Thông tư 02, TCTD căn cứ vào sự sụt giảm doanh thu, thu nhập phù hợp
với doanh thu và/hoặc thu nhập đã được TCTD thẩm định để xác định phương án, kế
hoạch trả nợ (lịch trả nợ) gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận của TCTD với
khách hàng.
Câu 4. Việc cơ cấu lại thời
hạn trả nợ theo Thông tư 02 được áp dụng cho toàn bộ dư nợ gốc của khoản nợ hay
chỉ số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ
ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/06/2024?
Trả lời:
Điều 4 Thông tư 02 quy định TCTD
được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc
lãi phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian quy định tại khoản 2 Điều
4 Thông tư 02.
Câu 5. Theo quy định tại
khoản 3 Điều 4 Thông tư 02, TCTD chỉ cần xác định ngày quá hạn của khoản vay tại
TCTD mà không cần xét đến nhóm nợ hiện tại của khách hàng theo CIC?
Trả lời:
Điều 4 Thông tư 02 quy định TCTDđược
xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi
khi đáp ứng các quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 4 Thông tư 02, trong đó
khoản 3 Điều 4 quy định số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ
còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn
trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận,không xét đến nhóm nợ hiện tại của khách hàng
theo thông tin của CIC.Khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn
trả nợ theo quy định tại Thông tư 02.
Câu 6.Số dư nợ gốc và/hoặc
lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 một hay nhiều lần? Có được
cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 đối với các khoản nợ đã từng được
cơ cấu nợ thông thường hoặc cơ cấu nợ theo Thông tư 01 hay không? Trường hợp
khoản nợ được cơ cấu 02 lần thì nhóm nợ được giữ nguyên là nhóm nợ gần nhất của
lần cơ cấu thứ hai hay lần cơ cấu thứ nhất?
Trả lời:
- Thông tư 02 không có quy định giới
hạn về số lần TCTD được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách
hàng.
- Điều 4 Thông tư 02 quy định
TCTDđược xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc/lãi
đáp ứng được các quy định tại khoản 1 đến khoản 8 Điều 4 Thông tư 02. Do vậy,
các khoản nợ nói chung (bao gồm cả khoản nợ đã từng được cơ cấu nợ thông thường
hoặc cơ cấu nợ theo Thông tư 01) nếu đáp ứng được quy định tại Điều 4 Thông tư
02 thì được TCTD xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư
02.
- Khoản 1 Điều 5 Thông tư 02 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ
đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này như nhóm
nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về
phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp
trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước
khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này.”.
Theo quy định trên, nhóm nợ tại thời
điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư
02 là nhóm nợ đã được điều chỉnh theo thông tin của CIC.
- Điều 3 Thông tư 02 quy định: “... các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ,
trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này
thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”.
Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5
Thông tư 02 quy định về phân loại khoản nợ có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn
trả nợ theo Thông tư 02.
Do vậy, TCTD căn cứ
quy định tại Điều 3 và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 Thông tư 02 để xác định
nhóm nợ của khoản nợ trước khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2
theo Thông tư 02. Nhóm nợ được giữ nguyên khi cơ cấu lại
thời hạn trả nợ lần thứ 2theo Thông tư 02là nhóm nợ
tại thời điểm gần nhất của khoản nợ trước
khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2 theo Thông tư 02.
Câu 7.
Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư 02 được
hiểu là thời gian mỗi lần cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn
của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay tổng thời gian các lần cơ cấu
lại thời hạn trả nợ của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ? Thông tư 02
có cho phép số dư nợ được cơ cấu và kéo dài thời hạn trả nợ trong một khoảng thời
gian mà có thể vượt ngày trả nợ cuối cùng của khoản vay?
Trả lời:
- Theo quy định tại khoản 7 Điều 4
Thông tư 02, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ của mỗi lần cơ cấu nợ không
vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả
nợ.
- Thời hạn trả nợ của số dư nợ sau
khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 có thể vượt quá ngày trả nợ
cuối cùng của khoản nợ khi chưa được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Câu 8. Điều kiện quy định tại
khoản 3 Điều 4 Thông tư 02“số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả
nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán”
được hiểu theo cách nào sau đây:
- Cách hiểu 1: là số dư nợ gốc
và/hoặc lãi mà khách hàng đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không bao gồm phần
dư nợ mà khách không đề nghị Ngân hàng cơ cấu.
- Cách hiểu 2: là toàn bộ số dư nợ
của khoản nợ chứ không phải chỉ tính riêng đối với số dư nợ của các kỳ trả nợ
mà khách hàng đề nghị cơ cấu, nên điều kiện “còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10
(mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán” phải xét đối với toàn bộ dư nợ của
khoản nợ.
Ví dụ:Khách hàng có lịch trả nợ gốc
và lãi định kỳ vào ngày 01 hàng tháng. Tại kỳ trả nợ gốc và lãi 01/5/2023 khách
hàng không trả được nợ và đã bị quá hạn trên 10 ngày. Ngày 18/05/2023 khách
hàng có đề nghị TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các kỳ trả nợ gốc và
lãi của tháng 6, 7, 8 (không bao gồm số dư nợ quá hạn của kỳ 5/2023). Giả sử
các điều kiện khác theo quy định tại Thông tư 02 đều đã thỏa mãn, thì TCTD có
được quyền cơ cấu nợ cho khách hàng đối với các kỳ trả nợ gốc và lãi của tháng
6, 7, 8 hay không, mặc dù tại thời điểm cơ cấu khách hàng vẫn chưa trả được số
dư nợ quá hạn của kỳ 01/05/2023.
Trả lời:
- Điều 4 Thông tư 02 đã quy định
TCTD được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số
dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của
khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và đáp ứng các quy
định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 4 Thông tư 02,trong đó có điều kiện quy định tại
khoản 2 Điều 4 là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời
gian từ ngày Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Do vậy, chỉ có số
dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày
Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024 mới được thực hiện cơ cấu nợ
theo Thông tư 02, không phải toàn bộ dư nợ của khoản nợ.
- Trong ví dụ trên,
TCTD căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 02 để xem xét, quyết định cơ cấu lại
thời hạn trả nợ cho khách hàng đối với các kỳ trả nợ gốc và lãi của tháng 6, 7,
8.
II. Về phân loại
nợ
Câu 9.
Khoản nợ trước khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 đang
phân loại nợ nhóm 2 thì sau khi cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02 được giữ nguyên
nợ nhóm 2. Nếu sau khoảng thời gian thử thách, khoản nợ đáp ứng đủ điều kiện
theo Thông tư 11/2022/TT-NHNN để phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn thì
có được phân loại thành nợ nhóm 1?
Trả lời:
Điều 3 Thông tư 02 quy định: “…các
nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử
dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo
quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.
Thông tư 02 không có quy định về
thời gian thử thách và phân loại nhóm nợ sau thời gian thử thách đối với khoản
nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do vậy, việc phân loại nhóm nợ sau thời
gian thử thách đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư
02, TCTD thực hiện theo quy định của Thống đốc NHNN về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và
các quy định pháp luật có liên quan.
Câu 10.Khoản nợ đồng thời
có số dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và số dư nợ
cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02. Trường hợp, nếu số dư nợ được cơ cấu
lại theo Thông tư 02 bị quá hạn và không được tiếp tục cơ cấu theo Thông tư 02
thì toàn bộ khoản nợ (bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư 01) sẽ được
phân loại nợ theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương
pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong
hoạt động của TCTD. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 01, số dư nợ đã được
cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 vẫn được tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ
đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy, Thông tư 02 có phủ định cơ chế giữ nguyên
nhóm nợ của Thông tư 01 hay không?
Trả lời:
Khoản 1 và khoản 3
Điều 5 Thông tư 02 quy định:
“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu
lại thời hạn trả nợ (sau đây là khoản nợ được cơ cấu lại
thời hạn trả nợ) theo quy định tại Thông tư này
như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương
pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong
hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo
quy định tại Thông tư này.
3. Trường hợp khoản
nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại
khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định
tại Thông tư này, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực
hiện phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân
loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng
dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.”.
Căn cứ quy định tại
khoản 1 Điều 5 Thông tư 02, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ
theo quy định tại Thông tư 02(bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu
theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN).
Trường hợp khoản
nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ
nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02 quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại
mà không được TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông
tư 02 thì TCTD phải thực hiện phân loại khoản nợ theo quy định tại khoản 3 Điều
5 Thông tư 02 (bao gồm cả phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông
tư 01/2020/TT-NHNN), tức là phải thực hiện phân loại nợ theo quy
định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân
loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng
dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.
Câu 11.Nếu
khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư
02: Trong thời gian hiệu lực của Thông tư 02 không phát sinh quá hạn thì có
tính số lần cơ cấu theo Thông tư 02 khi phân loại nợ cho khách hàng theo Thông
tư 11 hay không? Trường hợp Thông tư 02 hết hiệu lực mà khoản nợ bị quá hạn thì
có bị tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi phân loại nợ theo Thông tư 11
không?Đề nghị NHNN hướng dẫn cách xác định số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trả lời:
- Theo quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều 5 Thông tư 02, khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ
và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02 còn trong hạn theo thời hạn
cơ cấu lại, TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào
nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.Do vậy, không áp dụng tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ để
phân loại nhóm nợ đối với khoản nợ đang trong thời hạn được cơ cấu nợ theo
Thông tư 02.
- Theo quy định tại điểm b khoản 1
Điều 6 Thông tư 02, TCTD phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy
định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
(không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Điều 5 Thông tư
02). Do vậy, TCTD phải tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ để xác định nhóm
nợ thực sự của khoản nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc
sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ
sung (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 02) và thực hiện trích lập dự
phòng cụ thể bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Thông tư 02.
- Căn cứ quy định tại
khoản 3 Điều 5 Thông tư 02, trường hợp khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả
nợ và giữ nguyên nhóm nợ quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được TCTD tiếp
tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 02, thì TCTD phải thực
hiện phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân
loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng
dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Nguyên tắc xác định
số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập
dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được trả lời tại câu số 29 của
bản trả lời giải đáp đính kèm Công văn số 2156/NHNN-TTGSNH ngày 12/4/2021của
NHNN, cụ thể như sau:
“Khoản 1 Điều 10
Thông tư 11 quy định việc phân loại đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn
trả nợ trong suốt thời gian tồn tại của khoản nợ, trong đó căn cứ vào số lần cơ
cấu lại thời hạn trả nợ của từng khoản nợ (không phụ thuộc vào khoản nợ đã vượt
qua thời gian thử thách hay chưa) để phân loại đối với các khoản nợ được cơ cấu
lại thời hạn trả nợ.”.
Câu 12: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư 02, khoản nợ sau khi
được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh,
phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Như vậy có áp dụng việc điều
chỉnh nhóm nợ theo danh sách do CIC cung cấp không?
Trong trường hợp
khách hàng có 02 khoản nợ: 01 khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 02 và 01 khoản
nợ không được cơ cấu, thì nguyên tắc áp dụng việc điều chỉnh nhóm nợ theo danh
sách do CIC cung cấp như thế nào (khoản nợ không được cơ cấu có phải điều chỉnh
theo nhóm nợ do CIC cung cấp không)?
Trả lời:
- Khoản 2 Điều 5
Thông tư 02 quy định, khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên
nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, không phải áp dụng quy định điều
chỉnh nhóm nợ theo danh sách do CIC cung cấp.
- Trường hợp khách
hàng có 02 khoản nợ: 01 khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư
02 và 01 khoản nợ không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02:
Theo quy định tại Điều
3 và khoản 2 Điều 5 Thông tư 02 thì:
+ Khoản nợ được cơ cấu
lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 không phải áp dụng quy định điều chỉnh
nhóm nợ theo danh sách do CIC cung cấp.
+ Khoản nợ không được
cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 phải áp dụng quy định điều chỉnh
nhóm nợ theo danh sách do CIC cung cấp.
Câu 13. Đề nghị NHNN làm rõ về phân loại khoản nợ được cơ cấu nợ theo Thông tư
02 quá hạn và không được tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trả lời:
Trường hợp này, TCTD
thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 02, cụ thể:“Trường hợp
khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định
tại khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín
dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo
quy định tại Thông tư này, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro
và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
Câu 14. Đề nghị NHNN làm rõ nhóm nợ được phân loại tại thời điểm gần nhất trước
khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 02 là nhóm
nợ do TCTD tự phân loại hay nhóm nợ tham chiếu từ CIC?
Trả lời:
Theo quy định tại
khoản 1 Điều 5 Thông tư 02, nhóm nợ được phân loại tại thời điểm gần nhất trước
khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ là nhóm nợ đã được điều chỉnh theo CIC theo quy
định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Câu 15. Trường hợp khoản vay của hợp đồng hạn mức, thời hạn vay ban đầu của
khoản nợ được cơ cấu là 9 tháng. Khoản nợ được gia hạn nợ thêm 06 tháng dẫn đến
tổng thời gian từ ngày giải ngân đến ngày đáo hạn là 15 tháng. Vậy, khoản nợ được
phân loại là khoản vay ngắn hạn hay trung hạn? và thời gian thử thách đối với
khoản nợ để chuyển về nhóm nợ thấp hơn sẽ là 3 tháng hay 01 tháng?
Trả lời:
Việc xác định thời hạn cho vay được
thực hiện theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định
về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với
khách hàng và văn bản sửa đổi, bổ sung.
Thông tư 02 không có quy định về
thời gian thử thách.Điều 3 Thông tư 02 quy định: “các nội
dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng
dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định
tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”. Do vậy, về thời gian thử thách để phân loại khoản nợ, TCTD thực hiện theo quy định
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân
loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng
dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.
III.
Về lãi phải thu
Câu 16. Khoản nợ được cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sau thời gian thử thách đủ điều
kiện chuyển về nợ nhóm 1 theo Thông tư 11 thì có được ghi nhận lãi dự thu hay
không?
Trả lời:
TCTD thực hiện theo
quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 02, cụ thể: “Đối với số lãi phải thu của
khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn
(nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu)
mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập
khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”.
IV.
Về trích lập dự phòng rủi ro
Câu 17.Khoản 1 Điều 6 Thông tư 02 được hiểu như thế nào theo các cách hiểu sau
đây:
Cách hiểu 1: chỉ áp
dụng đối với khách hàng đang có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo
quy định tại Thông tư 02.
Cách hiểu 2: áp dụng
đối với cả khách hàng đã từng được cơ cấu nợ theo Thông tư 02 và hiện tại đã tất
toán toàn bộ khoản nợ có số dư nợ được cơ cấu nợ theo Thông tư 02.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 6 Thông
tư 02 áp dụng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng có số dư nợ đã được cơ cấu lại
thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02 và hiện tại
khách hàng còn khoản nợ đang được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư
02 (số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 có thể còn hoặc
đã tất toán).
Câu 18. Khoản nợ sau khi được cơ cấu nợ theo Thông tư 02 và trả nợ đầy đủ theo
lịch cơ cấu thì TCTD có được hoàn chi phí dự phòng rủi ro cụ thể đã trích và
hoàn lãi dự thu hay không?
Trả lời:
Điều 3 Thông tư 02
quy định: “...các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời
hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không
quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp
luật khác có liên quan.”.
Khoản 1 Điều 6Thông
tư 02 quy định về trích lập dự phòng rủi ro đối với khách
hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn theo quy định tại Thông tư 02 và cách
thức xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, không có quy định về
hoàn nhập dự phòng rủi ro. Do vậy, TCTD căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 14
Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để
thực hiện, cụ thể:“Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể
và dự phòng chung còn lại của kỳ kế toán trước lớn hơn số tiền dự phòng cụ thể
và dự phòng chung phải trích của kỳ kế toán trích lập, tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa.”.
- Việc hạch toán lãi
phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ
tiêu chuẩn (nhóm 1) được thực hiện theo khoản 4, Điều 5 Thông tư 02, cụ thể:“Đối với số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu
lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định
tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi
ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo
quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.”.
Câu 19. Đề nghị NHNN hướng dẫn cách tính số tiền cần trích lập dự phòng cụ thể
phải trích bổ sung đối với khách hàng đã/đang được cơ cấu tại TCTD (bao gồm cả
cơ cấu nợ theo Thông tư 39 và theo Thông tư 01) và tiếp tục được cơ cấu theo
Thông tư 02?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 156 Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản
quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một
vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”.
Do vậy, trường hợp khách hàng đồng thời có số dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên
nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 02, TCTD trích lập dự phòng cụ
thể phải trích bổ sung theo quy định tại Thông tư 02.
V.
Về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP
đối với khoản nợ được cơ cấu nợ theo Thông tư 02.
Câu 20: Khoản vay được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ theo Thông tư
02/2023/TT-NHNN có được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP?
Trả lời:
Thông tư 02 chỉ quy
định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách
hàng gặp khó khăn. Việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP
và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Trường hợp khoản vay
đáp ứng được quy định tại Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP thì được hỗ trợ lãi suất
theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
VI.
Về mẫu biểu báo cáo
Câu 21. Đề nghị NHNN hướng dẫn chỉ tiêu tại Cột 5 Phụ lục 01 “Số lượt khách hàng được cơ
cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế (gốc và/hoặc lãi)”
Trả lời:
Số lượt khách hàng
được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế (Cột 5 Phụ lục 01) là số lần khách hàng có đề
nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và được TCTD chấp thuận
thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại
Thông tư 02 tính trong khoảng thời gian từ thời điểm Thông tư 02 có hiệu lực đến
thời điểm TCTD báo cáo.
Câu 22. Cột 7 Phụ lục 01 “Báo cáo
Lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại cuối kỳ báo cáo”. Hiện tại, có những
khoản vay áp dụng lãi suất thả nổi, thì lãi trong cột 7 sẽ là lãi dự thu tại thời
điểm xét duyệt cơ cấu?
Trả lời:
Dư nợ lãi được cơ cấu
lại thời hạn trả nợ phải là đến hạn trong thời hạn được cơ cấu lại thời hạn trả
nợ theo Thông tư 02 và được TCTD xác định tại thời điểm chấp thuận cơ cấu lại
thời hạn trả nợ.
Tại cột 7, TCTD báo
cáo số dư nợ lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo
Thông tư 02 tại ngày cuối tháng báo cáo. Trường hợp đã kết thúc thời hạn cơ cấu
nhưng khách hàng chưa trả hết số tiền lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và
giữ nguyên nhóm nợ, tổ chức tín dụng báo cáo số dư tiền lãi được cơ cấu còn lại
thực tế tại ngày cuối cùng của tháng báo cáo.
Câu 23. Cột 8 Phụ lục 01 có bao gồm
những khách hàng đã kết thúc thời hạn cơ cấu nhưng khách hàng chưa trả hết dư nợ
được cơ cấu hay không?
Trả lời:
Cột 8 Phụ lục 01 bao gồm các khách hàng đã
được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông
tư 02 nhưng đến thời điểm báo cáo vẫn còn số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu
lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02 chưa được
TCTD thu hồi hết, tương ứng với số liệu tại Cột 6 và 7 Phụ lục 01.
Câu 24. Cột 9 Phụ lục 01 có yêu cầu
báo cáo lãi dự thu nội bảng của những khoản nợ bình thường và lãi dự thu theo
dõi ngoại bảng của những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên
nhóm nợ theo Thông tư này?
Trả lời:
Chỉ tiêu tại Cột 9 Phụ lục 01 bao gồm toàn bộ dư nợ gốc
và lãi (bao gồm lãi dự thu nội bảng, lãi phải thu theo dõi ngoại bảng) của
khách hàng (thống kê tại cột 8) đến thời điểm cuối tháng báo cáo.
Chỉ tiêu tại Cột 9 Phụ lục 01 cho biết toàn bộ nghĩa vụ
nợ của khách hàng (thống kê tại cột 8) tại TCTD.
Câu 25. Cột 10 Phụ lục 01 báo cáo
số dư nợ của khoản vay có dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư
này, không bao gồm dư nợ của các khoản vay không được cơ cấu của các khách hàng
được thống kê tại cột 8?
Trả lời:
Cột 10 Phụ lục 01 yêu cầu báo cáo toàn bộ
dư nợ gốc các khoản nợ của khách hàng (trong số khách hàng tại cột 8) đang được
phân loại nợ nhóm 1 hoặc 2 nhưng sẽ phải chuyển nhóm 3, 4, 5 nếu thực hiện phân
loại lại theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại
tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự
phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài.
Ví dụ: Khách hàng A
có 05 khoản nợ tại TCTD. Trong đó: (i) 04 khoản nợ không được cơ cấu theo Thông
tư 02 đang phân loại nhóm 1; (ii) 01 khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ
và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, đang phân loại nhóm 1 (giả định trường
hợp nếu không được giữ nguyên nhóm nợ, khoản nợ này sẽ bị chuyển nhóm 3 theo
quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Trong trường hợp
này, tại cột 10, TCTD sẽ báo cáo dư nợ gốc của 05 khoản nợ của khách hàng A.