Công văn số 623/LN-SDR về việc hướng dẫn giao rừng, khoán bảo vệ rừng thí điểm tại các tỉnh Tây Nguyên do Cục Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 623/LN-SDR
Ngày ban hành 05/06/2006
Ngày có hiệu lực 05/06/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Ngọc Bình
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC LÂM NGHIỆP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 623/LN-SDR
V/v Hướng dẫn giao rừng, khoán bảo vệ rừng thí Điểm tại các tỉnh Tây Nguyên

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2006

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Tây Nguyên

Thực hiện Thông tư số 17/2006/TT-BNN ngày 14/3/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 304/2005/TTg ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, để có cơ sở cho các địa phương thực hiện; Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khẩn trương xây dựng sổ tay hướng dẫn thí Điểm để việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên.

Do thời gian gấp, nên hiện nay việc xây dựng sổ tay mới hoàn thành được một số nội dung chính như: xây dựng đề cương của đề án, xác định các bước kỹ thuật trong giao rừng, khoán bảo vệ rừng và hệ thống mẫu biểu trong Điều tra thực địa; còn một số nội dung khác đang được khẩn trương hoàn thiện trong những tháng tới.

Để đảm bảo cho các địa phương triển khai việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng thí Điểm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quý III/2006 phải hoàn thành); được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Lâm nghiệp tạm thời hướng dẫn một số nội dung đã hoàn chỉnh trong sổ tay hướng dẫn giao rừng, khoán bảo vệ rừng; trên cơ sở hướng dẫn này, các Sở nghiên cứu để áp dụng cho phù hợp với Điều kiện thực tế của địa phương. Trong quá trình thực hiện, các nội dung chưa phù hợp sẽ được Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo đúng yêu cầu về nội dung của sổ tay hướng dẫn nêu trên.

Để nhanh chóng và thuận lợi trong quá trình triển khai, Cục Lâm nghiệp đã đưa toàn bộ nội dung hướng dẫn giao rừng, khoán bảo vệ rừng kèm theo văn bản này lên mạng, đề nghị các cơ quan truy cập theo địa chỉ: http://dof.mard.gov.vn ( Mục văn bản pháp quy).

Đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tổ chức thực hiện.

 

 

Nơi nhận
- Như trên;
- Các phòng Cục LN;
- Lưu VT

CỤC TRƯỞNG




Ngyễn Ngọc Bình

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỤC LÂM NGHIỆP

______________

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU

HƯỚNG DẪN GIAO RỪNG, KHOÁN BẢO VỆ RỪNG THÍ ĐIỂM
Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

 

( Kèm theo văn bản số 623/LN-SDR ngày 05/6/2006 của Cục Lâm nghiệp )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HÀ NỘI, THÁNG 6 NĂM 2006

 

Lời giới thiệu

Giao rừng, khoán bảo vệ rừng (GR,KBVR) cho hộ gia đình, cá nhân và các cộng đồng dân cư là một chủ trương lớn, có tính chiến lược để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Từ năm 1994 đến 2001 Chính phủ đã ban hành các nghị định: số 01/CP về việc giao khoán đất sử dụng vào Mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp nhà nước; số 02/CP về giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; số 163/1999/NĐ-CP về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào Mục đích lâm nghiệp; quyết định số 178/QĐ-TTg về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, các tiến trình giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng diễn ra rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn do nhiều nguyên nhân thuộc về khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân thiếu phương pháp tiến hành một cách thống nhất.

Trong thời gian qua, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khẩn trương xây dựng sổ tay hướng dẫn giao rừng, khoán bảo vệ rừng thí Điểm cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 304/2005/ TTg ngày 23/11/2005;

Tuy nhiên, đến thời Điểm này, việc xây dựng sổ tay mới hoàn thành được một số nội dung chính như: Xác định các bước kỹ thuật trong giao rừng, khoán bảo vệ rừng, xây dựng đề cương của đề án giao rừng, khoán bảo vệ rừng, hệ thống mẫu biểu trong Điều tra thực địa... còn một số nội dung khác vẫn đang được tiến hành. Để các địa phương triển khai việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng thí Điểm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ( Quý III/2006 phải hoàn thành). Cục Lâm nghiệp tạm thời giới thiệu một số nội dung trích trong sổ tay hướng dẫn giao rừng, khoán bảo vệ rừng để các địa phương có cơ sở triển khai; trong quá trình thực hiện sẽ được bổ sung, hoàn thiện đối với từng khâu công việc trong giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo nội dung của sổ tay hoàn chỉnh.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp từ cơ sở để bổ sung cho nội dung của sổ tay hướng dẫn được hoàn chỉnh hơn.

Phần I

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN TRONG QUÁ TRÌNH GR,KBVR:

Sơ đồ 1: Giới thiệu tóm tắt các bước tiến hành

Bước 1. Chuẩn bị:

1) Đối tượng chuẩn bị:

Để tiến hành GR,KBVR theo tinh thần của quyết định 304/2005/QĐ-TTg, cần phải được chuẩn bị kỹ ở các cấp từ tỉnh, huyện xã và chủ rừng:

- Ở cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát riển nông thôn chủ trì việc chuẩn bị trên cơ sở phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan.

- Ở cấp huyện: Phòng kinh tế huyện chủ trì việc chuẩn bị theo sự chỉ đạo chung của Sở NN&PTNT.

- Ở cấp xã: chủ rừng (lâm trường, ban quản lý, công ty…) phối hợp với UBND xã thực hiện việc chuẩn bị.

Thành viên của tổ công tác GR,KBVR ở xã bao gồm :

- Cán bộ địa chính của xã;

- Cán bộ kiểm lâm;

[...]