Công văn 5955/BGTVT-KCHT năm 2013 quy định bảo đảm giao thông khi thi công các dự án cải tạo, nâng cấp QL.1 và QL.14 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 5955/BGTVT-KCHT
Ngày ban hành 24/06/2013
Ngày có hiệu lực 24/06/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Tấn Viên
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5955/BGTVT-KCHT
V/v: Quy định bảo đảm giao thông khi thi công các dự án cải tạo, nâng cấp QL.1 và QL.14

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi:

- Tổng cục Đường bộ VN;
- Các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT;
- Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Các Nhà đầu tư BOT QL.1 và QL.14.

 

Để đảm bảo ATGT và VSMT trong quá trình thi công các dự án nâng cấp, mở rộng QL.1 và QL.14, Bộ GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các Nhà đầu tư BOT căn cứ vào các nội dung dưới đây đ lập phương án đảm bảo giao thông tổng thể trong phạm vi quản lý của đơn vị và chỉ đạo các nhà thầu lập phương án đảm bảo giao thông trên công địa thi công của từng đoạn tuyến, gói thầu:

1.Phương án chung về bảo đảm an toàn giao thông

Các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các Nhà đầu tư BOT phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương: công an, thanh tra giao thông... lập phương án đảm bảo giao thông tổng thể trên toàn phạm vi quản lý của đơn vị trình cấp thẩm quyền chấp thuận trước khi triển khai thực hiện.

Nhà thầu thi công xây dựng lập biện pháp đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT theo quy định trình Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các Nhà đầu tư BOT chấp thuận trước khi triển khai thực hiện.

Biện pháp thi công phải tuân thủ quy định kỹ thuật và đảm bảo các phương tiện lưu thông thuận tiện, an toàn và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; chiều dài công địa thi công và chiều dài vuốt nối theo quy định hiện hành.

2. Nguyên tắc chung bảo đảm an toàn giao thông:

- Bảo đảm giao thông phải được thiết kế chi tiết trên cơ sở tuân thủ theo các quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông phải tuân thủ theo các quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/5/2012 của Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ”.

- Trong suốt thời gian thi công có người cảnh giới hướng dẫn giao thông, khi ngừng thi công có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm.

- Có biển ở hai đầu đoạn đường thi công (song ngữ thông báo: phía trước công trường 50m, 100m, 500m...) và các biển ghi rõ tên đơn vị thi công, lý trình thi công, địa chỉ văn phòng công trường, số điện thoại (nếu có) và tên của Chỉ huy trưởng công trường.

- Các xe máy thi công trên đường phải đầy đủ thiết bị an toàn và gắn lô gô tên đơn vị thi công.

- Ngoài giờ thi công, xe máy phải được tập kết vào bãi. Trường hợp không có bãi phải để sát lề đường và có báo hiệu cảnh báo.

- Xe máy hư hỏng phải tìm mọi cách đưa sát vào lề đường và phải có báo hiệu cảnh báo theo quy định.

- Khi thi công ở nền đường, mặt đường, mặt cầu phải dành lại một phần nền đường, mặt đường, mặt cầu để cho xe, người đi bộ qua lại.

- Kết thúc thi công tổ chức, cá nhân thi công phải thu dọn toàn bộ các chướng ngại vật và thiết bị an toàn giao thông để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Trước khi bàn giao công trình phải dọn toàn bộ vật liệu tha, di chuyển máy móc, thanh thải các chướng ngại vật và sửa chữa các hư hỏng công trình đường bộ do thi công gây ra.

- Trong suốt quá trình thi công, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng phương án, biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất; phải bảo đảm an toàn giao thông thông suốt theo quy định và tránh không được gây hư hại các công trình đường bộ hiện có. Trong trường hợp không thể tránh được thì phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ về biện pháp bảo vệ hoặc tạm thời tháo dỡ, di dời và thi công hoàn trả; nghiêm cấm việc san, đổ đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ mà không phục vụ thi công công trình, đồng thời chịu mọi trách nhiệm về sự mất an toàn giao thông do thi công gây ra.

- Đối với các tuyến đường hiện hữu khi nhận bàn giao nhưng chưa thi công hoặc sử dụng để đảm bảo giao thông phải được bảo trì theo quy định và sửa chữa ngay khi có hư hỏng phát sinh để đảm bảo an toàn giao thông.

3. Rào chắn thi công:

- Khi thi công trong phạm vi đô thị: Trong điều kiện địa hình cho phép phải sử dụng rào chắn bằng tôn mạ kẽm có chiều cao 2,06m che chắn liên tục trong phạm vi chiều dài thi công, các tấm tôn được gắn vào hệ thống khung bằng thép hộp với bước khung là 2,0m, liên kết giữa các khung là hai đường thép hộp kích thước 30x60mm.

- Khi thi công khu vực ngoài đô thị: Sử dụng rào chắn bằng ống nhựa đổ bê tông hoặc vữa xi măng cát trong lòng ống (hoặc ống thép mạ kẽm dày 3mm), đường kính D80, chiều dài 120cm, được sơn phản quang hai màu trắng và đỏ, sử dụng dây nhựa PVC mỏng 2 màu trắng đỏ liên kết các cọc; bệ cọc bằng bê tông M200 kích thước 30x30x15cm, khoảng cách đặt giữa các cọc là 2÷3m.

Trên đây là nội dung quy định về công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công các dự án cải tạo, nâng cấp QL.1 và QL.14, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cục QLXD&CLCT GT;
- Ban QLĐT các DA ĐTCT;
- Khu QLĐB IV, V, VII;
- Lưu: VT, KCHT(5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Tấn Viên

 

RÀO CHẮN THI CÔNG TRONG ĐÔ THỊ

[...]