Công văn 563/UBND-KGVX năm 2024 về chủ động tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 563/UBND-KGVX
Ngày ban hành 02/03/2024
Ngày có hiệu lực 02/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 563/UBND-KGVX
V/v chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố Hà Nội

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Sở: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

Từ đầu năm 2024 đến nay cả nước đã xảy ra 17 ca tử vong nghi Dại, do bệnh Dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2023. Thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2 dịch chó mắc bệnh Dại tại huyện Sóc Sơn, đchủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. UBND Thành phố đề nghị các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả các biện pháp sau:

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời chia sẻ thông tin kịp thời với Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại trên người theo quy định.

- Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh Dại đầy đủ cho người bị động vật cắn, đảm bảo đủ vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng.

- Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý dịch bệnh Dại trên người; tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.

- Chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc xin phòng Dại trên địa bàn thực hiện và báo cáo thông tin bệnh Dại theo quy định tại thông tư 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh Dại trên người nhằm hạn chế tử vong do bệnh Dại gây ra.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường tuyên truyền sâu rộng Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống bệnh Dại động vật cho các đối tượng liên quan trên địa bàn Thành phố.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dại động vật tại các quận, huyện, thị xã.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong việc điều tra ổ dịch, trao đổi, chia sẻ thông tin dịch bệnh Dại trên người và động vật.

+ Điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại động vật, đồng thời báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

+ Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn cơ sở, hệ thống thú y và người nuôi chó, mèo về các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống bệnh Dại theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế để người dân biết và chủ động phòng tránh.

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn Thành phố.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại trong hệ thống trường học.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Thực hiện phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

- Chỉ đạo thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

- Chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi; thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; tuyên truyền quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi để người dân được biết và chủ động thực hiện.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại tại các điểm tập trung ở các thôn, xóm, t dân phố, cụm dân cư... cho đàn chó, mèo

- Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 04/2020/NĐ-Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó, mèo nuôi.

Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị các Sở: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nội dung trên./.

 

[...]