Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 5610/BKHĐT-TH năm 2017 về Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 5610/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 11/07/2017
Ngày có hiệu lực 11/07/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5610/BKHĐT-TH
V/v Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2018

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Hợp tác xã;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (dưới đây gọi tắt là các bộ, ngành trung ương và địa phương) Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua các Nghị quyết: số 23/2016/QH14 ngày 07 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; số 25/2016/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; số 27/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và số 29/2016/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2016 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định1 giao kế hoạch năm 2017 gồm giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Dưới đây là đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, dự báo khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017

1. Về tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi, kinh tế trong nước Quý II và 6 tháng đã có những cải thiện rõ nét, nhiều tín hiệu tích cực hơn so với Quý I; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đã có sự bứt phá; động lực tăng trưởng của nền kinh tế khả quan; triển vọng tăng trưởng dự báo cao hơn trong các quý còn lại năm 2017. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý II năm 2017 ước tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: (i) Khu vực I tăng 2,92%; (ii) Khu vực II tăng 6,89%; (iii) Khu vực III tăng mạnh, ước đạt 7,28%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: (i) Khu vực I tăng 2,65%; (ii) Khu vực II tăng 5,81%, trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,52%; (iii) Khu vực III tăng 6,85%.

2. Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

a) Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá cả có xu hướng ổn định.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng so với tháng trước có xu hướng giảm dần. CPI tháng 6 ước giảm 0,17% so với tháng trước; tăng 0,2% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, tiệm cận với mục tiêu năm 2017 Quốc hội đã thông qua là khoảng 4%. Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

b) Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo, dự trữ ngoại hối tăng. Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá, tính chung 6 tháng ước đạt 7,54% so với cuối năm 2016, là mức tăng cao so với các năm gần đây, thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất ổn định. Thị trường chứng khoán được hỗ trợ mạnh, tiếp tục đà tăng trưởng tốt, chỉ số VN Index tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt ngưỡng 760 điểm.

c) Thu, chi ngân sách nhà nước

Thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung đáp ứng được tiến độ dự toán đề ra. Tính đến hết tháng 6 năm 2017, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt khoảng 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 582,965 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 41,9% dự toán năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

d) Về đầu tư phát triển

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đạt khoảng 674,8 nghìn tỷ đồng, bằng 32,8% GDP, tăng 10,5%, cao hơn so với cùng kỳ các năm từ 2013 đến 2016, trong đó khu vực ngoài nhà nước đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% và tăng 14,9%. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước vẫn chậm, tốc độ giải ngân thấp so với yêu cầu. Ước giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN đến hết tháng 6 đạt khoảng 29,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 25,6% dự toán được Quốc hội thông qua, thấp hơn so với cùng kỳ (32,2%).

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh, tạo tín hiệu tích cực, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần 6 tháng đạt 19,2 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ước giải ngân vốn FDI 6 tháng đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.

3. Tình hình sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực.

a) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến thuận lợi; tiếp tục duy trì đà phục hồi và đã có mức tăng trưởng tích cực. Riêng ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, cả về sản lượng nuôi trồng thủy sản và sản lượng khai thác thủy sản, đặc biệt, các tỉnh chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển miền Trung đã phục hồi sản xuất, khai thác thủy sản biển đã có tín hiệu tăng trở lại.

b) Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp Quý II/2017 tăng 7,8% nâng mức tăng chung 6 tháng đầu năm lên khoảng 6,2%, cao hơn mức tăng 4,3% của Quý I. Riêng ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo 6 tháng đã có mức tăng đáng kể, tăng 10,5%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm từ 2013 đến nay, đóng góp 7,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

c) Khu vực dịch vụ là khu vực năng động nhất, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Trong đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,1% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,4%, cao hơn cùng kỳ (8,1%). Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước đến thăm quan. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng ước đạt 6,2 triệu lượt khách, tăng 30,2%.

d) Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khả quan

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 12,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 10,1% và cao hơn so với mục tiêu cả năm là 6-7%). Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 100,47 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016 (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 17,3%). Trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu tăng 28,3% và chiếm 60,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu tăng chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu (chiếm tỷ trọng 89,4% và tăng 25,6%), tập trung vào các nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu chủ yếu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Nhập siêu 6 tháng khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm 2,76% kim ngạch xuất khẩu, phù hợp mục tiêu được Quốc hội thông qua (dưới 3,5%). Diễn biến xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nhìn chung lành mạnh, phù hợp với tình hình thị trường và chu kỳ xuất, nhập khẩu.

[...]