Công văn 561/UBND-CN điều chỉnh giá nguyên, nhiên vật liệu và hình thức hợp đồng theo Thông tư 09/2008/TT-BXD do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành
Số hiệu | 561/UBND-CN |
Ngày ban hành | 09/06/2008 |
Ngày có hiệu lực | 09/06/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Điện Biên |
Người ký | Bùi Viết Bính |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 561/UBND-CN |
Điện Biên Phủ, ngày 09 tháng 06 năm 2008 |
Kính gửi: |
- Các Sở, Ban Ngành, Đoàn thể tỉnh |
Trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, giá các loại nguyên, nhiên vật liệu có sự biến động mạnh đã tác động tiêu cực đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Nhà nước;Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 164/TTg-NN ngày 29/01/2008, văn bản số 546/TTg-KTN ngày 14/4/2008 cho phép điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có biến động giá nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà thầu và chủ đầu tư từ năm 2007. Cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị Chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh còn lúng túng, thiếu tính thống nhất dẫn đến thủ tục đầu tư kéo dài và tiến độ triển khai các dự án, công trình chậm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thống nhất triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 164/TTg-NN ngày 29/01/2008, văn bản số 546/TTg-KTN ngày 14/4/2008 và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008, trong quá trình quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở ngành, UBND các huyện thị, thành phố và các đơn vị Chủ đầu tư thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Đối với các đơn vị Chủ đầu tư:
- Chủ động rà soát các dự án, công trình được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư để lập các thủ tục điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị Chủ đầu tư cần lưu ý một số điểm sau:
+ Đối tượng, phạm vi áp dụng: Thực hiện đúng theo quy định tại mục 1 – Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng, trong đó điều chỉnh giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng chỉ được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá nguyên nhiên vật liệu làm tăng (giảm) chi phí đầu tư xây dựng ngoài khả năng kiểm soát của Chủ đầu tư và Nhà thầu; không áp dụng việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng đối với các khối lượng công trình chậm tiến độ do lỗi chủ quan của các nhà thầu và các hợp đồng đã được thanh toán hết giá hợp đồng (bao gồm giá trị của hợp đồng đã được ký kết và phần bổ sung nếu có) trong năm 2007.
+ Về điều chỉnh dự toán, giá gói thầu và tổng mức đầu tư (nếu có) do ảnh hưởng của biến động giá nhiên, nguyên vật liệu:
Đối với các dự án chưa khởi công hoặc khởi công nhưng chưa xây dựng được áp dụng theo quy định của Luật Xây dựng, Luật đấu thầu, Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 5/5/2008 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan.
Đối với các dự án đã khởi công và đang trong giai đoạn thực hiện, việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu và tổng mức đầu tư đối với các khối lượng bị ảnh hưởng do biến động giá được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008, trong đó Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định cụ thể loại nhiên, nguyên vật liệu cũng như nội dung, phạm vi được điều chỉnh theo quy định.
Việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chỉ được tính một lần trên cơ sở những khối lượng xây lắp chịu ảnh hưởng tăng (giảm) giá vật liệu xây dựng từ năm 2007
+ Trong thời điểm giá các loại nguyên, nhiên vật liệu có biến động lớn khi lập tổng mức đầu tư đối với những hạng mục, công trình dự án có khối lượng đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, Chủ đầu tư cần hạn chế áp dụng phương pháp xác định tổng mức theo thiết kế cơ sở của dự án mà nên áp dụng phương pháp xác định tổng mức đầu tư theo diện tích (hoặc công suất sử dụng) của công trình và giá xây dựng tổng hợp, suất vốn đầu tư xây dựng công trình hoặc sử dụng kết hợp các phương pháp trên để hạn chế việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và các thủ tục có liên quan khi có biến động giá của các loại nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình triển khai thực hiện.
+ Giá vật liệu để tính chênh lệch giá trong dự toán chi phí xây dựng bổ sung là giá vật liệu theo thông báo giá hoặc giá trong công bố giá vật liệu hoặc theo chứng từ, hóa đơn hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính hoặc chứng từ viết tay có tên, địa chỉ của người cung cấp vật liệu đối với loại vật liệu xây dựng không thể có hóa đơn theo quy định (ví dụ như mua đất đắp…).
+ Việc điều chỉnh hợp đồng sau khi đã lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung được áp dụng theo quy định tại mục 7 - Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008. Trường hợp điều chỉnh hình thức giá hợp đồng từ hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh (hoặc điều chỉnh hình thức hợp đồng gắn với điều chỉnh tổng mức đầu tư) thì chủ đầu tư báo cáo về nội dung, phạm vi điều chỉnh gửi cơ quan chủ trì thẩm định để thẩm định và trình người quyết định đầu tư cho phê duyệt trước khi thực hiện.
- Yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết theo hợp đồng đã ký kết và đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo tiến độ đã đề ra. Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ, chất lượng công trình và thực hiện việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo quy định làm cơ sở cho tính toán giá trị nghiệm thu, thanh quyết toán cho từng khối lượng hạng mục công trình theo giai đoạn và áp dụng điều chỉnh giá hợp đồng cho dự án.
- Đề xuất danh mục các dự án, công trình cần đình hoãn, giãn tiến độ các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do cơ quan, đơn vị làm Chủ đầu tư theo phân cấp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khối lượng, giá các loại nguyên, nhiên vật liệu được áp dụng điều chỉnh giá trong quá trình lập, trình duyệt điều chỉnh dự toán, tổng mức đầu tư (nếu có) và nghiệm thu, thanh quyết toán giá trị công trình.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hướng dẫn các đơn vị Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc điều chỉnh giá gói thầu, lập và thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư, hình thức hợp đồng đối với các dự án có khối lượng bị ảnh hưởng của biến động giá.
- Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và xác định nội dung, phạm vi điều chỉnh hợp đồng có điều chỉnh giá của các dự án, công trình theo phân cấp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, địa phương rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 389/UBND-TH ngày 23/4/2008 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2008, trong đó tập trung rà soát lập danh mục các dự án đình hoãn, giãn tiến độ để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét quyết định.
3. Sở Xây dựng
- Chủ động hướng dẫn các đơn vị Chủ đầu tư trong việc tính toán xác định dự toán, tổng mức đầu tư công trình đảm bảo sát thực với thực tế triển khai cũng như các quy định của nhà nước, tránh điều chỉnh nhiều lần làm kéo dài thời gian chuẩn bị dự án; đồng thời tính toán và tổ chức công bố chỉ số giá xây dựng, suất đầu tư trên địa bàn làm cơ sở để các đơn vị áp dụng thực hiện.
- Hướng dẫn các đơn vị Chủ đầu tư và nhà thầu trong việc tính toán điều chỉnh dự toán, điều chỉnh hình thức hợp đồng và ký kết hợp đồng bổ sung đối với khối lượng xây lắp chịu ảnh hưởng của biến động giá theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kiểm tra năng lực của các đơn vị tư vấn, các đơn vị Chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó thực hiện việc phân loại và công bố năng lực của các đơn vị tư vấn để các đơn vị Chủ đầu tư xem xét, lựa chọn cho phù hợp; đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh đơn vị Chủ đầu tư, hình thức quản lý dự án nếu đơn vị Chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý dự án theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính thường xuyên kiểm soát và tổ chức công bố giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường làm cơ sở để các Chủ đầu tư lập và quản lý chi phí xây dựng theo quy định.
- Có biện pháp quản lý tích cực để thúc đẩy các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng cường năng lực sản xuất và cung ứng sản phẩm cho thị trường; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, các huyện, thị, thành phố có biện pháp tích cực để kiểm soát và bình ổn giá các loại vật tư, vật liệu trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính.