Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH năm 2020 về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 5512/BGDĐT-GDTrH |
Ngày ban hành | 18/12/2020 |
Ngày có hiệu lực | 18/12/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Hữu Độ |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 5512/BGDĐT-GDTrH |
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo[1]
Thực hiện Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học như sau:
I. Mục tiêu chung
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông[2] (sau đây gọi là chương trình) linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
2. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, thống nhất giữa các tổ chuyên môn và các tổ chức đoàn thể, phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
II. Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường
1. Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình)
Căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm của Sở GDĐT[3], Hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương (sau đây gọi chung là môn học) bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Các nhà trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường. Đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học[4].
Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp trung học phổ thông, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình[5] (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường; đồng thời xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng kí lựa chọn và tổ chức thực hiện để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên[6], cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Đối với các hoạt động giáo dục được tổ chức theo hình thức tham quan, cắm trại, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng (sau đây gọi chung là hoạt động giáo dục), Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.
2. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn
Căn cứ vào kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học đã được Hiệu trưởng quyết định, các tổ chuyên môn xây dựng Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, bao gồm Kế hoạch dạy học các môn học (theo Khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1) và Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (theo Khung kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục tại Phụ lục 2). Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục, đơn vị được giao chủ trì hoạt động nào xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức hoạt động đó, bao gồm các thành phần cơ bản sau: mục đích, yêu cầu; nội dung, hình thức và chương trình tổ chức hoạt động; tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động đối với các đối tượng tham gia; thời gian và địa điểm tổ chức; nguồn lực được huy động để tổ chức thực hiện.
Thực hiện sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; định kì sinh hoạt chuyên môn để xây dựng bài học minh họa, tổ chức dạy học và dự giờ để phân tích, rút kinh nghiệm giờ dạy dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh[7]. Việc dự giờ, thăm lớp của giáo viên được thực hiện theo kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn.
3. Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án)
Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học.
Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động học được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy thông qua các hình thức: hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Đối với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho học sinh tự học; chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện của học sinh theo yêu cầu của câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập đã được nêu cụ thể trong Kế hoạch bài dạy.
4. Kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kì
a) Đối với bài kiểm tra
Các tổ chuyên môn xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kì của các môn học ở từng khối lớp với ngân hàng câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo 4 mức độ yêu cầu như sau:
- Nhận biết: Các câu hỏi yêu cầu học sinh nhận ra, nhớ lại các thông tin đã được tiếp nhận trước đó hoặc mô tả đúng kiến thức, kĩ năng đã học theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình môn học.
- Thông hiểu: Các câu hỏi yêu cầu học sinh giải thích, diễn đạt được thông tin theo ý hiểu của cá nhân, so sánh, áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã học theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình môn học.
- Vận dụng: Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề đặt ra trong các tình huống gắn với nội dung đã được học ở các bài học hoặc chủ đề trong chương trình môn học.
- Vận dụng cao: Các câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề đặt ra trong các tình huống mới, các vấn đề thực tiễn phù hợp với mức độ cần đạt của chương trình môn học.
b) Đối với bài thực hành, dự án học tập
Các tổ chuyên môn xây dựng các bài kiểm tra thực hành, dự án học tập để kiểm tra, đánh giá định kì môn học ở từng khối lớp; các bài kiểm tra thực hành, dự án học tập phải nêu rõ các tiêu chí cụ thể để đánh giá phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình môn học.
c) Tổng hợp nhận xét, đánh giá cuối học kì và cả năm học