Công văn 5487/BYT-KH-TC năm 2024 tiếp tục tăng cường, chủ động triển khai công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế do Bộ y tế ban hành
Số hiệu | 5487/BYT-KH-TC |
Ngày ban hành | 16/09/2024 |
Ngày có hiệu lực | 16/09/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Lê Đức Luận |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5487/BYT-KH-TC |
Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; |
Trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục nhận được các văn bản đề nghị hướng dẫn thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế của một số Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị). Sau khi xem xét, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
1. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế gửi các cơ quan, đơn vị[1]; đa số nội dung mà các cơ quan, đơn vị đề nghị hướng dẫn đều đã được quy định trong Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến rộng rãi Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc.
Để bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành có cơ sở y tế trực thuộc và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý chủ động nghiên cứu, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và những nội dung đã được Bộ Y tế trao đổi, giải đáp tại các Hội nghị phổ biến pháp luật về đấu thầu để triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
b) Các cơ quan, đơn vị tăng cường giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không né tránh trách nhiệm, gửi văn bản hành chính để đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên, các Bộ hoặc các cơ quan khác, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc và quyền lợi của người dân.
c) Người đứng đầu các cơ sở y tế thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền (đối với trường hợp được phân cấp), trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu; lưu ý đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
2. Đối với một số nội dung đề nghị hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị gửi đến Bộ Y tế
a) Về việc hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương và xác định, tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung đối với thuốc:
- Việc xây dựng Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương thực hiện theo quy định về các điều kiện về mua sắm tập trung tại khoản 1 và khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023. Do vậy, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu quy định nêu trên để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý theo đúng thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023.
- Việc xác định và tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung đối với thuốc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Thông tư số 07/2024/TT-BYT. Theo đó, để bảo đảm việc mua sắm tập trung, điều tiết thuốc được tiết kiệm, hiệu quả, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ số lượng thực tế đã sử dụng và dự kiến tình hình khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới để xác định, đăng ký nhu cầu cần mua sắm tập trung cho phù hợp. Trường hợp số lượng đăng ký tăng trên 30% so với số lượng đã sử dụng của kỳ trước liền kề hoặc của 12 tháng trước liền kề tính đến thời điểm xác định nhu cầu mua sắm thì phải giải trình, thuyết minh cụ thể (khoản 2 Điều 24 Thông tư số 07/2024/TT-BYT).
- Về việc tổng hợp nhu cầu của cơ sở y tế trực thuộc các Bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn vào gói thầu mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương: Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 4060/BYT-KH-TC ngày 16/7/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương của các cơ sở y tế trực thuộc các Bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi các cơ sở y tế này có nhu cầu theo quy định.
Trường hợp các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành, doanh nghiệp có nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương thì có thể thỏa thuận để đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu và thực hiện việc mua sắm theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023 và điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
b) Về việc xác định đơn vị thẩm định trong mua sắm tập trung đối với thuốc:
Khoản 1 Điều 87 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định việc mua sắm tập trung được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu năm 2023. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì thuê tư vấn đấu thầu thực hiện việc lựa chọn nhà thầu. Điểm b khoản 4 Điều 126 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp gói thầu mua sắm tập trung thuốc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người có thẩm quyền và giao Sở Y tế là đơn vị mua sắm tập trung thì Sở Y tế là chủ đầu tư, đồng thời là cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp này, Sở Y tế cần bảo đảm tính khách quan, độc lập giữa các phòng, ban, cá nhân được giao lập, trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu với các phòng, ban, cá nhân được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho cơ quan, đơn vị khác (không phải Sở Y tế) là đơn vị mua sắm tập trung thì Sở Y tế chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định đã nêu bên trên. Việc giao cơ quan, đơn vị nào làm chủ đầu tư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
c) Liên quan đến các nội dung về việc trình, thẩm định phê duyệt quyết định mua sắm; mua thuốc bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện; trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương; thẩm quyền mua sắm tập trung: Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có các văn bản hướng dẫn số: 1763/QLĐT-CS ngày 14/8/2024 gửi Bộ Y tế; 1700/QLĐT-CS ngày 06/8/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Sơn La; 1255/QLĐT-CS ngày 07/6/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp; 1232/QLĐT-CS ngày 06/6/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Bộ Y tế xin gửi kèm theo các văn bản nêu trên của Cục Quản lý đấu thầu để các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, thực hiện.
d) Việc mua sắm thuốc đối với trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu năm 2023:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2024/TT-BYT, trường hợp các cơ quan, đơn vị tại địa phương không có thỏa thuận và không thể tự tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng không thành công thì gửi nhu cầu mua sắm về Sở Y tế. Sau khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị, trong thời gian 10 ngày, Sở Y tế có trách nhiệm chỉ định đơn vị để thực hiện việc mua sắm. Trường hợp không chỉ định phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
đ) Về việc phê duyệt quyết định mua sắm trong quy trình lựa chọn nhà thầu và xác định tài sản công trong mua sắm:
Ngày 16/8/2024, Bộ Tài chính có văn bản số 8645/BTC-QLCS gửi Bộ Y tế về công tác đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế (xin gửi kèm theo), trong đó nêu rõ: “Thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế tại các đơn vị sự nghiệp công lập y tế là tài sản công. Tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ đã quy định chi tiết chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức đơn vị; trong đó quy định việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 và khoản 1 Điều 92 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP thì thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản công tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm thực hiện theo quy trình quy định tại các Chương I, II, III, IV, V, VI và VII Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, không phải trình, phê duyệt quyết định mua sắm.
Theo đó, căn cứ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đấu thầu thì thẩm quyền quyết định việc mua sắm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và không phải trình, phê duyệt quyết định mua sắm.
e) Về việc mua sắm tại cơ sở y tế công lập:
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và các hàng hóa, dịch vụ khác tại cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và pháp luật khác có liên quan. Theo đó:
- Trường hợp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu hoặc khi thỏa thuận khung của gói thầu mua sắm tập trung hết hiệu lực thì căn cứ thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự mua sắm theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp này, việc xác định nhu cầu mua sắm do cơ sở khám, chữa bệnh tư thực hiện và chịu trách nhiệm về số lượng mua sắm.
- Đối với việc mua sữa, đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế ... để bán lẻ (bao gồm cả bán trong nhà thuốc của bệnh viện): trường hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở y tế công lập thì việc mua các hàng hóa nêu trên của cơ sở y tế công lập để bán lẻ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Thặng số bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP. Việc kê khai giá thuốc[2], mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan.