Công văn 532/BTTTT-TTĐN năm 2022 về hướng dẫn thực hiện thí điểm truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 532/BTTTT-TTĐN
Ngày ban hành 21/02/2022
Ngày có hiệu lực 21/02/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 532/BTTTT-TTĐN
V/v hướng dẫn thực hiện thí điểm truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi:

- UBND thành phố Hà Nội;
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- UBND thành phố Cần Thơ;
- UBND thành phố Đà Nẵng;
- UBND thành phố Hải Phòng;
- UBND tỉnh Quảng Ninh;
- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) hướng dẫn thí điểm nội dung, hình thức truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới (theo phụ lục đính kèm).

Cách làm mới lần này tạo ra bước đổi mới - truyền thông quảng bá những gì thế giới cần và muốn biết về Việt Nam dựa trên một khung truyền thông thống nhất, phổ cập, để thế giới dễ tập trung nhận diện hình ảnh; qua đó, hỗ trợ cho các hoạt động ngoại giao, du lịch, giao thương, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế. Cách làm lấy địa phương làm “hạt nhân”, “nền tảng” để xây dựng hình ảnh quốc gia và sớm thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Hình ảnh quốc gia được coi là “một hình ảnh tổng thể hay tổng hòa những ấn tượng về một quốc gia hay một địa phương được hình thành từ những yếu tố khác nhau như: sự phát triển kinh tế và xã hội, các giá trị về văn hoá, lịch sử, các sản phẩm…của quốc gia hay địa phương đó”.

Theo đó, hướng dẫn lần này sẽ có điểm khác biệt, tập trung vào việc hướng dẫn “làm thế nào”, giúp các địa phương có công cụ để tự đánh giá và chuẩn hóa các nhân tố tạo nên hình ảnh địa phương. Đây cũng là cơ hội để các địa phương thể hiện hết tiềm năng và năng lực sẵn có của các tỉnh, thành phố, là dịp để các tỉnh, thành phố cạnh tranh một cách có định hướng và mang lại những chuẩn mực và yếu tố mới về truyền thông để các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển hình ảnh địa phương. Do cách làm mới, nên Bộ TTTT sẽ tập trung hướng dẫn thực hiện thí điểm đối với 8 địa phương (đã lấy ý kiến tại công văn xin ý kiến số 218/BTTTT-TTĐN ngày 20/01/2020 của Bộ TTTT) từ năm 2022 - 2025.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Quý cơ quan liên hệ với Bộ TTTT, qua đầu mối Cục Thông tin đối ngoại. Địa chỉ: Tầng 9, Toà nhà Cục Tần số vô tuyến điện, số 115 Trần Duy Hưng, Hà Nội; ĐT: 024.37676666 (số máy lẻ 122); Fax: 04 3 7675959.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để biết);
- Lưu: VT, TTĐN, HM.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Phạm Anh Tuấn

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN TRUYỀN THÔNG QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Công văn số 532/BTTTT-TTĐN của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 21 tháng 02 năm 2022)

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) hướng dẫn công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam theo cách làm mới nhằm đẩy mạnh hiệu quả thông tin đối ngoại, tăng sự nhận diện tích cực về hình ảnh địa phương, thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên thế giới, cụ thể như sau:

I. TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG QUẢNG BÁ THEO KHUNG NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG QUẢNG BÁ CHUNG

Khung nội dung truyền thông quảng bá gồm 22 yếu tố để quảng bá hình ảnh địa phương, được tóm lược sơ đồ hệ thống như sau:

22 yếu tố trên bắt nguồn từ hai nhóm giá trị có liên kết mật thiết với nhau ở một quốc gia: nhóm yếu tố nền tảng và nhóm yếu tố trải nghiệm. Trong hai nhóm này sẽ bao gồm những cụm yếu tố cấu thành mang những đặc tính và giá trị riêng, từ đó giúp phản ánh hình ảnh địa phương, qua đó, phản ánh hình ảnh quốc gia một cách tổng quát và đa dạng. Được thuyết minh cụ thể như sau:

1. Truyền thông quảng bá về những giá trị đặt nền tảng cho sự phát triển của địa phương, thể hiện định hướng tầm nhìn dài hạn cho tương lai, xoay quanh tư tưởng, niềm tin và lối sống của con người, mang hệ giá trị bền vững của địa phương.

1.1. Truyền thông quảng bá về các giá trị nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của địa phương gồm các yếu tố: Ổn định xã hội; Môi trường phát triển bền vững; Đất nước cởi mở, khoan dung.

a) Truyền thông về sự ổn định xã hội

Xã hội ổn định là một trong những giá trị xã hội quan trọng, là lợi thế khác biệt và thu hút của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn. Ở địa phương, xã hội ổn định sẽ được phản ánh qua bộ máy tinh giản; công khai, minh bạch, rõ ràng trong cơ chế quản lý và lãnh đạo, quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng nhằm xây dựng niềm tin xã hội; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút và trọng dụng nhân tài cũng như có sự quản lý về truyền thông, đặc biệt trên không gian mạng, ngăn chặn các nguồn thông tin sai lệch và xuyên tạc về chính sách và tình hình địa phương… Do đó, để truyền thông quảng bá sự ổn định xã hội ở địa phương thì các địa phương cần làm tốt các nhiệm vụ chính trị, quản lý, đảm bảo duy trì xã hội ổn định, tăng niềm tin trong nhân dân về thực thi công vụ và quản trị xã hội.

b) Môi trường phát triển bền vững

Hình ảnh của một địa phương phát triển bền vững còn được phản ánh qua mức độ môi trường được quan tâm và bảo vệ, không bị phá hoại vì hoạt động phát triển kinh tế hay xã hội. Yếu tố môi trường phát triển bền vững của một địa phương được thể hiện qua các hoạt động giảm thiểu khí thải các-bon, hạn chế sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo và tiến tới sử dụng những nguồn năng lượng sạch ở từng địa phương, các dự án thực hiện đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường. Việc tổ chức truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương cần được lồng ghép, chủ động truyền đi thông điệp rõ về nỗ lực, giải pháp bảo vệ môi trường ở các địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

c) Đất nước cởi mở, khoan dung

Thái độ cởi mở, khoan dung cũng là một đặc tính quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh địa phương. Việc cởi mở, đón nhận các giá trị khác biệt và tôn trọng những tư tưởng - tôn giáo khác nhau sẽ giúp từng địa phương trở thành những vùng đất nhân văn và thu hút nhiều tầng lớp dân cư khác nhau. Các địa phương cần có chính sách cụ thể để lắng nghe và đối thoại với những nhóm thiểu số trong xã hội nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Các chương trình truyền thông quảng bá cần lồng ghép, nhấn mạnh tới yếu tố này để truyền thông quảng bá về một hình ảnh địa phương cởi mở, khoan dung, giàu nhân văn, nghĩa tình nhưng hiện đại, hướng tới các giá trị tốt đẹp của nhân loại.

1.2. Truyền thông quảng bá về chất lượng cuộc sống ở địa phương gồm các yếu tố thể hiện năng lực của một địa phương đáp ứng nhu cầu, phúc lợi của người dân, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển: Sức khỏe và giáo dục; Tiêu chuẩn sống của người dân; An toàn xã hội; Một địa phương đáng sống.

a) Sức khỏe và giáo dục

Sức khoẻ và giáo dục là hai yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Các địa phương phải xây dựng một hệ thống y tế hiện đại với các hình thức bảo hiểm linh hoạt nhằm giúp người dân được bảo vệ mọi mặt về thể chất và tinh thần; và một hệ thống giáo dục đồng bộ, theo hướng tân tiến, phổ cập toàn dân để tạo nền tảng xây dựng những thế hệ trẻ năng động và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Theo đó, truyền thông cần làm sáng tỏ những nỗ lực, kết quả đạt được của chính quyền địa phương trong việc xây dựng hệ thống y tế và giáo dục đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân; hướng tới xây dựng hệ y tế và giáo dục chất lượng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân trong và ngoài nước.

b) Tiêu chuẩn sống của người dân

[...]