Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Công văn 5175/THCN&DN của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện quy chế trường ngoài công lập

Số hiệu 5175/THCN&DN
Ngày ban hành 18/06/2002
Ngày có hiệu lực 18/06/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Đại Thành
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5175/THCN&DN
Về việc thực hiện quy chế trường ngoài công lập

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2002

 

Kính gửi:

- Các Sở giáo dục và đào tạo,
- Các trường THCN ngoài công lập

 

Ngày 28 tháng 8 năm 2001 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số: 39/2001/QĐ-BGD&ĐT ban hành "Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập". Để giúp các cơ quan quản lý có liên quan và các trường trung học chuyên nghiệp ngoài công lập (bao gồm: Bán công, Dân lập và Tư thục) thuận lợi trong việc thực hiện quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể một số nội dung dưới đây:

Điều 2. Chính sách khuyến khích

Tại Khoản 1: Các trường ngoài công lập được hưởng các chính sách khuyến khích:

- Về cơ sở vật chất, đất đai, thuế, lệ phí, tín dụng, bảo hiểm, thực hiện theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, ngày 19/8/1999 của Chính phủ "Về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao".

- Về chế độ tài chính được thực hiện theo Thông tư số 18/2000/TT-BTC ngày 01/03/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính khuyến khích đối với các cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao.

Điều 5. Điều kiện thành lập trường

- Tại Khoản 1: Các trường trung học chuyên nghiệp ngoài công lập được phép thành lập, ngoài việc có đủ các điều kiện quy định tại Điều lệ Trường trung học chuyên nghiệp, còn phải có thêm hai điều kiện sau:

1- Trường phải bảo đảm có đủ cơ sở vật chất cho hoạt động với quy mô ít nhất là 200 học sinh cho các ngành nghề đăng ký đào tạo (quy định tại Khoản 3, Điều 19 của Quy chế). Mỗi khóa học của một ngành phải có số học sinh tối thiểu là 30. Các trường hợp đặc biệt, do tính đặc thù của ngành đào tạo và điều kiện khó khăn của địa phương, không thực hiện được quy mô đó thì phải được sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2- Tỷ lệ giáo viên cơ hữu dự kiến từ năm học đầu tiên ít nhất đạt 30% tổng số giáo viên của nhà trường (quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 23 của Quy chế).

Điều 6. Hồ sơ xin thành lập trường

- Tại Khoản 1, Điều 6 của quy chế, chưa đòi hỏi phải có đầy đủ các Điều kiện ngay khi xét quyết định thành lập trường mà xét về khả năng và sự cam kết của chủ đầu tư đảm bảo có thể thực hiện được các điều kiện đó trong vòng từ 1-5 năm tới (tính từ ngày ký quyết định thành lập trường).

Để xin phép thành lập trường Trung học chuyên nghiệp ngoài công lập, đại diện tổ chức hoặc cá nhân xin thành lập trường phải lập đầy đủ hồ sơ gồm:

1- Tờ trình xin phép thành lập trường, trong đó ghi rõ:

- Tên trường

- Mục đích và nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường

- Địa điểm đặt trụ sở trường

- Dự kiến ngành nghề đào tạo

- Dự kiến quy mô tuyển sinh và đối tượng tuyển sinh

Sau phần nội dung, trong tờ trình phải có lời cam kết thực hiện các điều kiện thành lập trường và chữ ký của đại diện tổ chức hoặc cá nhân đứng tên xin thành lập trường.

2- Đề án tổ chức và hoạt động của trường, gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tên trường:

Trường trung học + Bán công (dân lập hoặc tư thục) + ngành đào tạo chính + tên riêng.

b) Trụ sở của trường: Xã (phường), Quận (huyện), Tỉnh (thành phố)

c) Các ngành đào tạo (liệt kê từng ngành đào tạo theo nội dung sau:)

- Tên ngành đào tạo.

- Mã ngành đào tạo.

[...]