Công văn 4569/BGDĐT-GDĐH năm 2020 kiến nghị về phương án thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số hiệu | 4569/BGDĐT-GDĐH |
Ngày ban hành | 29/10/2020 |
Ngày có hiệu lực | 29/10/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Như Nghệ |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4569/BGDĐT-GDĐH |
Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2020 |
Kính gửi: Bà Phan Thị Hương
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận được Công văn số 7684/VPCP-KSTT ngày 15/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của bà Phan Thị Hương về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2021 của Bộ GDĐT (gửi kèm thư phản ánh của Bà Phan Thị Hương) và có ý kiến như sau:
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục cần có những nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Nghị quyết trong tình hình mới; trong đó có yêu cầu đổi mới để tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng, hội nhập quốc tế đối với công tác thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ). Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp mạnh cho các địa phương, tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm của các các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nhằm thực hiện các mục tiêu đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục theo đúng quy định của Luật giáo dục số 43/2019/QH14 và Luật GDĐH số 34/2018/QH14.
Xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ trọng yếu nêu trên, cùng với việc kết thừa các kết quả đạt được của giai đoạn 2015 - 2019 và việc đổi mới thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020, Bộ GDĐT tổ chức nghiên cứu, xây dựng Phương án đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung của thế giới về phát triển giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT, chiều ngày 23/9/2020 Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể. Trong đó có nội dung về định hướng tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2021 được đa số thành viên hội đồng cơ bản nhất trí với một số điểm chính sau:
- Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như đã tổ chức năm 2020. Trong đó, sẽ phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở GDĐH.
- Sẽ tiếp tục tổ chức thi trên giấy; từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình GD phổ thông 2018. Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi thi, nhân lực, thiết bị, quy trình... Thi trên máy tính phải được tính toán để bảo đảm các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với học sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với học sinh giáo dục thường xuyên.
- Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được bổ sung về số lượng và đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.
- Trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc; đồng thời, có quy định (ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện) và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.
- Về tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Các cơ sở GDĐH tiếp tục sử dụng các phương thức: xét tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập cấp THPT, từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ GDĐT công nhận hoặc do các tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá... và kết hợp giữa các phương thức trên.
Để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, cơ sở đào tạo có phương án và kế hoạch triển khai rõ ràng và thực hiện đúng cam kết để xã hội có lòng tin, ủng hộ. Công tác tuyển sinh của trường cần ổn định trong nhiều năm, nếu dự định thay đổi lớn cần thông báo trước 3 năm.
Các cơ sở GDĐH sử dụng phương thức tuyển sinh cần đảm bảo thí sinh trúng tuyển có năng lực học tập phù hợp với ngành đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Riêng việc tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên, cần thúc đẩy để cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn (nghị định về học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí sư phạm...). Ngoài ra, cần linh hoạt trong nguồn tuyển (không chỉ phụ thuộc vào thi tốt nghiệp THPT).
Các nội dung trên đã được các thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể đồng thuận. Bộ GDĐT đang tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Bộ GDĐT trân trọng cảm ơn Bà đã quan tâm và có ý kiến đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà.
Trân trọng ./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |