Công văn 4475/UBND-KTTC hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 4475/UBND-KTTC
Ngày ban hành 29/11/2011
Ngày có hiệu lực 29/11/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Diễn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4475/UBND-KTTC
V/v hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ

Đắk Nông, ngày 29 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa.

 

Thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; Công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ NSNN và TPCP.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:

1. Về quyết định phê duyệt dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ:

Trong khi chưa sửa đổi phân cấp quản lý đầu tư, các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tuân thủ đúng quy định hiện hành về thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình (dưới đây gọi chung là dự án), gồm các dự án mới và dự án điều chỉnh quyết định đầu tư từ ngày 25 tháng 10 năm 2011 (dưới đây gọi tắt là quyết định đầu tư).

Trước khi quyết định đầu tư, các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn thực hiện dự án và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là nội dung quan trọng, phải có trong hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (Mẫu hồ sơ thẩm định về nguồn vốn theo Phụ lục số 1 và số 2 kèm theo Công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Cơ quan thẩm định về nguồn vốn:

- Đối với nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có ý kiến thẩm định về nguồn vốn.

- Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác do địa phương quản lý: Sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định về nguồn vốn.

2. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc phê duyệt quyết định đầu tư và triển khai thực hiện các dự án của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã:

a) Đối với các dự án có quyết định đầu tư từ ngày 25/10/2011 trở đi:

Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định đầu tư, các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã gửi quyết định đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư.

b) Đối với các dự án mới đã phê duyệt hoặc dự án có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư trước ngày 25/10/2011, nhưng chưa khởi công hoặc chưa thực hiện phần điều chỉnh tổng mức đầu tư: Trước ngày 15/12/2011 phải gửi các quyết định đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, cho ý kiến về khả năng cân đối nguồn vốn (đối với các dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác do địa phương quản lý), hoặc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho ý kiến về khả năng cân đối nguồn vốn (đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ).

c) Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn là nội dung quan trọng trong hồ sơ dự án và thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, không bảo đảm cân đối vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ dẫn đến bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí, tốn thất thì người ký quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về những lãng phí, tổn thất do việc phê duyệt quyết định đầu tư gây ra và phải xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Đối với các dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về nguồn vốn, đủ điều kiện bố trí vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh cân đối vốn để hoàn thành dự án theo quy định.

d) Từ năm 2012, không bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới hoặc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, nếu trong hồ sơ phê duyệt dự án không có ý kiến thẩm định chấp thuận về nguồn vốn của cơ quan có thẩm quyền.

Tất cả các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ chỉ được thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch được giao, để không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Trường hợp thật sự cần thiết phải bổ sung thêm vốn ngoài kế hoạch được giao hoặc cần điều chuyển vốn trong nội bộ ngành, lĩnh vực và các chương trình mục tiêu, phải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn quyết định. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tự cân đối các nguồn vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền.

Việc cấp phát và ứng chi vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ từ Kho bạc Nhà nước cho các dự án đầu tư (trong kế hoạch) phải căn cứ vào khối lượng thực hiện. Đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn tối đa là 30% kế hoạch vốn được giao hàng năm của dự án. Việc cấp phát và ứng chi tiếp theo chỉ được thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.

3. Về tổng hợp, giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm 2012:

a) Nguyên tắc bố trí vốn ngân sách Nhà nước:

- Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng đến trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn (dưới đây gọi tắt là các dự án hoàn thành), theo thứ tự ưu tiên: các dự án hoàn thành đến ngày 31/12/2010; các dự án hoàn thành từ 01/01/2011 đến ngày 31/10/2011; các dự án dự kiến hoàn thành từ ngày 01/11/2011 đến trước ngày 31/12/2011.

- Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 (theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2012) và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án.

- Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án chuyển tiếp và một số dự án mới thật sự cần thiết. Đối với dự án mới phải có đủ các thủ tục đầu tư bao gồm: quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán được phê duyệt trước ngày 25/10/2011. Mức vốn bố trí cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm nguyên tắc tổng số vốn bố trí cho từng dự án mới (gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác), so với tổng mức vốn đầu tư của dự án được duyệt phải bảo đảm tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% do dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C.

- Việc bố trí vốn đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp phải bảo đảm dự án nhóm B hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm.

b) Rà soát, lập danh mục các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư từ ngân sách Nhà nước:

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tiến hành rà soát, lập danh mục các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

- Danh mục các dự án hoàn thành đã bàn giao và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011, nhưng chưa bố trí đủ vốn, bao gồm:

+ Danh mục các dự án hoàn thành đã bàn giao và đưa vào sử dụng đến ngày 31/10/2011.

[...]