Hướng dẫn 442/SXD-QLCL về tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 442/SXD-QLCL
Ngày ban hành 24/06/2009
Ngày có hiệu lực 24/06/2009
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Lê Văn Trúc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

UBND TỈNH PHÚ YÊN
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 442/SXD-QLCL

Tuy Hoà, ngày 24 tháng 6 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

“VỀ VIỆC THAM GIA HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN”

Căn cứ Luật khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản số 46/2005/QH, ngày 14/6/2005 của Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính Phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 160/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính Phủ về Quản lý Vật liệu xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 11/2007/TT-BXD, ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng, về “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 124/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 11/3/2009 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.
Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng ( VLXD ) nói chung và VLXD thông thường nói riêng; từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết VLXD trên địa bàn Tỉnh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phê duyệt và những định hướng của quy hoạch nêu trên.
Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn Tỉnh, phải thực hiện theo hướng dẫn một số nội dung có liên quan tại văn bản này và các quy định khác của pháp luật.

I. VỀ THỰC HIỆN THEO QUY HOẠCH VLXD THÔNG THƯỜNG:

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường, phải tuân thủ “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Phú Yên đến 2015 và định hướng đến năm 2020”, ban hành kèm theo Quyết định số 413/2009/QĐ-UBND, ngày 11/3/2009 của UBND tỉnh Phú Yên và những hướng dẫn tại văn bản này;

- Quy hoạch mang tính chất định hướng nên vị trí cụ thể các mỏ, điểm mỏ các loại khoáng sản nêu trong quy hoạch phải được các cơ quan có liên quan thoả thuận theo lĩnh vực mà ngành, địa phương quản lý;

- Ưu tiên các điểm quy hoạch có trữ lượng lớn, vị trí nằm gần trung tâm hành chính thuận lợi cho việc khai thác, góp phần hạ giá thành nguyên vật liệu do kinh phí vận chuyển gây ra. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cân đối nhu cầu trên địa bàn Huyện, Thành phố tổ chức khai thác tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, hạ giá thành sản phẩm;

- Đối với những khu vực có khoáng sản làm VLXD thông thường nhỏ lẻ, đã và đang khai thác với trữ lượng nhỏ và không có trong bản đồ Quy hoạch này thì giải quyết khai thác tận thu làm VLXD thông thường phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Nhưng phải có biện pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ, tránh việc lợi dụng khai thác vượt mức quy định, gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan khu vực;

- Riêng đá xây dựng, kiên quyết đóng cửa mỏ phục hồi môi trường đối với các mỏ trong khu vực đô thị khi hết hạn khai thác; không thực hiện cấp phép mới để khai thác khoáng sản làm VLXD đối với các khu vực quy hoạch đô thị hoặc điểm dân cư nông thôn;

- Trường hợp khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của Tỉnh; quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước và không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, phải được đánh giá bổ sung vào quy hoạch trước khi lập thủ tục thăm dò, khai thác.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN LÀM VLXD THÔNG THƯỜNG

1. Khoáng sản làm VLXD thông thường

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm các khoáng sản có thành phần, tính chất cơ lý, cấu tạo, màu sắc hoặc tính chất khác không đạt yêu cầu làm nguyên liệu để chế biến, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu thông thường theo tiêu chuẩn Việt Nam.

2. Danh mục khoáng sản làm VLXD thông thường

a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có các khoáng vật casiterit, volfiamit, monazit, ziricon, ilmenit và vàng đi kèm.

b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản xuất vật liệu chịu lửa samot theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc sản xuất xi măng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

c) Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, các nguyên tố xạ, hiếm hoặc không đạt yêu cầu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

d) Các loại đá trầm tích (trừ các đá chứa keramzit, diatomit), đá magma (trừ đá bazan dạng cột, dạng bọt), đá biến chất không chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, đá quý, bán quý và các nguyên tố xạ, hiến, không đáp ứng yêu cầu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam, không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu trường thạch (felspat) sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

e) Đá phiến các loại, trừ đá phiến lợp, đá phiến cháy và đá phiến có chứa khoáng vật serixit, disten, hoặc silimanit với hàm lượng lớn hơn 30%.

g) Các loại cuội, sỏi, sạn không chứa vàng, platin, đá quý và bán quý (thạch anh mỹ nghệ, topa, beril, ruby, saphia, ziricon), đá ong không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại.

h) Các loại đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

i) Đá đolomit có hàm lượng MgO nhỏ hơn 15%, đá đolomit không đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy tinh xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

3. Thẩm quyền, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thường:

Uỷ ban nhân dân Tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, thẩm định và xét duyệt trữ lượng khoáng sản:

- Trước khi lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; tổ chức, cá nhân phải lập thủ tục xin chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền cho phép của UBND Tỉnh.

- Sau khi có chủ trương đầu tư, các tổ chức, cá nhân lập thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; thủ tục đề nghị thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường; hồ sơ đề nghị thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

5. Điều kiện hoạt động thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường:

[...]