Công văn về việc áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế

Số hiệu 442/KHXX
Ngày ban hành 18/07/1994
Ngày có hiệu lực 18/07/1994
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký
Lĩnh vực Doanh nghiệp

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 442/KHXX

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 442/KHXX NGÀY 18-7-1994 VỀ VIỆC ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH TẾ.

 

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-3-1994 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1994. Về cơ bản, nhiều quy định trong Pháp lệnh này tương tự như các quy định tương ứng trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; do đó, khi thi hành các quy định của Pháp lệnh này, các Toà án nhân dân địa phương cần nắm chắc các hướng dẫn trong Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 1-10-1990 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các công văn của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên cũng có một số quy định của Pháp lệnh này mang tính chất đặc thù của việc giải quyết tranh chấp kinh tế nên có sự khác nhau với một số quy định tương ứng của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Để việc thi hành các quy định của Pháp lệnh này được đúng đắn và thống nhất, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án nhân dân các cấp một số điểm sau đây:

I - VỀ CÁC VỤ ÁN KINH TẾ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TOÀ ÁN:

Theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh thì Toà án có thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế sau đây:

1. "Các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân; giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh".

Khi thi hành quy định này cần chú ý:

a) Pháp nhân là tổ chức có đủ các điều kiện được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế v.v... Pháp nhân trong các tranh chấp về hợp đồng kinh tế thường hay gặp là: Doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp có 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp của các tổ chức, đoàn thể xã hội...

b) Cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật là người đã được cấp giấy phép kinh doanh và đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan Trọng tài kinh tế từ trước ngày 1-7-1994 hoặc Uỷ ban kế hoạch từ ngày 1-7-1994, (thường được gọi là doanh nghiệp tư nhân).

2. "Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty".

a) Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty: Đây là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng bản quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.

b) Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau: Đây là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.

3. "Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu"...

Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu... là các tranh chấp về mua, bán cổ phiếu, trái phiếu đã phát hành và cổ phiếu mới, trái phiếu mới sắp phát hành của công ty cổ phần.

4. "Các tranh chấp kinh tế khác theo quy định của pháp luật".

Các tranh chấp kinh tế khác theo quy định của pháp luật cần được hiểu là các tranh chấp mà trong tương lai khi ban hành văn bản pháp luật trong đó có quy định đó là các tranh chấp kinh tế và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân.

II - VỀ THẨM QUYỀN CỦA CÁC TOÀ ÁN:

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh thì Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài; do đó, khi thi hành quy định này cần chú ý là Toà án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế có đầy đủ cả ba điều kiện sau đây:

a) Phải là tranh chấp về hợp đồng kinh tế;

b) Giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng;

c) Không có nhân tố nước ngoài.

2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh thì Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả những vụ án kinh tế quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh, trừ những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện tức là những vụ án kinh tế có đầy đủ cả ba điều kiện theo hướng dẫn tại điểm 1 mục này.

Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng quy định trong trường hợp cần thiết Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án kinh tế thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện.

Trường hợp cần thiết thường là: Khi vụ án có nhiều tình tiết phức tạp; khi vụ án có nhiều đương sự ở trên địa bàn thuộc các huyện khác nhau và xa nhau; Toà án cấp huyện chưa có Thẩm phán để có thể phân công giải quyết vụ án kinh tế, hoặc tuy có Thẩm phán để có thể phân công giải quyết vụ án kinh tế, nhưng thuộc một trong các trường hợp phải thay đổi Thẩm phán mà không có Thẩm phán khác để thay thế.

3. Theo quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh thì trong một số trường hợp nhất định, có nhiều Toà án có thẩm quyền giải quyết một vụ án kinh tế cụ thể và nguyên đơn có quyền lựa chọn một trong các Toà án đó. Để tránh việc có tranh chấp về thẩm quyền, thì Toà án nào thuộc một trong các Toà án có thẩm quyền mà nhận được đơn khởi kiện trước tiên của nguyên đơn, đã dự tính tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn và nguyên đơn xuất trình chứng từ về việc nộp tiền tạm ứng án phí, có thẩm quyền thụ lý vụ án theo đúng quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh.

4. Sau khi thụ lý vụ án kinh tế, nếu phát hiện việc giải quyết vụ án không thuộc thẩm quyền của mình, thì Toà án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền giải quyết, trong đó cần nêu rõ lý do chuyển hồ sơ vụ án, đồng thời phải thông báo ngay cho nguyên đơn biết.

Trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền, thì những Toà án có tranh chấp đó phải báo cáo ngay lên Toà án cấp trên trực tiếp để Toà án đó quyết định việc giao cho Toà án nào giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ