Công văn 440/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 440/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 28/12/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
440/TB-VPCPVĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 440/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2011/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC
Ngày 30 tháng 11 năm 2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Cùng dự họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05 về công tác dân tộc, phát biểu tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những nỗ lực và thành tựu đạt được trong 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 05 về công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các địa phương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cơ bản đồng ý với báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05 do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng.
1. Một số kết quả cụ thể:
a) Vùng dân tộc và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn sinh sống chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái của cả nước; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu, là vùng căn cứ địa cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số có truyền thống yêu nước, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc và miền núi.
b) Cho đến nay, Nghị định số 05 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất, có tính đột phá, tạo khuôn khổ pháp Luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc.
Thực hiện Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; ban hành Chỉ thị số 28 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phê duyệt nhiều đề án, chương trình, chính sách dân tộc.
c) Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định; phối hợp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện tương đối toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc và lồng ghép với một số chương trình, chính sách khác có mục tiêu lớn như: Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135....; ngoài chính sách chung, nhiều địa phương còn ban hành một số chính sách đặc thù phù hợp với tình hình địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp dần vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
d) Trong giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, bố trí 136 nghìn tỷ đồng đầu tư cho vùng dân tộc miền núi và thực hiện các chính sách dân tộc (riêng 9 chính sách cho Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý đã được bố trí 27,5 nghìn tỷ đồng); tổng dư nợ tín dụng chính sách cho khu vực này đến cuối năm 2015 đạt gần 136 nghìn tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được hoàn thiện, sản xuất phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi rõ nét. Đến giữa năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 16,8%; 92,7% số thôn, bản, xã có điện lưới quốc gia, 4,1% được sử dụng các nguồn điện khác; 97,6% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã (trong đó 71,9% là đường nhựa hoặc bê tông); trường học kiên cố đạt 77,1%, bán kiên cố 21,0%; trạm y tế kiên cố đạt 67,8%; bán kiên cố 31%.
đ) Cơ quan làm công tác dân tộc ở trung ương và địa phương, hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc ngày càng tốt hơn.
2. Một số hạn chế, yếu kém:
a) Các quy định tại Nghị định là quy định chung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chưa được thường xuyên, liên tục.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện ở một số bộ, ngành chưa kịp thời, còn hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc bố trí kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, dự án chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra (bình quân chỉ đáp ứng 40 - 60% kế hoạch). Chính sách tạo việc làm tuy đã được lồng ghép với chính sách giảm nghèo nhưng trong thực hiện còn nhiều bất cập; việc phân cấp đối với các địa phương triển khai chậm, hiệu quả chưa cao.
b) Chế độ chính sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu; mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế; thực hiện chính sách cử tuyển còn bất cập; một số xã chưa có trường mầm non; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập ở nhiều địa phương còn thiếu.
c) Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các bộ, ngành trung ương còn thấp; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ người dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách đối với người có uy tín.
Số lượng bác sỹ ở các trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp, nhất là vùng Tây Bắc (32,4%); người có bảo hiểm y tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận với dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn.
d) Cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao chưa được đầu tư đồng bộ; kinh phí bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc còn ít; việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các dân tộc rất ít người còn gặp nhiều khó khăn.
đ) Kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp Luật, trợ giúp pháp lý cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Đây là những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và tập trung nguồn lực hơn nữa để giải quyết trong thời gian tới.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Công tác dân tộc trong thời gian tới rất nặng nề nhưng có ý nghĩa quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác này; nhận rõ trách nhiệm và đề cao quyết tâm, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp Luật của Nhà nước về công tác dân tộc; trong đó, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, với tinh thần đổi mới, sáng tạo Nghị định 05, Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Về Nghị định 05, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Đối với các bộ, ngành
a) Ủy ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp Luật cho giai đoạn 2016-2021.
Về đề xuất chủ trương xây dựng “Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi”: Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức nghiên cứu toàn diện, làm rõ hơn về sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng; đối tượng, phạm vi Điều chỉnh và nội dung; đánh giá tác động và các vấn đề khác có liên quan của Luật. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đó, trong năm 2017 đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương xây dựng, ban hành Luật.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.