Công văn 4390/CT-TTHT về chính sách thuế do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 4390/CT-TTHT |
Ngày ban hành | 13/06/2012 |
Ngày có hiệu lực | 13/06/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Trần Thị Lệ Nga |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Lao động - Tiền lương |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4390/CT-TTHT |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 6 năm 2012 |
Kính gửi: |
Công ty TNHH MTV
Nam An Suntop |
Trả lời văn thư số 02/NA-2012 và số 03/NA-2012 ngày 07/05/2012 của Công ty về chính sách thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:
1) Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN):
+ Đối với cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công:
- Tại mục II phần C Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/09/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Thuế TNCN quy định:
“1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%.
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được bằng tiền và không bằng tiền do thực hiện công việc tại Việt Nam không phân biệt nơi trả thu nhập.
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 mục I phần B Thông tư này”.
Trường hợp Tổng giám đốc của Công ty là người nước ngoài (người Nhật) là cá nhân không cư trú tại Việt Nam trong năm tính thuế thì Công ty có trách nhiệm tính, khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất 20% trên toàn bộ thu nhập mà Công ty chi trả ông.
+ Đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công:
- Tại mục I phần B, mục II phần C, Khoản 2.9.1 Mục II Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/09/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Thuế TNCN quy định:
“Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất.
Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ các khoản sau:
- Các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác theo quy định của pháp luật.
- Các khoản giảm trừ gia cảnh.
- Các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học”.
“Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh tại nước ngoài phải khai và nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.”
Trường hợp Công ty có nhân viên người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam trong năm tính thuế, vừa có phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công tại Việt Nam do Công ty chi trả, vừa có phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công tại Nhật do Công ty nước ngoài chi trả thì hàng tháng Công ty có trách nhiệm tính, khấu trừ thuế TNCN trên khoản tiền lương, tiền công và các khoản lợi ích vật chất (tiền hà, điện, nước...) do Công ty thực chi trả cho cá nhân. Đồng thời cá nhân người nước ngoài phải kê khai, nộp thuế TNCN đối với khoản thu nhập phát sinh tại nước ngoài theo mẫu số 07/KK-TNCN để nộp vào NSNN. Kết thúc năm, cá nhân này phải trực tiếp kê khai quyết toán thuế với cơ quan thuế. Khi quyết toán được trừ số thuế đã nộp ở Nhật Bản theo quy định nêu trên.
2) Về chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):
- Tại điểm 2.5.a mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định khoản chi tiền lương, tiền công không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
“Chi tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật”.
- Tại tiết g, khoản 2, Điều 1 Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm 2.9 Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuề Thu nhập doanh nghiệp (TNDN):
“Không tính vào chi phí được trừ: Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động; Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và nước ngoài vượt quá 2 lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước”.
Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp được tính vào chi phi được trừ căn cứ theo hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Trường hợp Công ty có chi trả tiền lương cho Tổng giám đốc nhưng không căn cứ theo Hợp đồng lao động thì khoản chi này không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Trường hợp Công ty ký hợp đồng lao động thuê người nước ngoài làm việc theo đúng quy định của pháp luật, tại hợp đồng lao động có quy định ngoài tiền lương Công ty phải trả thêm các khoản: tiền thuê chỗ ở, tiền điện, nước thì các khoản chi phí nêu trên có hóa đơn hợp pháp ghi tên, địa chỉ và mã số thuế của Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.