Công văn 4336/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 4336/TCT-HTQT
Ngày ban hành 06/10/2014
Ngày có hiệu lực 06/10/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Nguyễn Đức Thịnh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4336/TCT-HTQT
V/v áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế TP. Hà Nội.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 31651/CT-KT1 ngày 26/6/2014 của Cục Thuế TP. Hà Nội đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với một số nước/vùng lãnh thổ. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Đối với các Hợp đồng giữa Tổng công ty hàng không Việt Nam (VAC) với Nhà thầu Direct Personel Internaional (DPI) và Nhà thầu Parc Aviation Limited (PARC) - Áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Ai-len:

1.1. Quy định tại Hợp đồng:

- Điều 2 - Cung cấp thành viên tổ bay - Hợp đồng số 05/08 - VAC - DPL ngày 12/12/2008 quy định:

“2.1. ...Bên B đồng ý cung cấp các Thành viên Tổ bay đáp ứng trình độ chuyên môn liên quan cho VAC để đảm nhận các nhiệm vụ được giao cho thời gian thực hiện nhiệm vụ như các bên đồng ý trong Hợp đồng phụ.”

- Điều 2 - Cung cấp thành viên tổ bay - Hợp đồng không số ngày 07/3/2008 quy định:

“2.1. ...Bên B đồng ý cố gắng hết sức để cung cấp các Thành viên Tổ bay đáp ứng được các trình độ chuyên môn liên quan cho VAC để đảm nhận các nhiệm vụ được giao trong Thời gian thực hiện nhiệm vụ như các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng phụ.”

- Điểm 7.1 - Thời hạn - Hợp đồng số 05/08 - VAC - DPL ngày 12/12/2008 quy định:

“a) Hợp đồng này sẽ bắt đầu từ ngày có hiệu lực và chấm dứt hai (2) năm tính từ ngày có hiệu lực hoặc ngày khác được định rõ theo các Điều khoản của Hợp đồng này.

b) Hợp đồng này có thể được kéo dài thêm một thời hạn (3) năm nữa tùy theo phê chuẩn bởi VAC sau khi tiến hành kiểm toán DPI vào khoảng kết thúc của thời hạn 2 năm chính thức ban đầu như đã được đưa ra trong điều này và thông báo chính thức bởi VAC về sự phê chuẩn đó. Hợp đồng này sẽ được chấm dứt bằng cách VAC đưa ra thông báo bằng văn bản 2 tháng trước ngày chấm dứt chính thức của Hợp đồng này và tùy theo thỏa thuận bằng văn bản của cả hai bên.

…”

- Điểm 7.1 - Thời hạn - Hợp đồng không số ngày 07/3/2008 quy định:

“Hợp đồng này sẽ bắt đầu từ ngày có hiệu lực và kết thúc vào ngày 14 tháng 9 năm 2013 hoặc ngày khác được xác định phù hợp với các điều khoản của Hợp đồng này hoặc những Hợp đồng đang hiện hành khác. Hợp đồng này có thể được kéo dài bằng cách VAC thông báo bằng văn bản trước ngày chính thức kéo dài Hợp đồng này 2 thángtùy thuộc vào thỏa thuận bằng văn bản của cả hai Bên.”

Theo các quy định nêu trên tại các Hợp đồng, dịch vụ do DPI và PARC cung cấp cho VAC là dịch vụ cung cấp các thành viên tổ bay đáp ứng được trình độ chuyên môn được thực hiện trong thời hạn 2 năm.

1.2. Xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của Hiệp định thuế giữa Việt Nam - Ai Len

Khoản 3, Điều 13 (Phí dịch vụ kỹ thuật), Hiệp định thuế giữa Việt Nam - Ailen quy định về phí dịch vụ kỹ thuật như sau:

“Thuật ngữ “phí dịch vụ kỹ thuật” được dùng tại Điều này có nghĩa là các khoản thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào trả cho một đối tượng, không phải là một người làm thuê của đối tượng tiến hành chi trả, vì các dịch vụ mang tính chất kỹ thuật, quản lý, đào tạo hoặc tư vấn”.

Theo quy định nêu trên, dịch vụ kỹ thuật là các dịch vụ mang tính chất kỹ thuật, quản lý, đào tạo hoặc tư vấn. Như vậy, việc cung cấp Thành viên Tổ bay của DPI và PARC cho VAC tại Hợp đồng nêu trên là cung cấp dịch vụ lao động không phải là cung cấp dịch vụ kỹ thuật, nên thu nhập DPI và PARC thu được từ việc thực hiện Hợp đồng với VAC được coi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh và sẽ thuộc diện điều chỉnh của Khoản 1, Điều 7 (Lợi tức doanh nghiệp) của Hiệp định thuế giữa Việt Nam - Ailen. Cụ thể:

“1. Lợi nhuận của một doanh nghiệp của một Nước ký kết sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ trường hợp doanh nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước ký kết kia. Nếu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các khoản lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị đánh thuế tại Nước kia nhưng chỉ trên phần lợi nhuận phân bổ cho:

a. cơ sở thường trú đó”

Đồng thời Khoản 1 và Khoản 4b Điều 5 (Cơ sở thường trú) Hiệp định thuế Việt Nam - Ai-len quy định:

“1. Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ “cơ sở thường trú” có nghĩa là một địa điểm kinh doanh cố định mà qua đó doanh nghiệp thực hiện toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của mình.

4. Thuật ngữ “cơ sở thường trú” cũng bao gồm:

...b. Việc cung cấp các dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn do một doanh nghiệp thực hiện thông qua những người làm công hoặc những đối tượng khác được doanh nghiệp giao thực hiện các hoạt động trên, nhưng chỉ khi các hoạt động mang tính chất nêu trên kéo dài (trong cùng một dự án hoặc một dự án có liên quan) tại một nước trong một giai đoạn gộp lại hơn 6 tháng trong bất kỳ giai đoạn 12 tháng”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên và các quy định tại Hợp đồng, DPI và PARC cung cấp dịch vụ cho VAC là cung cấp dịch vụ lao động (DPI và PARC cử các thành viên tổ bay sang VAC thực hiện công việc), đồng thời việc cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua các thành viên tổ bay của DPI và PARC cho VAC có thời hạn trên 6 tháng nên việc thực hiện Hợp đồng đã tạo thành cơ sở thường trú của DPI và PARC tại Việt Nam. Do vậy, thu nhập của DPI và PARC từ việc thực hiện Hợp đồng cung cấp các thành viên tổ bay cho VAC sẽ phải chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú.

2. Đối với Hợp đồng giữa VAC và Nhà thầu Pacific Aviation International Inc (EURO) - Áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Malaysia:

2.1. Quy định tại Hợp đồng:

[...]