Công văn 84/TY-DT năm 2023 hướng dẫn giám sát dịch bệnh trên chim yến để xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc do Cục Thú y ban hành

Số hiệu 84/TY-DT
Ngày ban hành 17/01/2023
Ngày có hiệu lực 17/01/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Thú y
Người ký Nguyễn Văn Long
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/TY-DT
V/v hướng dẫn giám sát dịch bệnh trên chim yến để xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các Chi cục Thú y vùng;
- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố;
- Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tổ yến.

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực từ ngày 09/11/2022. Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc theo đúng yêu cầu trong Nghị định thư, Cục Thú y hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh trên chim yến tại các nhà nuôi yến dẫn dụ, hang tự nhiên có chim yến sinh sống (sau đây gọi chung là nhà yến), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Phát hiện, chứng minh có hay không vi rút Cúm gia cầm, vi rút Niu-cát-xơn lưu hành tại các cơ sở nuôi chim yến, cơ sở sản xuất tổ yến để có giải pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả; đồng thời để cung cấp bằng chứng cho các đối tác nhập khẩu tổ yến.

II. NỘI DUNG GIÁM SÁT

1. Yêu cầu đối với việc giám sát dịch bệnh trên chim yến

- Yêu cầu về các bệnh cần giám sát: Bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên chim yến.

- Yêu cầu về đăng ký các nhà yến để giám sát dịch bệnh: Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) gửi danh sách các nhà yến có tổ yến để xuất khẩu đến Cục Thú y (email: dichte.dah@gmail.com), Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn và Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

2. Địa điểm giám sát

Nhà yến của doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

3. Phương pháp và lấy mẫu giám sát

a) Giám sát lâm sàng

- Hoạt động giám sát lâm sàng được thực hiện tại toàn bộ các nhà yến có sản phẩm tổ yến xuất khẩu.

- Hằng ngày, chủ nhà yến thực hiện theo dõi tình trạng sức khỏe của chim yến; nếu phát hiện chim yến ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y địa phương.

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố phối hợp với Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn để điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân các trường hợp yến ốm, chết bất thường và hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.

b) Giám sát chủ động phát hiện mầm bệnh

- Tính toán số lượng nhà yến để lấy mẫu: Doanh nghiệp lựa chọn ngẫu nhiên số lượng nhà yến có sản phẩm tổ yến xuất khẩu dựa trên danh sách của doanh nghiệp với tỷ lệ lưu hành ước đoán là 10%, xác suất để phát hiện được bệnh là 95% được tính theo công thức sau:

n: Số lượng nhà yến cần lấy mẫu

p1: Xác suất để phát hiện được bệnh 95%

d: Số nhà yến dương tính ước đoán (d=N x p2)

p2: Tỷ lệ lưu hành ước đoán 10%

N: Tổng số nhà yến của doanh nghiệp

Hoặc tham khảo bảng tính toán số lượng nhà yến theo Phụ lục đính kèm.

- Sau 02 đợt lấy mẫu liên tục, doanh nghiệp rà soát danh sách nhà yến và lựa chọn ngẫu nhiên các nhà yến (theo phương pháp nêu trên) cho những đợt lấy mẫu giám sát tiếp theo.

- Trường hợp một doanh nghiệp có các nhà yến ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì lựa chọn nhà yến đảm bảo đại diện cho từng tỉnh, thành phố.

c) Loại mẫu, số lượng mẫu và tần suất lấy mẫu

- Loại mẫu: Mẫu phân mới của chim yến tại khu vực bên trong nhà yến.

- Số lượng mẫu: Tại mỗi nhà yến, lấy mẫu phân mới của chim yến tại 15 vị trí khác nhau bằng tăm bông. Gộp 05 mẫu phân thành 01 mẫu xét nghiệm (tổng số là 03 mẫu gộp/01 nhà yến).

- Tần suất lấy mẫu giám sát: 06 tháng/đợt lấy mẫu.

d) Bảo quản và vận chuyển mẫu

- Mỗi mẫu gộp được cho vào từng ống đựng mẫu riêng biệt đã được đánh dấu, ký hiệu và có môi trường bảo quản mẫu bên trong ống (theo quy trình lấy mẫu và bảo quản mẫu hiện hành);

- Trong quá trình lấy mẫu và vận chuyển, mẫu phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh (2 – 8°C) và được chuyển tới phòng xét nghiệm thuộc Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn càng sớm càng tốt;

[...]