Công văn 4201/KTTH của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác thu thuế xuất, nhập khẩu 6 tháng cuối năm 1996

Số hiệu 4201/KTTH
Ngày ban hành 28/08/1996
Ngày có hiệu lực 28/08/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4201/KTTH

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 4201/KTTH NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 1996 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THU THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU 6 THÁNG CUỐI NĂM 1996

Kính gửi:

- Tổng cục Hải quan,
- Bộ Thương mại,
- Bộ Tài chính,
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
- Bộ Nội vụ,
- Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng,
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới,

 

Ngày 14 tháng 8 năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các Bộ Thương mại, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá tình hình hoạt động của ngành Hải quan năm 1996. Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ý kiến của các Bộ về tình hình thu thuế xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 1996, thực trạng công tác đấu tranh chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận những cố gắng của ngành Hải quan trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được kết quả tích cực. Số thu thuế xuất, nhập khẩu 6 tháng so với cùng kỳ năm 1995 có tăng, nhưng so với nhiệm vụ kế hoạch cả năm thì còn thấp, chưa tương xứng. Việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thuế xuất, nhập khẩu năm 1996 đến mức cao nhất có ý nghĩa tích cực kỳ quan trọng, đòi hỏi ngành Hải quan phải phấn đấu quyết liệt hơn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Hải quan, các Bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt các chủ tương, biện pháp sau đây:

1- Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng và Uỷ ban nhân dân các địa phương tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 575/TTG ngày 24 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp chống nợ đọng thuế xuất, nhập trong năm 1996.

Ngành Hải quan phải tổ chức lực lượng đủ mạnh để điều tra những đường dây buôn lậu móc nối từ biên giới vào nội địa, được phép chủ động phối hợp với các lực lượng khác (quản lý thị trường, nội vụ, thuế vụ) phát hiện và xử lý kịp thời những ổ nhóm thuộc đường dây buôn lậu từ biên giới nằm sâu ngay tại các địa điểm trong nội địa.

Ngành Hải quan phải tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong ngành, rèn luyện tác phong xử lý công việc nhạy bén, nhanh, gọn, đúng pháp luật, xử lý kỷ luật nghiêm minh các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, cố ý gây phiền hà, sách nhiễu với khách hàng, gây trì trệ lưu thông hàng hoá, thất thu thuế.

2- Bộ Tài chính căn cứ vào khung thuế suất thuế xuất, nhập khẩu đã được Quốc hội phê chuẩn, xem xét điều chỉnh lại thuế suất một số danh mục mặt hàng cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh ở trong nước nhằm bảo đảm công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, tăng thu cho ngân sách, đồng thời ngăn chặn việc phát sinh áp lực lợi dụng trốn thuế.

3- Trước mắt, hàng năm số thuế xuất khẩu, nhập khẩu thu vượt kế hoạch qua các cửa khẩu quốc gia, quốc tế tại các tỉnh biên giới đất liền được để lại cho ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho địa phương.

Đối với các khoản thu được từ kết quả chống buôn lậu, tiền phạt trốn thuế qua biên giới, qua chợ đường biên do các lực lượng kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý tại địa phương nào thì để lại cho ngân sách địa phương đó. Các địa phương được sử dụng khoản tiền này để bổ sung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và trích thưởng cho các đơn vị, cá nhân, lực lượng có thành tích trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ việc điều hoà giữa số thu thuế xuất, nhập khẩu và số trợ cấp cố định đối với các tỉnh biên giới đất liền mà hàng năm các tỉnh này phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương theo nguyên tắc đảm bảo chấp hành Luật ngân sách do Quốc hội đã phê chuẩn, đồng thời tạo động lực thúc đẩy việc tận thu thuế xuất, nhập khẩu ở địa phương.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, nhất là các tỉnh giáp biên giới đất liền chịu trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên địa bàn của tỉnh.

4- Bộ Thương mại chủ trì cùng với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo việc hoàn thành kế hoạch xuất, nhập khẩu năm 1996; bàn thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để mở rộng việc nhập khẩu các vật tư, nguyên liệu, hàng tiêu dùng bao gồm cả ôtô và xe gắn máy để góp phần cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ở trong nước.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)