Công văn 419/TTg-KTTH năm 2021 dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 419/TTg-KTTH
Ngày ban hành 02/04/2021
Ngày có hiệu lực 02/04/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 419/TTg-KTTH
V/v dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác Trung ương;
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Trung ương Đng;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Căn cứ Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1642/TTr-BKHĐT ngày 24 tháng 3 năm 2021, văn bản số 1701/BKHĐT-TH ngày 29 tháng 3 năm 2021 về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân các tnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội và Tập đoàn điện lực Việt Nam (dưới đây gọi tắt là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) trên cơ sở vốn dự kiến được thông báo tại văn bản này, tổ chức triển khai xây dựng phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025 với các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ

1. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bám sát và thực hiện các quan điểm, mục tiêu, đột phá và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phù hợp các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách trung ương (NSTW) giữ vai trò chủ đạo, vốn NSNN thực sự trở thành vốn mồi để thu hút tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Không bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia; các dự án trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực; các dự án giao thông có tính liên kết vùng, tác động lan tỏa, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển; các dự án thủy lợi bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập của địa phương, vùng; dự án phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đột phá quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Phân bổ vốn gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo mọi điều kiện, nhất là thể chế và nguồn lực để phát triển nhanh các vùng động lực, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng, thu hẹp dần khoảng cách phát triển, kết hợp hỗ trợ phát triển các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.

II. NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Căn cứ quan điểm, mục tiêu, định hướng đầu tư nêu trên, tổng mức vốn dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông báo và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án, trên cơ sở đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lựa chọn danh mục dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 đảm bảo yêu cầu và các nguyên tắc:

- Phù hợp với kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối NSNN; bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công.

- Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Bố trí vốn đầu tư tập trung tiếp tục khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp quy hoạch. Chỉ bố trí vốn cho dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Trong từng ngành, lĩnh vực bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên sau:

+ Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có);

+ Phân bổ đủ vốn để hoàn trả số vốn ứng trước, hoàn trả tạm ứng kho bạc nhà nước và hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh theo mức vốn thông báo tại Phụ lục số I kèm theo văn bản này;

+ Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

+ Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;

+ Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;

+ Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công.

- Việc lựa chọn danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công; các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Đồng thời, danh mục nhiệm vụ, dự án đã bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, đã được cấp có thẩm quyền giao phải thuộc danh mục nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án không thấp hơn mức vốn kế hoạch năm 2021 đã được giao.

2. Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ngoài các nguyên tắc nêu trên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên:

- Bố trí đủ vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho: (i) Dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng còn thiếu vốn và Hiệp định vay của dự án còn hiệu lực để có thể giải ngân; (ii) Dự án hoàn thành và kết thúc hiệp định vay trong giai đoạn 2021-2025 mà không có khả năng gia hạn; (ii) Dự án có tiến độ và khả năng giải ngân tốt.

- Bố trí vốn cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, dự kiến ký Hiệp định vay trong giai đoạn 2021-2025.

- Cân đối đủ vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài, phù hợp với khả năng giải ngân của từng chương trình, dự án.

3. Đối với vốn ngân sách địa phương:

Ngoài các nguyên tắc nêu trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nguyên tắc sau:

- Dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối thu, chi ngân sách địa phương, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư.

[...]